Phát triển đồng bộ hệ sinh thái logistics

Sau khi Sở Công thương tổ chức hội thảo đầu kỳ “Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đã nhận được những phản hồi tích cực.

Tuy nhiên, để làm rõ những vấn đề đặt ra: TPHCM nên là trung tâm logistics hay là trung tâm cung cấp các dịch vụ cho lĩnh vực logistics; những thuận lợi, khó khăn trong quá trình xây dựng đề án..., phóng viên Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP, đơn vị chủ công xây dựng đề án để làm rõ những vấn đề trên.

- Phóng viên: Ông có thể khái quát vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành logistics trong cơ cấu kinh tế của TPHCM?

- Ông Nguyễn Ngọc Hòa: TPHCM có hệ thống logistics quan trọng nhất vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam cũng như cả nước. Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi, nằm giữa các trục đường bộ Đông - Tây, Bắc - Nam kết nối với hệ thống các cảng lớn như Cát Lái, Hiệp Phước…, TPHCM trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu (XNK) quan trọng của cả khu vực phía Nam.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển của TP chiếm 40% và khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt gần 75% của vùng KTTĐ phía Nam, chiếm hơn 20% của cả nước. Năm 2018, tổng kim ngạch XNK của TP đạt 85,2 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng kim ngạch XNK cả nước.

Về hoạt động của các DN, tính đến tháng 3-2018, cả nước có 296.469 DN logistics, trong đó 54% DN tập trung tại TPHCM, đóng góp 35% doanh thu vận tải, kho bãi của cả nước. TP còn có có hơn 40 cầu cảng với tổng chiều dài 14km, 61 bến phao, sản lượng hàng hóa năm 2018 thông qua các cảng tại TP tăng 9% so năm 2017 và dự báo sản lượng năm nay sẽ vượt công suất quy hoạch đến năm 2020.

Tuy đã quá tải hàng hóa thông quan qua các cảng tại TPHCM nhưng đến nay, TP chưa có trung tâm logistics đáp ứng tiêu chí và phương án quy hoạch theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, ảnh hưởng việc ùn tắc giao thông. Điều này dẫn đến việc ùn tắc hàng hóa tại các cảng và tình trạng kẹt xe tại các tuyến đường ra, vào cảng.

Riêng cảng Cát Lái (quận 2) tập trung khoảng 70% lượng container xuất, nhập của cả nước, với lượng xe ra vào cảng này lên tới 22.000 xe/ngày đêm, có thời điểm lên đến 23.500 xe/ngày đêm khiến các tuyến đường ra, vào cảng này thường xuyên bị ùn tắc. Đây là thực trạng rất đáng suy ngẫm và cần có giải pháp chiến lược để tạo điều kiện cho ngành logistics TP phát triển bền vững.

- UBND TPHCM đã giao Sở Công thương chủ trì xây dựng đề án phát triển logistics TPHCM, quá trình xây dựng đề án đã gặp những thuận lợi, khó khăn gì?

- Tôi cho rằng, đề án triển khai gặp khá nhiều thuận lợi. Thứ nhất, cả Thành ủy và UBND TPHCM đều khẳng định logistics sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần thiết và quan trọng trong hoạt động XNK và phát triển thuơng mại nội địa.

Thứ hai, đã có sự thống nhất về quan điểm từ trung ương đến các đến địa phương, cho rằng logistics là điểm mà nếu tác động vào sẽ tạo cú hích để thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Có những cái tưởng chừng rất xa nhưng khi bắt tay vào làm đề án và phân tích kỹ thì thấy nhiều vấn đề có thể giải quyết được từ chính bài toán logistics và tình trạng kẹt xe.

Chẳng hạn, nếu chúng ta tối ưu việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thì 1 sà lan có thể chở từ 100 - 150 container, điều này có nghĩa sẽ thay thế 100 - 200 xe container trên đường bộ, tác động giảm ùn tắc, tai nạn và thời gian cho tất cả mọi người khi tham gia giao thông.

Thứ ba, các DN logistics trong nước đang phát triển mạnh mẽ, đã hình thành được các DN hoạt động chuyên nghiệp (dĩ nhiên chưa nhiều), tạo niềm tin cho các nhà sản xuất và thương mại thực hiện thuê ngoài, trong khi trước đây mỗi đơn vị tự tổ chức logistics cho mình nên hoạt động này chỉ mang tính tự thân, riêng lẻ, chưa tạo được sự tối ưu của quy mô…

Phát triển đồng bộ hệ sinh thái logistics ảnh 1 Hệ thống logicstics của TPHCM không ngừng phát triển. Ảnh: CAO THĂNG

Bên cạnh thuận lợi, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, để logistics phát triển đồng bộ và mạnh mẽ, đòi hỏi của công tác kết nối hạ tầng liên hoàn về giao thông giữa đường thủy, đường bộ và đường sắt, đường hàng không.

Về quỹ đất dành cho logistics, với mong muốn TP trở thành một trung tâm đầu mối về logistics thì đòi hỏi phải có diện tích đất lên tới hàng trăm ha, nên việc lựa chọn vị trí phù hợp để xây dựng đáp ứng được nhiều yêu cầu như kết nối bến bãi với nhu cầu DN nên cũng cần có thời gian. Kế đến, để phát triển logistics đòi hỏi sự tham gia của nhiều chủ thể có liên quan.

Thường phải có nhiều nhóm cùng tham gia để kết hợp làm, tức vừa có sự chủ động phối hợp của các chủ thể, nhưng cũng rất cần một nhạc trưởng. Do vậy, để hình thành được một trung tâm logistics thì TPHCM không thể làm một mình mà cần sự kết nối với khu vực vùng.

Đặc điểm của TPHCM không sản xuất được hàng hoá mà phải từ các tỉnh nên cần có một nhạc trưởng trong điều phối, kết nối cho cả vùng trong hoạt động logistics là vậy.

Hiện nay, logistics được triển khai theo quy hoạch của trung ương, đã hình thành các cảng nước sâu như Cái Mép - Thị Vải và với đặc điểm đô thị hóa rất nhanh của TP làm cho chi phí đất đai tăng lên rất cao nên sản xuất buộc phải có sự dịch chuyển đến các tỉnh thành lân cận.

Với thực tế này, vai trò đầu tàu của TP bị ảnh hưởng. Nói cách khác, TP không nhanh chóng hoàn chỉnh xây dựng hệ sinh thái về logistics thì năng lực cạnh tranh và đầu tàu của TPHCM sẽ bị tác động.

- Tại hội thảo đầu kỳ đề án, một số ý kiến cho rằng, TP nên là trung tâm cung cấp các dịch vụ cho ngành logistics (như nguồn nhân lực, công nghệ…) hơn là dành đất để phát triển các trung tâm logistics. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi cho rằng, TPHCM phải trở thành trung tâm logistics để đáp ứng đòi hỏi nhu cầu thị trường, đồng thời phát huy lợi thế tốt nhất vì lâu nay TP vẫn đang giữ vai trò đầu mối của cả khu vực.

Đi vào cụ thể, đề án đang được khảo sát và nghiên cứu, nếu phát triển thành trung tâm logistics thì cần phải làm gì, làm thế nào phát triển một hệ sinh thái hoàn chỉnh… Để giải quyết được vấn đề này, đề án phải dựa trên khảo sát thật cụ thể về nhu cầu.

Về quy hoạch, Bộ Công thương đã quy hoạch TPHCM sẽ có 3 trung tâm logistics đặt ở Củ Chi, Hiệp Phước và 1 trung tâm sẽ đi theo sân bay để tạo tính đồng bộ. Còn cụ thể mỗi trung tâm này dành diện tích là bao nhiêu, quy mô và tính chất hoạt động sao thì đề án sẽ giải quyết việc này. Theo đó, trong đề án cũng sẽ dành hẳn một chương về nhu cầu sử dụng diện tích mặt đất, mặt nước phục vụ cho logictics.

Tôi cũng nói rõ, Nhà nước chỉ đứng ra xây dựng đề án tổng thể, quy hoạch vị trí, chính sách còn triển khai thực hiện, điều hành là các DN làm. Có thể tạm hình dung, các trung tâm sẽ do các nhà đầu tư hạ tầng chính bỏ vốn để xây dựng, phát triển toàn bộ và họ chỉ sử dụng một phần, trong từng phân khu hoạt động sẽ có các nhà đầu tư thành phần thuê lại để chia nhỏ cho các đối tác có nhu cầu…

Tính chuyên nghiệp trong đào tạo chuyên ngành còn yếu, gần đây các trường đại học mới tiến hành đào tạo nhưng công tác kết nối với các DN còn yếu. Nhu cầu nhân sự có chuyên môn về logistics còn thiếu và yếu nên TPHCM sẽ tăng cường phối hợp với các trường đại học để phát triển nhân lực và công nghệ cho DN. Đây cũng là lĩnh vực TP có thế mạnh.

- Thực tế đang chỉ ra rằng, TPHCM sẽ không thể đi xa nếu không triển khai tốt việc liên kết với các tỉnh để hình thành vùng kinh tế TPHCM. Đây được xem là chìa khoá phát triển trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành logistics nói riêng, khi soạn thảo đề án, ban soạn thảo có tiến hành làm việc với các tỉnh thành không, thưa ông?

- Đúng như vậy. Tuần sau, TPHCM sẽ tiến hành làm việc với các tỉnh thành để tính toán lại quy hoạch, trong đó TP xác định có từ 8 - 10 tỉnh phải kết nối. Các tỉnh bắt buộc phải kết nối là Bà Rịa - Vũng Tàu có cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải; Đồng Nai tính tới cảng hàng không; Bình Dương, Long An có các KCN - KCX.

Làm việc với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để xác định lại các mặt hàng xuất khẩu chủ lực để kết nối hệ thống logistics, vừa cho tiêu dùng nội địa. Tôi được biết, hiện một số tỉnh đang triển khai đề án logistics rồi nên TP sẽ làm việc kỹ, xem họ sẽ triển khai ra sao.

Với các tỉnh chưa làm thì cùng bàn để làm quy hoạch, gắn kết tốt hơn trong tương lai. Rất may, trong Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã đưa nội dung phát triển logistics vào để thực hiện triển khai tốt hơn.

- Tính đến ngày hội thảo đầu kỳ là 17-9 vừa rồi thì đề án đã triển khai được bao nhiêu % rồi thưa ông?

- Theo tôi mới chỉ đạt khoảng 15% vì đề án đang trong giai đoạn đầu tiên là khảo sát, đánh giá nhu cầu. Quá trình thực hiện này cũng đã xuất hiện một số vấn đề nổi cộm, điển hình như hệ thống các ICD (cảng cạn) nên chúng tôi đang tổng hợp để báo cáo UBND TP.

Hiện nay nhu cầu và sử dụng các cảng cạn hiện hữu là rất lớn, trong khi chúng ta đã đưa vào diện di dời nhưng lại chưa tìm được các vị trí tốt hơn, do vậy muốn di dời thì phải có điểm đến mới cho DN, bằng không sẽ gây ách tắc trong hoạt động XNK của DN.

Có một thực tế, các ICD này phải nằm gần cảng, gần các đường vành đai để phù hợp cho vận chuyển hàng hoá của TP. Cũng có nhiều đề xuất nên hình thành và quy hoạch lại các ICD ở khu vực quận 2 và quận 9.

Sẽ còn rất nhiều việc chúng tôi phải triển khai song song để đề án cơ bản hoàn thành và trình UBND TP xem xét trong vài tháng tới.

- Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục