Phát triển nghề nuôi biển cần tích hợp đa lĩnh vực, đa loài

Ngày 14-2, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Bình Định cùng các đơn vị tổ chức hội thảo “Nghề nuôi biển chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp”, với sự tham gia của gần 200 đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, nuôi biển.

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ NN-PTNT cho biết, Việt Nam có tổng diện tích nuôi biển khoảng 500.000ha, với hàng trăm giống cá, nhuyễn thể, giáp xác, rong tảo biển… Tuy nhiên, đến nay diện tích nuôi biển cả nước chỉ đạt 85.000ha, sản lượng năm 2022 đạt 750.000 tấn và đang phát triển manh mún, tự phát, thiếu quy hoạch, cơ sở hạ tầng hạn chế, trình độ kỹ thuật, nhân lực yếu kém, ô nhiễm môi trường; ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa cao; thiên tai thường trực…

Để ngành nuôi biển phát triển tốt, các chuyên gia đề xuất tập trung cho nuôi biển công nghiệp hướng đến bảo tồn sinh thái biển để phục hồi, tăng sản lượng thủy sản. Cụ thể, PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Nuôi biển Việt Nam, cho rằng, Việt Nam có 1.000km2 biển để phát triển nghề nuôi cá biển, và nếu tận dụng hết lợi thế này, với năng suất nuôi cá biển của vùng nhiệt đới từ 9.900-12.000 tấn/ha/năm thì sản lượng cá biển cả nước sẽ đạt 10 triệu tấn/năm. Từ năm 2017 đến nay đã có hệ thống chính sách phát triển nuôi biển khá đầy đủ từ Luật Thủy sản đến các nghị định, quyết định liên quan, nhưng luật vẫn chưa được thực hiện đồng bộ trong các tỉnh, thành ven biển cả nước. Ngoài ra, rất nhiều điểm nghẽn khi thiếu quy hoạch phát triển không gian biển; vướng nhiều thủ tục giao, cấp phép khu vực biển, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn dẫn đến không có bảo hiểm cơ chế vay vốn; hệ thống đào tạo chưa có chuyên ngành chính, thiếu giáo trình…

PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng đề xuất, phát triển nghề nuôi biển cần tích hợp đa lĩnh vực, đa loài để tận dụng các thế mạnh, chuỗi thức ăn hạn chế tác động đến sinh thái, môi trường biển; trong phát triển các dự án nuôi biển cần tích hợp với dự án điện gió ngoài khơi, du lịch biển, dầu khí, vận tải biển, đóng tàu, đánh bắt hải sản…

Nhiều ý kiến của doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo nêu những khó khăn khi chưa có quy chế rõ ràng cho ngành nuôi biển; vướng quy hoạch nên không được giao biển để thực hiện dự án. Nuôi biển xa rất khó khả thi ở bờ biển nước ta, vì vậy đề nghị phát triển nghề nuôi biển cần kết nối với các khu, trạm hậu cần ven bờ, ven biển; phát triển bền vững từ bờ tiến ra biển.

Tin cùng chuyên mục