Phát triển phố đi bộ hiện đại, hạn chế xe cá nhân

Bên cạnh sự thành công phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện (quận 1) và Vĩnh Khánh (quận 4), TPHCM cũng đã lên kế hoạch mở thêm phố đi bộ tại nhiều nơi khác. Đặc biệt quy hoạch siêu phố đi bộ ngay trung tâm thành phố dự kiến gồm 5 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung, Thi Sách sau khi hoàn thành sẽ có mạng lưới đi bộ rộng lớn ước tính khoảng 930ha.
Phát triển phố đi bộ hiện đại, hạn chế xe cá nhân

Siêu phố đi bộ này được kỳ vọng giúp phát triển kinh tế, du lịch, ẩm thực, lịch sử, văn hóa… Như có các tiểu khu đặc trưng văn hóa thanh niên (Công trường Quốc tế và Phạm Ngọc Thạch từ hồ Con Rùa tới đường Lê Duẩn), khu lịch sử - văn hóa (cụm công trình Công xã Paris gồm nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Đường sách, tòa nhà Metropolitan), khu thương mại - mua sắm (trục đường Đồng Khởi từ Công xã Paris đến Tôn Đức Thắng, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Nguyễn Thiệp...), khu biểu diễn nghệ thuật (Công trường Lam Sơn và Nhà hát TP với quảng trường trước nhà hát bao quanh các khách sạn 4 - 5 sao).

Mở thêm phố đi bộ có thuận lợi lớn để giải quyết tình trạng chiếm dụng vỉa hè trái phép và phát triển xe buýt, xe đạp công cộng, hạn chế xe cá nhân. 

Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa qua đã đề xuất và được chấp thuận cho thí điểm mô hình xe đạp công cộng Mobike, trên địa bàn có 43 vị trí làm chỗ để xe đạp công cộng trên các trục đường lớn ở quận 1 và dự kiến làm làn ưu tiên cho xe buýt trên trục đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ (quận 3). Đây là dự án xã hội hóa nhằm thu hút nguồn lực nhà đầu tư bên ngoài, giúp đa dạng phương thức giao thông đô thị khu vực nội thành, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận xe buýt, góp phần giảm ô nhiễm, ùn tắc.

TPHCM có nhiều ngõ hẻm, thực trạng giao thông công cộng chậm phát triển, metro đang được thi công, xe buýt gặp nhiều trở ngại và thiếu sức hấp dẫn… Giải quyết ùn tắc giao thông, kẹt xe là vấn đề nan giải. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông công cộng đáp ứng yêu cầu thì đòi hỏi vốn đầu tư lớn, mất nhiều thời và còn khá lâu.

Nhiều thành phố trên thế giới nhờ khuyến khích người dân đi bộ và phát triển mô hình xe đạp công cộng có kết nối với giao thông công cộng đã góp phần giải quyết kẹt xe như Paris (Pháp), Luân Đôn (Anh), Madrid (Tây Ban Nha), Áo, Bỉ, Thụy Điển, Thụy Sĩ… Đó là một hệ thống xe đạp công cộng an toàn, văn minh, hiện đại. 

Seoul (Hàn Quốc) được cho là đô thị hiện đại có làn đường dành cho xe đạp kết nối với các hẻm nhỏ và khu vực mà giao thông công cộng không tới được, dự kiến xây dựng thêm các làn đường dành cho xe đạp dài 23,3km trong trong năm 2021. Giao thông ở đây được tổ chức khá tốt, phù hợp với đặc trưng phát triển từng khu vực.
Bangkok (Thái Lan) cũng đã tổ chức mô hình xe đạp công cộng kết hợp với đi bộ trong bán kính gần để thay thế xe máy được người dân ủng hộ, hưởng ứng, tham gia. Tôi du lịch đến đây sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng thấy tiện lợi, hấp dẫn. Theo đó, chính quyền lập các trạm xe đạp phục vụ những ai không đi xe cá nhân, phân làn riêng để thuận lợi và an toàn, đến nay có gần 365km đường dành cho xe đạp được liên kết với hệ thống giao thông công cộng. Nhờ vậy không chỉ góp phần giải quyết nạn kẹt xe mà còn giúp giảm tiếng ồn, giảm ô nhiễm môi trường, thu hút khách du lịch sử dụng xe đạp tham quan mọi ngóc ngách của xứ sở Chùa Vàng. 

TPHCM là đô thị đang phát triển, ở khu vực trung tâm hiện có hàng trăm ngàn ngõ ngách cùng với hẻm sâu mà phương tiện công cộng, xe buýt không thể vào được để kết nối giao thông và phủ rộng khắp mọi nơi. Việc mở rộng nâng cấp ngõ hẻm cho phương tiện công cộng và xe buýt lưu thông là rất khó. Bởi sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhiều người dân, chi phí khá tốn kém do phải đền bù khi mà giá đất mỗi mét vuông ở khu vực trung tâm lên đến hàng trăm triệu đồng, chưa kể phải giải tỏa khối lượng lớn nhà cao tầng, trụ sở làm việc, vật kiến trúc và hàng loạt các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Nhiều người hy vọng khi hoàn thành các tuyến metro sẽ vận tải hành khách với khối lượng lớn, giúp giải quyết nhu cầu vận chuyển công cộng.

Mỗi tuyến metro đưa vào sử dụng phải được kết nối cho thấy sự tiện lợi về đi lại, giá rẻ, thời gian để người dân bỏ xe cá nhân chuyển qua sử dụng phương tiện công cộng này. Lúc đó đòi hỏi phải có giải pháp cho người đi bộ, xe đạp công cộng và xe buýt vẫn là phương tiện kết nối giữa các tuyến metro. 

Tôi thường đi bộ kết hợp với xe buýt thấy có tiện lợi như là cơ hội tập thể dục nhưng còn lắm trở ngại, vỉa hè bị chiếm dụng, thiếu không gian đi bộ. Đi xe đạp thì lo mất an toàn, lưu thông chung đường với xe máy, ôtô. 

Cấu trúc đô thị ở Bangkok khá giống TPHCM vì có nhiều hẻm sâu, ngõ ngách. TPHCM phát triển phố đi bộ kết hợp tổ chức lại giao thông sẽ hạn chế lượng lớn xe cá nhân, lúc này đường phố trở nên thông thoáng có thể dành một phần riêng cho xe đạp để đảm bảo an toàn, khuyến khích người dân sử dụng. 

Phát triển phố đi bộ không chỉ thuận lợi lớn cho kết hợp xe đạp công cộng, xe buýt trung chuyển cho các tuyến metro mà còn giúp phát triển kinh tế, du lịch, ẩm thực, lịch sử, văn hóa… Theo đó, quy hoạch những làn đường dành cho giao thông công cộng và xe đạp có thể kết nối với các khu vực di tích lịch sử, trạm trung chuyển. Trên đường trục rộng, hoạt động xe buýt có sức chuyên chở lớn. Mở rộng phố đi bộ đến đâu, tổ chức lại giao thông và cấm xe máy tới đó. 

Cơ quan chức năng có thể quy hoạch tổ chức sắp xếp lại không gian vỉa hè hài hòa lợi ích giữa người dân và cảnh quan đô thị, chủ nhà và người đi bộ đều hưởng lợi. Có thể áp dụng quy định mức phí sử dụng phố đi bộ hoặc vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. Như vậy, không chỉ lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, hài hòa lợi ích, tăng thu ngân sách mà còn có sự phối hợp từ người dân giữ sạch vỉa hè về lâu dài, nâng cao chức năng và nhiệm vụ cơ quan quản lý nhà nước. Phương pháp này giải được bài toán gồm nhiều mục tiêu, trong đó có duy trì "chiếc cần câu" cho người lao động. Ngành chức năng dễ kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự đô thị, xây dựng nếp sống văn minh. Gắn với phát triển du lịch tạo không gian công cộng an toàn, thân thiện, gần gũi, quảng bá các món ăn đường phố để thu hút thêm du khách. 

Phố đi bộ cũng cần tạo nét riêng, đáp ứng nhu cầu người dân và du khách. Đây không chỉ là vấn đề giao thông, du lịch mà còn phát triển kinh tế. Tổ chức không gian đi bộ nên ưu tiên ở nơi có khung cảnh phù hợp, mảng xanh, nhiều dịch vụ. TPHCM có kế hoạch chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng, quận 1. Theo phương án được chấp thuận sẽ làm các hạng mục với diện tích khoảng 8.000m2 gồm hệ thống lối đi, đường dạo, sân bãi, chiếu sáng, hệ thống tưới nước di động…. Nên chăng kết hợp tổ chức lại không gian hai bên bờ sông Sài Gòn sẽ có cảnh quan độc đáo và thông suốt từ đầu đến cuối, kết nối với hệ thống phố đi bộ trong khu vực trung tâm để ai cũng có thể dạo bộ, xe đạp, ngắm cảnh, tham quan, du lịch, chiêm ngưỡng vẻ đẹp dòng sông.

Ý nghĩa hơn với nơi đây nhờ kết nối với hàng loạt di tích và địa điểm văn hóa như chùa, nhà thờ, khu đô thị Thủ Thiêm, quảng trường Mê Linh và cảng Sài Gòn, Tân Cảng, Ba Son, bến Nhà Rồng, Bạch Đằng. Thuận lợi đi vào trung tâm đến chợ Bến Thành, Nhà hát lớn, Bưu điện trung tâm, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh... Tận dụng lợi thế này quy hoạch phố đi bộ thành “đặc sản văn hóa” TPHCM mang màu sắc vùng đất và con người bản xứ.    

Tin cùng chuyên mục