Phát triển và công bằng

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra ở TP Gurgaon thuộc bang Haryana của Ấn Độ, Tổng giám đốc Điều hành Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Rajat Nag, nhận định rằng, Ấn Độ đang đứng trước những “ngã tư đường”.

Nói vậy vì khoảng cách giàu nghèo, thu nhập quá khác biệt, trong khi số lao động trẻ thiếu kỹ năng tăng nhanh đang tạo nên rào cản lớn cho nỗ lực phát triển kinh tế của nước này.

Trong khi xã hội Ấn Độ đa số thuộc tầng lớp trung lưu và các khu trung tâm thương mại hiện đại mọc lên như nấm, điển hình như TP Gurgaon, thì vẫn còn đó 40% trong tổng số dân 1,2 tỷ người sống dưới mức 1,25 USD/ngày. Mất cân bằng trong thu nhập ở Ấn Độ đã tăng gấp đôi trong 2 thập niên qua. Một số thống kê đã chỉ ra sức khỏe, chất lượng dinh dưỡng dành cho trẻ sau sinh ở nhiều khu vực ở Ấn Độ còn kém hơn một số nước ở khu vực hạ châu Phi.

Mất cân bằng trong giáo dục trở thành hệ lụy tất yếu. Hiện Ấn Độ chỉ dành dưới 2% GDP cho ngành giáo dục. Đến cuối thập niên này độ tuổi trung bình ở Ấn Độ là 29 tuổi, nghĩa là lượng dân số trẻ chiếm phần lớn. Làm sao để Ấn Độ khai thác được nguồn dân số trẻ?

Theo Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ, hàng năm thị trường lao động Ấn Độ cần 12 - 14 triệu lao động mới nhưng do khoảng cách kỹ năng giữa các ứng viên quá lớn đã gây cản trở việc tuyển chọn và sử dụng lao động. Lao động trình độ trung bình thì có nhưng tìm được một người có khả năng đào tạo nâng cao cho lao động trẻ là điều không dễ. Hơn một nửa số kỹ sư tốt nghiệp không tìm được việc làm vì họ không có những người thầy giàu kinh nghiệm hướng dẫn.

Khoảng cách giàu nghèo, nguyên nhân gây mất cân bằng cho phát triển không phải chỉ riêng ở Ấn Độ mà còn ở nhiều quốc gia đang phát triển, dân số trẻ khác. Ở Trung Quốc, kinh tế phát triển nhanh chóng trong 3 thập niên qua đã giúp nước này có thêm nhiều triệu phú, tỷ phú nhưng cũng khiến khoảng cách giàu nghèo gia tăng.

Theo China Youth Daily, khoảng cách giàu nghèo của nước này được phản ánh dựa trên hệ số Gini (với mức 0 là tuyệt đối công bằng và 1 là mất cân bằng cao nhất), hiện hệ số này của Trung Quốc là 0,458, vượt ngưỡng 0,4 (mức mất cân bằng thu nhập có thể gây bất ổn xã hội). Mỹ Latinh là châu lục được đánh giá có sức bật cao trong giai đoạn kinh tế thế giới gặp khủng hoảng nhưng vẫn không thoát khỏi thực tế trên.

Chương trình Định cư con người của LHQ (UN-Habitat) đã có nghiên cứu chỉ ra khoảng cách giàu nghèo tại Mỹ Latinh đang nới rộng thêm. Đây là khu vực đang mất cân đối về mặt kinh tế và bị đô thị hóa nhất trên thế giới.

Trong những năm đầu thế kỷ 21, các quốc gia đang phát triển vươn lên mạnh mẽ, luôn dẫn đầu tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng đã phải đối mặt với khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Sự vươn lên về kinh tế của mỗi khu vực, quốc gia không chỉ cần yếu tố tốc độ mà trên hết cần sự song hành với việc tạo sự bình đẳng - nền tảng phát triển xã hội bền vững, giúp mọi người dân được hưởng thụ công bằng thành quả tăng trưởng.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục