Dư luận phàn nàn rất nhiều về tình trạng xe buýt phóng nhanh vượt ẩu, thái độ phục vụ của nhân viên đối với hành khách kém văn hóa… Đó là điều có thật. Tuy nhiên, sau nhiều ngày rong ruổi các nẻo đường trên địa bàn TPHCM, chúng tôi phần nào cảm nhận được nỗi nhọc nhằn của họ.
Nghề mang tiếng
Mặc dù xã hội vẫn còn nhiều phàn nàn về giới tài xế xe buýt nào là phóng nhanh vượt ẩu, đón trả khách không đúng nơi quy định... Tuy nhiên sau những ngày rong ruổi cùng họ trên nhiều tuyến xe buýt mới thấy được những vất vả của các bác tài. Chuyến xe buýt số 6, đi từ quận Thủ Đức về đường Lê Hồng Phong. Vào giờ cao điểm xe chật vật len lỏi vào dòng xe đông đúc, tiếng còi xin nhường đường liên tục vang lên để ghé trạm. Gần đến ngã tư Bình Triệu xe nhích dần từng chút rồi khựng lại giữa dòng xe gắn máy đang vây kín. Rất nhiều lượt đèn xanh tại ngã tư này bật sáng nhưng cứ mỗi lần tài xế nhấn ga tăng tốc là ngay lập tức xuất hiện một loạt 4 - 5 xe gắn máy vọt tới giành đường đi trước.
Anh Lê Tấn Thành, tài xế xe buýt 53N-7459, mắt dáo dác ngó qua ngó lại, nói: “Trong lúc chạy xe, lúc nào tụi tôi cũng phải nghĩ đến việc phải đi về đúng giờ”. Nỗi ám ảnh của anh xuất phát từ quy định giờ giấc biểu đồ chạy do Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng đề ra. Nếu xe không về trạm đúng giờ, anh sẽ bị phạt. Đây cũng là một trong những lý do khiến các tài xế rút đường, chạy ẩu.
Tài xế Huỳnh Thanh Sơn chạy tuyến Chợ Lớn - Tân Vạn (số xe 53N – 3978) có thâm niên 9 năm trong nghề, bày tỏ: “Thực tế, nghề tài xế xe buýt là nghề nhọc nhằn, nhiều sức ép. Tình trạng tắc đường diễn ra thường xuyên, trong khi hành khách buộc xe buýt phải chạy đúng giờ… khiến tài xế nhiều khi vô cùng căng thẳng. Vì thế, đôi khi không thể tránh được một số va chạm với hành khách đi xe. Trong khi đó, nhiều người lại không hiểu hết những “cái khó” này của chúng tôi. Chỉ sơ sẩy một chút, có vấn đề gì dư luận bức xúc ngay. Giới tài xế cũng như nhân viên mong muốn phục vụ hành khách tốt nhất. Để hình ảnh xe buýt ngày càng tốt hơn, không chỉ có sự cố gắng của nhân viên mà còn từ hành khách nữa. Ai cũng cố gắng một chút thì mọi thứ mới tốt lên được”.
Gần 6 năm trong nghề, anh Dương Văn Dũng, tài xế tuyến Chợ Lớn-Củ Chi, chạy xe 51B-01957, cho biết: Tài xế xe buýt chịu áp lực nhiều hơn so với các loại xe khác. Vì khi điều khiển xe mắt phải căng ra nhìn trái nhìn phải rồi phía trước mỗi khi xe ra vào trạm đón rước khách. Đó là chưa kể tay phải hoạt động liên tục thao tác bật đèn xi nhan, ấn nút mở đóng cửa… Trong khi đó, dưới đường xe cộ chen chúc nhau, chưa kể nhiều người chạy xe máy hay lạng lách trước đầu xe rất nguy hiểm.
Công việc của nhân viên áp lực không kém, nhất là những tuyến có lượng khách đông, bởi xe thường xuyên trong tình trạng quá tải, ngột ngạt và chen chúc. Trong khi đó, nhiều hành khách cư xử thật sự kém. Anh Thạch Thành Được, nhân viên phụ xe 53N- 3978, phân trần: “Áp lực đôi khi ảnh hưởng đến tâm trạng, khiến đôi lúc chúng tôi không giữ được bình tĩnh, cư xử thiếu lịch thiệp với những hành khách khó tính. Tuy nhiên, trong suốt quá trình phục vụ trên tuyến, chúng tôi luôn cố gắng làm tốt công việc của mình và tôi chưa bao giờ quát nạt khách”.
Nguyễn Văn Minh, phụ xe 51B-01957 tuyến Củ Chi - Chợ Lớn, cho biết: “Tôi thường làm ca sáng nên phải dậy từ lúc 4 giờ để chuẩn bị đi làm. Làm nghề phụ xe này có cái hay là được tiếp xúc với nhiều người, va chạm nhiều với cuộc sống. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể chiều lòng được mọi hành khách bởi có nhiều người rất khó tính và ý thức kém, không chịu theo lời chỉ dẫn của nhân viên. Mà nhắc nhở nhiều thì lại bị mang tiếng là cư xử thô lỗ với hành khách”.
Nâng chất lượng lái xe, phụ xe
Trong thời gian tới, còn quá nhiều việc phải làm để có thể xóa đi những hình ảnh không đẹp, những suy nghĩ tiêu cực về xe buýt, qua đó đưa xe buýt trở thành biểu tượng của văn hóa giao thông. Đó là mục tiêu của Sở GTVT TPHCM. Cụ thể, nâng chất lượng phương tiện, xây dựng cơ sở hạ tầng cho xe buýt, mở rộng vùng phục vụ, xóa vùng trắng xe buýt, nâng cao chất lượng, đạo đức đội ngũ lái, phụ xe...
Đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ lái xe, phụ xe, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết sở thường xuyên yêu cầu các đơn vị tổ chức các lớp đào tạo chuyên đề về thái độ phục vụ, đặc biệt là dành cho đội ngũ lái xe, bán vé. Hàng năm, các đơn vị đã tổ chức hàng trăm khóa học cho hàng ngàn lượt học viên. Điểm yếu cần khắc phục với lái xe, phụ xe trong đào tạo chính là kỹ năng giao tiếp và làm hài lòng khách hàng. Đây cũng chính là nội dung được thường xuyên chú trọng trong các lớp đào tạo nâng chất lượng lái xe, phụ xe.
Tại các lớp học này, học viên sẽ được hướng dẫn, truyền đạt những kiến thức cơ bản, cách thức giao tiếp với khách hàng và xử lý tình huống với hành khách. Ở cấp độ cao hơn, học viên sẽ được cung cấp kiến thức sâu hơn về ứng xử trên đường, các kỹ năng thực hành lái xe buýt trong điều kiện giao thông khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, xây dựng văn minh xe buýt cần sự hỗ trợ nhiều phía, nỗ lực từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, quan trọng nhất là sự hợp tác, sự nỗ lực của hành khách đi xe buýt.
Từ những câu chuyện như trên, ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, cho rằng rất cần sự chung tay của người dân, của hành khách để xe buýt trở nên gần gũi, thân thiện và văn minh hơn, bởi thực tế đôi khi chính hành khách đi xe lại khiến cho “văn hóa xe buýt” bị xuống cấp. Văn hóa phải được xây dựng từ hai phía, từ người phục vụ đến người được phục vụ.
Quốc Hùng