Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo Thông tư quy định mức thu, kê khai, nộp, quản lý phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên truyền hình trả tiền (THTT). Trong đó có quy định: “Mức thu phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền là 1,3% trên doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Doanh thu tính quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền quy định tại khoản này là tổng doanh thu phát sinh từ hợp đồng với các thuê bao truyền hình trả tiền và thu từ dịch vụ giá trị gia tăng trong kỳ tính phí”.
Sau khi nhận thông báo này, hầu hết các đơn vị kinh doanh dịch vụ THTT đều… hốt hoảng. Bởi phí 1,3% trên tổng doanh thu là một con số khủng và đây là phí phải đóng hàng tháng.
Hiện nay trên cả nước có gần 60 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, chỉ tính riêng một số đơn vị có lượng thuê bao lớn như: SCTV có gần 3 triệu thuê bao, VTVcab hơn 2 triệu thuê bao, HTVC và K+ mỗi đơn vị gần 700.000 thuê bao, MyTV hơn 1 triệu thuê bao… và tiền thuê bao hàng tháng nếu tính giá trung bình 70.000 đồng/thuê bao, thì con số thu được rất lớn. Đơn cử như SCTV: 70.000 đồng x 3.000.000 (thuê bao) = 210 tỷ đồng. 1,3% phí cung cấp dịch vụ THTT của 210 tỷ đồng sẽ là 2,73 tỷ đồng. Như vậy đủ thấy, tiền phí thu được từ gần 60 doanh nghiệp THTT quả thật rất đáng kể!
Thay vì đề ra các kiểu thu phí, điều quan trọng nhất với lĩnh vực THTT hiện nay là việc quản lý nội dung phát sóng. Ảnh minh họa.
Thêm vào đó, thông tư này cho phép đơn vị thu phí (ở đây là Cục Phát thanh Truyền hình và thông tin điện tử) được phép giữ lại 50%. Vậy là một cơ quan quản lý nhà nước về truyền hình, được đứng ra thu tiền, rồi được giữ lại một nửa tiền thu phí, xem ra có điều gì đó không ổn.
Vấn đề là từ năm 2014, trước các cuộc cạnh tranh vô tội vạ về giá thuê bao dịch vụ THTT (có nơi thu 20.000 - 30.000 - 40.000 đến 100.000 - 200.000 đồng/tháng), Hiệp hội THTT Việt Nam đã trình Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đề án xây dựng đơn giá chung về thu phí thuê bao cho tất cả các loại hình dịch vụ THTT nhằm để có một giá trần cho đầu vào, chống phá giá cạnh tranh không lành mạnh. Nhưng đến nay, đề án này vẫn chưa được thông qua thì Bộ Tài chính lại đưa ra dự thảo về thông tư quy định mức thu phí mới này.
Đại diện một doanh nghiệp THTT bức xúc: “Hoạt động kinh doanh của THTT hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi phải chịu mọi thứ phí, thuế: thuế hoạt động doanh nghiệp, thuế VAT, tiền bản quyền, phí mua kênh chương trình… giờ lại thêm phí doanh thu. Đủ thứ thuế, phí thế này, doanh nghiệp làm sao ngóc đầu được”. Một lãnh đạo đơn vị THTT khác chỉ thốt lên một câu “Vô lý quá”. Theo người này, nếu thu phí trên tổng lợi nhuận - chứ không phải tổng doanh thu còn có thể chấp nhận được, vì hiện nay đa số các doanh nghiệp THTT đều đang lỗ, rất hiếm đơn vị có lời, mà nếu có lời cũng là khoản lời rất… khiêm tốn.
Nhìn vào mặt bằng chung cũng thấy, hiện nay các doanh nghiệp Việt kinh doanh THTT đều phải đóng thuế từ 20% - 25%. Để làm đúng nghĩa vụ này doanh nghiệp cũng đã hết sức vất vả, khó khăn, nay phải chịu thêm một khoản thu phí quản lý khá lớn như trên sẽ khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Thay vì đề ra các kiểu thu phí, điều quan trọng nhất với lĩnh vực THTT hiện nay là việc quản lý nội dung phát sóng, quy hoạch các kênh truyền hình sao cho hợp lý, không cấp phép ra kênh tràn lan và có một quy định thống nhất về phí lắp đặt. Có như thế mới hạn chế được sự bát nháo về giá thuê bao và nội dung nhảm nhí trên sóng truyền hình.
NHƯ HOA