
(SGGP 12G).- Hiện trung bình số ngoại tệ từ xuất khẩu lao động (XKLĐ) chuyển về nước vào khoảng 1,8 tỷ USD/năm. Hiệu quả về kinh tế là điều không còn phải bàn cãi, thế nhưng ở nhiều khía cạnh khác, nhất là về mặt tác động đến gia đình, XKLĐ lại trở thành nguyên nhân trực tiếp khiến nhiều tổ ấm “đổ bể”, nhiều đứa trẻ rơi vào cảnh cha mẹ chia lìa…
Đó là thực tế ở nhiều miền quê Việt Nam. Và đó cũng là nội dung rất được chú ý của bản báo cáo “Nghiên cứu tác động của XKLĐ đến cuộc sống gia đình” do Tổ chức Health Birdge Canada và Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ lần đầu tiên thực hiện, tại Thái Bình.
Tình dục ngoài hôn nhân: Hệ lụy khó tránh

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 70.000-80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài
Thái Bình là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam mở ra hoạt động XKLĐ và hiện là tỉnh có số lượng lao động xuất khẩu lớn nhất cả nước. Mỗi năm tỉnh đưa được 2.500 – 3.000 người đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là nữ. Số tiền họ gửi về trong 3 năm 2003-2005 là gần 45 triệu USD, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao mức sống cho nhiều gia đình nông dân.
Đây rõ ràng là “phao cứu sinh” cho nhiều gia đình khi mà những nghề phụ ở Thái Bình như đan cói, làm đậu phụ… không còn mang lại hiệu quả kinh tế, thậm chí đang dần bị mai một. Nghề chính là nghề nông cũng luôn trong cảnh “nhiều bữa đói hơn bữa no”. Vì thế, nhiều năm nay, không chỉ người dân ở Thái Bình, mà ở rất nhiều miền quê khác đã coi XKLĐ là con đường để “đổi đời”.
Tuy nhiên, cùng với đó, đáng lo ngại là tính bền vững của gia đình có chiều hướng giảm sút. Một trong nguyên nhân chính là do khi vợ hoặc chồng đi XKLĐ, sự xa nhau về không gian và thời gian khiến họ thiếu chung thủy, dẫn đến những quan hệ tình dục ngoài hôn nhân.
Chính quan hệ ngoài hôn nhân, cộng thêm những thay đổi về lối sống, về tâm lý ỷ lại kiếm được nhiều tiền hơn của người vợ hoặc người chồng mà nhiều gia đình đã bất hòa, vợ chồng sống ly thân. Qua nghiên cứu, có 3,7% nam giới và 1,8% phụ nữ ở Thái Bình đi XKLĐ cho biết đã ly thân một thời gian sau khi về nước.
Tất cả những vấn đề này được đưa ra để dẫn đến một câu hỏi: Phải chăng đó là sự đánh đổi mà người nghèo phải chấp nhận? Phía sau bức tranh XKLĐ, trong nhiều trường hợp chức năng gia đình bị biến đổi, mối quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo dẫn đến nhiều vấn đề, như tha hóa đạo đức, lối sống; mắc các tệ nạn xã hội; quan hệ tình dục ngoài hôn nhân; gia đình lục đục, tan vỡ; thiếu quản lý, giáo dục con cái; nợ nần...
Thực tế, trước khi đi làm việc ở nước ngoài, hầu hết người lao động (NLĐ) đều cố gắng thu xếp mọi thứ, kể cả việc giảm tải công việc sản xuất để người ở nhà đỡ vất vả. Nhưng, chính điều này ở khía cạnh nào đó đã dẫn đến cảnh “nhàn cư vi bất thiện” cho người ở nhà.
Trong khi nhiều người vợ đi XKLĐ, phải đổ mồ hôi công sức để kiếm tiền cho gia đình thì nhiều người chồng ở nhà bỏ bê nhà cửa, con cái, dùng tiền vợ gửi về tiêu vào những việc không chính đáng, chơi bời trai gái, rượu chè, cờ bạc. Một số người vợ khi về nước đã phải dành ra một khoản khá lớn để trả nợ cho chồng, cho con.
Ông Nguyễn Văn T, thôn Vĩnh Ninh, Đông Tân, Đông Hưng, Thái Bình kể, ở thôn ông, có trường hợp vợ đi XKLĐ về được 70 triệu đồng phải trả hết nợ đánh bạc cho chồng. Trường hợp khác, người vợ đi Đài Loan gửi tiền về, anh chồng ở nhà ăn chơi đua đòi hết tiền vợ gửi, quay sang “cắm” cả sổ hưu của bố để lấy tiền chơi bời.
Hậu XKLĐ: Người lao động “chê” đồng ruộng
Sau khi đi XKLĐ trở về, nhiều người không muốn trở lại với ruộng đồng mà muốn có một công việc nhàn hạ, thoát ly nông nghiệp. Hiện tượng nhiều người trở về không muốn ở nhà nữa mà muốn đi XKLĐ tiếp là khá phổ biến.
Theo thống kê, ở Thái Bình, có tới hơn 80% phụ nữ đi XKLĐ trở về muốn đi tiếp lần thứ 2, thứ 3 vì họ nhận thấy cơ hội phát triển kinh tế gia đình hơn hẳn lao động ở quê nhà. Tất nhiên, có một điều đáng mừng là không ít người đi XKLĐ (23,3%) đã phát huy số vốn dành dụm được làm vốn ban đầu chuyển sang làm kinh doanh, buôn bán nhỏ, tiếp tục mưu sinh một cách bền vững. Nhưng cũng chỉ có một số ít (2,4%) là sử dụng được nghề nghiệp đã được đào tạo tại nơi lao động xuất khẩu để có thể “đổi đời” cho mình và gia đình một cách đúng nghĩa nhất.
Hầu hết NLĐ, sau khi đã trả hết nợ vay để đóng tiền đi XKLĐ, tiền kiếm được dành chỉ để chi dùng cho các mục tiêu chung của gia đình như: xây dựng, sửa chữa nhà cửa hoặc mua sắm đồ đạc, đặc biệt là xe máy và ti vi.
Rõ ràng, đã đến lúc cần phải tính lại bài toán XKLĐ, để làm sao sự đánh đổi giữa cái được và cái mất ít nhất. Tình cảm con người vốn không bất biến. Nhu cầu sinh lý cũng là điều khó để phán xét. Nhưng hoàn toàn có thể hạn chế sự đánh đổi về mặt tình cảm của người đi XKLĐ và người thân của họ bằng những mô hình can thiệp hỗ trợ gia đình. Ở đó, những người vợ/người chồng được tư vấn và sẻ chia, cũng như được trang bị kỹ năng để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Và quan trọng hơn, họ cần được hỗ trợ trên con đường “hậu” XKLĐ để không rơi vào cảnh “con kiến mà leo cành đa…”.
Những thiếu thốn về tình cảm được coi là một thách thức lớn nhất cho các thành viên trong gia đình và bản thân người đi XKLĐ. Thực tế, 87,3% người chồng và 80,2% người vợ thừa nhận thiếu thốn tình cảm, thiếu người chia sẻ khi người thân đi lao động xa nhà. Tuy phần lớn các cặp vợ chồng đều cho biết thời gian xa nhau do đi XKLĐ không làm “thay lòng đổi dạ” tình cảm vợ chồng, nhưng chỉ gần 60% tự tin khẳng định rằng sau một thời gia xa cách “vợ chồng yêu thương gắn bó với nhau hơn”. Và thay vào đó, ít nhất 2,5% phụ nữ đi XKLĐ hoặc có chồng đi XKLĐ khẳng định có việc quan hệ ngoài hôn nhân và có con ngoài giá thú... |
Quang Phương