Phía sau một đề tài được vinh danh

Kỹ thuật can thiệp nội mạch (điều trị các bệnh lý về dị dạng mạch máu não, tủy, lấy cục máu đông…) của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM được biết đến là một trong 15 thành tựu y học nổi bật nhất trong 10 năm qua của ngành y tế Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết được phía sau niềm vinh quang ấy là sự hy sinh thầm lặng của những y, bác sĩ…
Phía sau một đề tài được vinh danh

Kỹ thuật can thiệp nội mạch (điều trị các bệnh lý về dị dạng mạch máu não, tủy, lấy cục máu đông…) của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM được biết đến là một trong 15 thành tựu y học nổi bật nhất trong 10 năm qua của ngành y tế Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết được phía sau niềm vinh quang ấy là sự hy sinh thầm lặng của những y, bác sĩ…

  • Hồi sinh nhờ phương pháp "nở hoa trong lòng mạch”

1 giờ sáng, tại khu hành lang phòng mổ, người thân bạn bè, đồng nghiệp, bệnh nhân Lê Nguyễn Đông Phương (ngụ quận 7 - TPHCM) vẫn nén lòng chờ đợi. Ánh mắt họ thất thần nhìn nhau không nói và cùng khấn nguyện cho sự bình an của người bệnh. Chị Phương nhập viện cấp cứu với triệu chứng đau đầu dữ dội kèm nôn ói liên tục, được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm màng não mủ sau khi chọc dò tủy sống và xét nghiệm máu. Những tưởng căn bệnh này điều trị sẽ dễ dàng theo phác đồ “đánh” kháng sinh từ từ. Tuy nhiên, bệnh trạng của chị Phương đột nhiên trở nặng trước sự ngỡ ngàng của nhiều bác sĩ.

Qua chụp CT-Scanner, các bác sĩ đã phát hiện chị Phương bị thuyên tắc toàn bộ xoang tĩnh mạch dọc trên và các xoang tĩnh mạch ngang, kèm theo biến chứng xuất huyết não, phù não lan tỏa. Trong tích tắc, lằn ranh giữa sự sống và cái chết rất mong manh… Một quyết định khẩn cấp được đưa ra là chuyển chị Phương vào phòng mổ cấp cứu.

Thế nhưng 2 ngày sau khi mở hộp sọ giải áp, tình trạng sức khỏe của chị Phương vẫn rất xấu với mô não còn phù căng do huyết khối phức tạp bít tĩnh mạch não. Chị Phương tiếp tục rơi vào trạng thái hôn mê, tưởng chừng hết phương cứu chữa. Lúc ấy, một ý nghĩ táo bạo lóe lên trong đầu những thầy thuốc: “Dùng kỹ thuật catheter (ống thông dùng cho nội phẫu - PV) từ tĩnh mạch đùi luồn lên đầu lấy huyết khối của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM?”. Thế là, chiếc xe chuyên dụng đưa bệnh nhân Lê Nguyễn Đông Phương từ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sang Khoa DSA Bệnh viện Đại học Y Dược để tiến hành phẫu thuật.

Trải qua hơn 4 giờ sinh tử, bác sĩ Trần Chí Cường cùng các đồng nghiệp đã hoàn thành xuất sắc việc hút những cục máu đông trên não bệnh nhân bằng phương pháp can thiệp nội mạch. Kết quả bệnh nhân dần dần hồi tỉnh và hiện đã trở lại bình thường.

Cũng từng thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ vào phương pháp can thiệp nội mạch, chị Nguyễn Thị P. (26 tuổi, ở Phú Yên) cho biết trước đây thỉnh thoảng chị bị chóng mặt, đau đầu, đến mức ngồi dậy không nổi. Dù đã sử dụng nhiều loại thuốc chữa nhưng triệu chứng nhức đầu vẫn không khỏi. Càng ngày mắt chị P. càng lồi ra. Rồi một ngày, túi phình quá tải vỡ ra, khiến máu chảy tràn xuống miệng, mũi. Rất may là chị được đưa tới Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM kịp thời.

Kết quả chụp CT, MRI và chụp mạch máu não xóa nền DSA, cho thấy chị bị dò động mạch cảnh xoang hang, lỗ rách hơn 2mm. Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã phải đem 13 cái bong bóng chuyên biệt để bít lỗ rách. Nhờ đó, triệu chứng mắt đỏ, sưng và lồi, ù tai nhức đầu được cải thiện rõ ngay sau khi thực hiện xong thủ thuật và 3 ngày sau bệnh nhân xuất viện.

Bệnh nhân T.T.M. 63 tuổi quê ở Tân Hiệp, Kiên Giang nhập viện trong tình trạng liệt nửa người, khó thở, nhức đầu, chóng mặt, huyết áp lên xuống thất thường như biểu đồ “hình sin”. Qua thăm khám các bác sĩ phát hiện bệnh nhân này bị hẹp động mạch cảnh não đoạn giữa M1 và M2 khoảng 70%. Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã dùng phương pháp “can thiệp nội mạch - đặt Stent”, khơi thông mạch máu não cho bệnh nhân. Giúp cho bệnh nhân phục hồi sức khỏe, nói năng và vận động trở lại như người bình thường.

  • Vinh quang và cay đắng

Thế nhưng, phía sau ánh hào quang đó là những câu chuyện đầy cảm động mà đội ngũ y bác sĩ khoa DSA Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phải trải qua. Điển hình là vụ người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị Bé (64 tuổi, ngụ tại ấp Phú Ninh, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã viết đơn khiếu nại vì bà Bé tử vong sau khi điều trị chứng mờ mắt tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Rất may là hội đồng khoa học đã chứng minh được nguyên nhân tử vong của bà Bé là vì bệnh lý khác. Nhờ đó mà gia đình bà Bé đã hiểu ra và rút đơn khiếu nại. Thời điểm đó, bác sĩ Trần Chí Cường suýt bỏ việc vì áp lực quá nặng nề. Cũng may nhờ bạn bè, đồng nghiệp người thân an ủi mà anh mới vượt qua được cú sốc để tiếp tục công việc trị bệnh cứu người.

Bác sĩ Trần Chí Cường tâm sự: “Hàng ngày làm việc trong môi trường phóng xạ (tia X), đối mặt với nguy cơ bị ung thư. Mỗi ca mổ kéo dài nhiều giờ đòi hỏi sự tập trung cao độ. Căng thẳng về thần kinh. Sau mỗi ngày phẫu thuật về, cả người tôi nóng bừng, bứt rứt khó chịu”.

Chính vì điều này mà 8 năm về trước khi Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM triển khai đào tạo nhân lực cho kỹ thuật này thì suốt 2 năm trời vẫn không tìm ra bác sĩ đăng ký theo học. Còn hiện nay, trước những hiệu quả đạt được của kỹ thuật này, nhiều bệnh viện đã và đang phát triển kỹ thuật Can thiệp nội mạch. Vì thế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM hiện vừa là nơi điều trị vừa làm nhiệm vụ đào tạo chuyển giao kỹ thuật này cho các đơn vị bạn như Bệnh viện Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Gia Định…

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược đang thực hiện kỹ thuật can thiệp nội mạch.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược đang thực hiện kỹ thuật can thiệp nội mạch.

Kỹ thuật can thiệp nội mạch là một phương pháp mới, hiện đại, ít xâm lấn, khá an toàn, giảm thời gian nằm viện so với những phương pháp cũ. Phương pháp này được ứng dụng tại Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây. Phương pháp can thiệp nội mạch điều trị bệnh lý mạch máu não được thực hiện theo đường động mạch cảnh đùi tới các vị trí mạch máu trên não.

Từ đó tùy theo từng dạng bệnh lý mà sử dụng bóng để bít lỗ dò hoặc đặt stent, hút máu đông để khơi thông chỗ tắc. Nói thì đơn giản nhưng “can thiệp nội mạch” là một thủ thuật khó và phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật viên vừa phải khéo léo vừa kiên nhẫn. Việc xỏ chỉ qua lỗ kim đã khó thì việc luồn ống trong lòng mạch máu chỉ bằng cây tăm còn khó gấp bội lần. Bởi chiều quãng đường từ động mạch đùi lên não dài tới 70cm. Lại phải thao tác luồn ống trong những mạch máu nhỏ và không phải theo đường thẳng mà có lúc phải rẽ theo nhánh mạch máu loằng ngoằng như rễ cây mới tới vị trí cần xử lý.

Quá trình này đòi hỏi kỹ thuật viên phải hết sức thận trọng, khéo léo bởi chỉ cần một sai sót nhỏ là có thể đâm thủng mạch máu của người bệnh hoặc có thể gây những biến chứng nguy hiểm khác. Tuy nhiên, đến nay, Khoa DSA Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã điều trị thành công cho hơn 1.000 bệnh nhân bị dị dạng mạch máu não, mạch máu tủy, hẹp mạch máu não, lấy máu đông trên não… Với những thành tựu trên, ngày 27-2 tới, kỹ thuật này đã vinh dự nằm trong 15 thành tựu nổi bật của ngành y tế Việt Nam trong 10 năm qua.

TIẾN ĐẠT

Tin cùng chuyên mục