Trước thực trạng thông tin giả, lừa đảo tràn lan trên các mạng xã hội ở Mỹ gây thiệt hại lớn, thậm chí còn bị nghi ngờ có thể ảnh hưởng đến tình hình và kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, các trang mạng như Facebook, Twitter, Google đã đưa ra nhiều công cụ, phần mềm phòng chống tin giả, nhưng vẫn bị dư luận đánh giá là “yếu ớt”.
Một số chuyên gia kỹ thuật, an ninh mạng cũng tham gia chế tạo công cụ chống tin giả nhưng không được hưởng ứng. Mới đây nhất là công cụ lọc tin giả mang tên BS detector xuất hiện trên Facebook, Twitter mà nhiều người lầm tưởng là chiêu mới chống tin giả của họ. Nhưng đài BBC dẫn lời chuyên gia kỹ thuật điện toán Mỹ Daniel Sieradski cho biết công cụ chống tin giả này do ông chế ra “chỉ trong 1 giờ đồng hồ” để phản bác câu chống chế “Facebook chưa có biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn các tin giả” của ông chủ Facebook Mark Zuckerberg.
Thực tế, Facebook đã biết và quan tâm đến vấn đề này từ lâu. Trang điện tử Gizmodo đăng một bài báo, trong đó cựu nhân viên Facebook tiết lộ, xu hướng tin tức trên mạng xã hội này được điều hành bởi một nhóm biên tập viên thay vì là kết quả của thuật toán như công ty từng tuyên bố. Một cựu phụ trách dự án (giấu tên) cho biết họ thường xuyên thấy đồng nghiệp loại bỏ bài về những chủ đề bảo thủ.
Facebook cũng đã có nhiều động thái để kiểm soát thiệt hại như tung ra các thay đổi bảng tin với hàng ngàn yếu tố để quyết định tin tức nào được người dùng nhìn thấy thường xuyên nhất; tung ra một số bản cập nhật để ưu tiên hiện thông tin từ bạn bè và gia đình, hạ cấp thông tin rác… Nhưng, trang Gizmodo lại cho biết, các nhân vật cao cấp của Facebook đã được thông báo về một kế hoạch cập nhật bảng tin (News Feed) trên Facebook với khả năng xác định tin giả mạo hoặc lừa đảo để hạ cấp hoặc loại bỏ chúng khỏi bảng tin. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã bị gác lại, một nguồn tin từ nội bộ Facebook tiết lộ thêm rằng “có rất nhiều nỗi sợ về hệ lụy của hành động này”. Dù không nói thẳng các nỗi lo ngại này, nhưng người ta có thể thấy thấp thoáng phía sau sự yếu ớt trong việc chống tin rác, tin giả chính là quyền lợi, danh tiếng, tiền bạc.
Tờ Buzzfeed News sau khi nghiên cứu hàng ngàn bài viết, tin tức giả mạo trên Facebook đã đưa ra kết luận, số bài viết này giảm đáng kể nhưng sức lan tỏa của chúng lại tăng vọt, ví dụ như các tin đồn về “Đặc vụ FBI điều tra vụ thư điện tử của bà Clinton chết trong vụ án mạng” hoặc “Giáo hoàng Francis gây sốc khi ủng hộ Donald Trump” với hàng triệu lượt đọc và like, gần nửa triệu lượt chia sẻ đã qua mặt hầu hết các hãng, trang thông tin nổi tiếng của Mỹ như CNN, Washington Post, New York Times…
VIỆT ANH