Về thành phần phiên họp xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án, đã được quy định tại Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 (gọi tắt là pháp lệnh), gồm: Người tiến hành phiên họp (thẩm phán, thư ký phiên họp) và người tham gia phiên họp (đại diện cơ quan đề nghị, kiểm sát viên, người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị).
Như vậy, về cơ bản, phiên họp xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác với phiên tòa xét xử hình sự ở một số điểm sau: Trước hết, người tiến hành phiên họp ở quận huyện hay ở cấp tỉnh thành đều chỉ có 1 thẩm phán còn trong phiên tòa hình sự sơ thẩm thông thường là 1 thẩm phán, 2 hội thẩm nhân dân, phiên tòa hình sự phúc thẩm là 3 thẩm phán. Thứ hai, vai trò của viện kiểm sát trong phiên tòa hình sự là người giữ vai trò công tố còn trong phiên họp xem xét các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án, kiểm sát viên chỉ là người tham gia phiên họp. Thứ ba, trong phiên họp xem xét các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án khác với phiên tòa hình sự là không có vành móng ngựa hoặc công an dẫn giải mặc dù đây cũng là hình thức hạn chế quyền tự do của con người.
Về trình tự phiên họp được thực hiện như sau: trước hết thẩm phán cũng sẽ công bố quyết định mở phiên họp, giải thích quyền nghĩa vụ của những người tham gia phiên họp, đại diện cơ quan đề nghị sẽ trình bày nội dung đề nghị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, kế đến người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày ý kiến về nội dung đề nghị của cơ quan đề nghị, các bên được quyền tranh luận tại phiên họp, kiểm sát viên phát biểu ý kiến, cuối cùng là thẩm phán sẽ công bố quyết định áp dụng hay không áp dụng biện pháp xử lý hành chính… Trong phiên họp, quyền của người bị đề nghị đầy đủ như bị cáo trong phiên tòa hình sự: quyền được trình bày, tranh luận, quyền được mời luật sư… quyền khiếu nại quyết định (trong Pháp lệnh quy định quyền của người bị đề nghị là quyền khiếu nại, cơ quan đề nghị được quyền kiến nghị tương tự như quyền kháng cáo trong các tố tụng khác, viện kiểm sát được quyền kháng nghị). Như vậy, về cơ bản, quyền của người bị đề nghị trong các phiên họp xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa cũng giống như quyền của bị cáo trong phiên tòa hình sự, chỉ khác là thời hạn khiếu nại ngắn hơn (3 ngày làm việc so với 15 ngày của bị cáo).
UNG THỊ XUÂN HƯƠNG
Chánh án TAND TPHCM
ÁI CHÂN (ghi)
5 bước, 2 lần xét nghiệm
Quy trình phối hợp lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TPHCM vào cơ sở xã hội vừa được TPHCM ban hành, gồm 5 bước và có 2 lần xét nghiệm người sử dụng trái phép chất ma túy (lần 1 test nhanh, lần 2 test lập bệnh án)
Cụ thể:
Bước 1: Lập hồ sơ và quyết định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở xã hội (thời gian thực hiện 24 giờ). Trong hồ sơ ban đầu, có biên bản xét nghiệm chất ma túy (test lần 1). Căn cứ để lập biên bản về hành vi sử dụng ma túy trái phép gồm: phát hiện quả tang đang sử dụng ma túy trái phép; có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy; trường hợp tuy kết quả xét nghiệm âm tính ma túy (do thời điểm xét nghiệm hết chu kỳ bán thải) nhưng người vi phạm thừa nhận đã từng sử dụng ma túy hoặc người vi phạm đã có tiền sử về việc sử dụng ma túy, nay phát hiện tàng trữ ma túy hoặc công cụ, phương tiện sử dụng ma túy.
Bước 2: Xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ; cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe và tư vấn tâm lý (5 ngày làm việc). Nếu kết quả xác minh người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở xã hội. Hồ sơ cần bổ sung kết quả về tình trạng nghiện ma túy hiện tại (test kỹ lần 2, lập bệnh án).
Bước 3: Kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ; đề nghị TAND xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính (4 ngày). Trường hợp hồ sơ đầy đủ thì chuyển TAND đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì bổ sung trong thời hạn 3 ngày làm việc.
Bước 4: Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (15 ngày). TAND thực hiện trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trường hợp tòa án quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì thực hiện theo quyết định của tòa án.
Bước 5: Thi hành quyết định của tòa án. Ngay khi có phán quyết của tòa án đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở xã hội phối hợp tống đạt quyết định cho người bị đề nghị; đồng thời có trách nhiệm lên kế hoạch, bố trí phương tiện vận chuyển đưa người đi thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của tòa án có hiệu lực pháp luật.
MẠNH HÒA
| |