Phim cho người lớn trên truyền hình: Nên hay không?

Bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại về đề tài tình yêu, tình dục, Sex and the city (Chuyện ấy là chuyện nhỏ), được cấp phép lần đầu tiên trên sóng truyền hình Việt Nam.

Bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại về đề tài tình yêu, tình dục, Sex and the city (Chuyện ấy là chuyện nhỏ), được cấp phép lần đầu tiên trên sóng truyền hình Việt Nam.

Đây cũng chính là seri phim bom tấn mở màn cho chuỗi giờ phim dành riêng cho người lớn của kênh truyền hình VTV2. Thông tin này đã ngay lập tức vấp phải nhiều luồng dư luận trái chiều.

Trả lời báo chí về liệu có quá cởi mở khi xây dựng giờ phim người lớn trên truyền hình, ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký - biên tập Đài truyền hình Việt Nam cho biết, để tránh gây phản ứng của dư luận về khung giờ phim dành riêng cho người lớn, chúng tôi sẽ gắn mác 18+ cho chương trình để khán giả biết chương trình không dành cho những người dưới 18 tuổi. Thứ hai là chương trình này phát vào khung giờ muộn (23 giờ). Thứ ba là những vấn đề quá nhạy cảm, không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt Nam thì chúng tôi sẽ biên tập, xử lý lại. Đại diện nhà đài giải thích thêm về khung giờ dành cho người lớn này rằng kênh VTV2 là kênh Khoa học - Giáo dục, nên nội dung chương trình này cũng nhằm hướng đến phổ biến kiến thức về tình dục, giới tính cho khán giả.

Tuy nhiên, thông tin của nhà sản xuất gửi đến cho báo chí thì dường như lại đi theo chiều hướng khác hẳn khi chỉ rõ: Nếu như trong bản chiếu trên rạp, các cảnh nóng và hội thoại nhạy cảm trong phim bị cắt gần hết khiến mạch phim không liền thì với bản truyền hình Chuyện ấy là chuyện nhỏ mà VTV2 phát sóng lần này, chắc chắn những cảnh nóng và đề tài tình yêu, giới tính nhạy cảm chiếm thời lượng nhiều hơn. Một đại diện ê kíp sản xuất chương trình bật mí: “Phim sẽ không bị cắt cúp quá nhiều bởi nếu cắt hết thì đâu thể có chuỗi giờ phim dành riêng cho người lớn mỗi ngày trên sóng VTV”.

Song câu hỏi lớn được đặt ra là liệu có dễ biên tập khi bộ phim có phần lớn thời lượng đề cập tới những vấn đề nhạy cảm và liệu có thể giới hạn được độ tuổi xem truyền hình không nếu đơn giản chỉ là gắn dấu hiệu cảnh báo?

Trao đổi với ông Đỗ Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, về việc các bộ phim gắn mác 18+, ông cho biết, đến thời điểm này đề án phân loại phim vẫn chưa hoàn thành vì thế các phim ở Việt Nam chưa gắn mác phim 18+ mà mới chỉ gắn dấu hiệu 16+. Thêm nữa, theo Luật Điện ảnh, các phim chiếu trên đài truyền hình thì chính tổng giám đốc của các đài đó sẽ chịu trách nhiệm về nội dung của các bộ phim. Riêng về phim Sex and the city - Chuyện ấy chuyện nhỏ, ông Đỗ Duy Anh cho biết, nếu bản phim này đã được nhập về Việt Nam và chiếu trên hệ thống các rạp thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc phim đã được thẩm định qua hội đồng kiểm duyệt. “Tuy nhiên, nếu trường hợp phim chiếu trên truyền hình mà vẫn xuất hiện những cảnh “nhạy cảm” đã bị kiểm duyệt yêu cầu biên tập khi công chiếu ngoài rạp thì đó là hành vi phạm luật”, ông Đỗ Duy Anh khẳng định.

Nhiều người cũng bày tỏ quan điểm không nên né tránh những bộ phim phù hợp để giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lối sống lành mạnh vì điều đó là rất cần thiết nhưng nếu không làm khéo sẽ thành “vẽ đường cho hươu chạy”. Thêm nữa cùng với việc đưa những nội dung “người lớn” lên truyền hình cũng cần có khung tiêu chí cụ thể để không dẫn tới tình trạng chiếu phim sex trên sóng truyền hình.

Đồng tình quan điểm về phim người lớn trên truyền hình, ông Trần Minh Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Truyền thông đa phương tiện Latsata cũng cho rằng cần phải có tiêu chí rõ ràng quy định thế nào là 18+ chứ đừng biến phim 18+ thành một phim sex hạng 3. Theo ông, các quốc gia trên thế giới đều có quy định kiểm soát rất chặt chẽ về mặt hình ảnh trên các kênh truyền hình phổ cập. Ở Mỹ, trên các kênh truyền hình phổ cập, nếu một nữ nghệ sĩ mặc hở hang quá mức ở phần trên sẽ bị xem là phạm luật, công chúng phản ứng lại là có thể phải ra tòa ngay. Thế nên, nếu đã công bố 18+ mà không có tiêu chí rõ ràng thì sẽ “lợi bất cập hại”.

Theo thông báo đưa ra từ ê kíp sản xuất thì từ ngày 10-11, tập đầu tiên của Chuyện ấy là chuyện nhỏ sẽ lên sóng. Liệu phim này có thực sự mang tính giáo dục giới tính hay chỉ là một hình thức câu khách của nhà sản xuất? Chỉ đến khi phim thực sự lên sóng, khán giả mới có câu trả lời chính xác.

Phía sản xuất còn nhấn mạnh rằng trước sự e ngại Chuyện ấy là chuyện nhỏ sẽ động chạm đến những vấn đề nhạy cảm mà công chúng Việt Nam không quen, ê kíp chương trình đã quyết định thực hiện chương trình talkshow đồng hành cùng mỗi tập phim với tên gọi Chuyện ấy là chuyện nhỏ. Với thời lượng 15 phút, mỗi tập talkshow là một cuộc trò chuyện cởi mở với những người mẫu, diễn viên, ca sĩ… nổi tiếng trong làng showbiz. Không giống như những chương trình đề cập một cách chung chung, tránh né theo kiểu “giáo dục giới tính trên ghế nhà trường”, talkshow trò chuyện cùng người nổi tiếng - Chuyện ấy là chuyện nhỏ bày tỏ, phân tích những câu chuyện vốn khó nói một cách trực diện, thẳng thắn hơn.

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục