Sau rất nhiều tác phẩm điện ảnh được đặt hàng từ ngân sách với kinh phí lớn nhưng rồi chỉ chiếu được vài kỳ, sau đó đem “đắp chiếu”, còn bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có thể được coi là một bước ngoặt lớn đối với dòng phim “đặt hàng”. Nhiều người kỳ vọng về việc sẽ có những tác phẩm điện ảnh tốt ra đời từ “đấu thầu” theo đúng Luật Điện ảnh. Tuy nhiên, sau 9 năm, thông tư hướng dẫn đấu thầu phim vẫn chưa ra đời! Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vấn đề này.
* Phóng viên: Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có thể được coi là một bước ngoặt làm thay đổi cách nghĩ của khán giả đối với dòng phim “đặt hàng”. Theo bà, yếu tố nào đã dẫn tới sự thành công như vậy?
- Bà NGÔ PHƯƠNG LAN: Trước hết, có thể nói đây là sự gặp gỡ rất hiệu quả giữa ý nguyện của cơ quan quản lý điện ảnh nhà nước và hãng phim tư nhân khi cả hai tâm đầu ý hợp làm một tác phẩm điện ảnh có giá trị nhân văn và chất lượng nghệ thuật.
Trong việc hợp tác này, ê kíp làm phim được tạo điều kiện tối đa về điều kiện làm phim, được thỏa sức sáng tạo. Mặt khác, Cục Điện ảnh vừa đặt niềm tin vào nhà sản xuất và nghệ sĩ nhưng cũng theo sát quy trình phim đặt hàng, có xem nháp, xem bản hòa âm để góp ý đúng trách nhiệm của mình; phía nhà sản xuất, ê kíp làm phim cầu thị, tiếp thu và dốc hết tâm huyết vào tác phẩm.
Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, không biết đến bao giờ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh mới ra đời. Lý do, kịch bản do đạo diễn Việt Linh chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được viết từ lâu, bản thân tôi nhận được kịch bản và lời đề nghị tài trợ làm phim từ năm 2012, nhưng lúc đó Cục Điện ảnh đang rất khó khăn, không cách nào xoay xở được. Đến năm 2014, hai hãng Phương Nam phim và Thiên Ngân vẫn chưa quyết định làm phim vì không ai dám chắc sẽ thu hồi đủ vốn. Trong khi đó, Cục Điện ảnh cũng cố gắng phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ cơ chế đặt hàng và sau đó, dự án phim được đưa vào sản xuất, với cơ chế nhà nước đặt hàng một phần, các hãng phim tư nhân huy động thêm vốn và thực hiện phim. Các hãng sản xuất và đoàn làm phim đã dồn hết tâm sức, trách nhiệm để làm ra một bộ phim có giá trị về nhiều mặt, sau đó đã có phương án tiếp thị và phát hành phim hoàn hảo.
* Cơ chế của phim đặt hàng trong năm nay có thay đổi gì so với trước và các đạo diễn trẻ cần hội tụ đủ những yếu tố nào để có thể thực hiện những tác phẩm “đặt hàng”?
- Cục Điện ảnh đã có thư mời tới tất cả các hãng phim có đủ năng lực sản xuất và phát hành gửi dự án làm phim phù hợp để tuyển chọn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi vẫn đang phải tiếp tục tháo gỡ về cơ chế đặt hàng mới có thể khơi thông được nguồn tài chính vì Luật Điện ảnh quy định phim đặt hàng phải được triển khai theo Luật Đấu thầu. Nhưng suốt từ khi có Luật Điện ảnh, 9 năm rồi nhưng thông tư hướng dẫn vẫn chưa ra đời, vì thế đấu thầu làm phim dường như bất khả thi! Khi xét một dự án làm phim, chất lượng là tiêu chuẩn hàng đầu để tuyển chọn, sau đó, nếu dự án có chất lượng, đúng tiêu chí mà lại của người trẻ thì còn gì bằng.
Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
* Làm thế nào để xóa tan được quan niệm về phim “đặt hàng” chỉ để chiếu trong một vài dịp rồi lại cất kho?
- Tiêu chí phim đặt hàng đã được mở khá rộng, bên cạnh các phim chiến tranh - truyền thống cách mạng còn có những phim về thế hệ trẻ, về truyền thống văn hóa và vẻ đẹp trong cốt cách người Việt, về gia đình, về cuộc sống mới... Khán giả đã dành tình cảm nồng nhiệt đối với nhiều bộ phim đặt hàng. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 năm 2015 tại TPHCM và nhiều tuần phim, các phim đặt hàng được trình chiếu lại nhiều lần. Nhưng quan trọng nhất là phim phải được tuyên truyền quảng bá bài bản thì mới đến được với đông đảo khán giả. Điều này, các hãng phim tư nhân làm tốt hơn các hãng phim nhà nước rất nhiều. Nhưng tôi nghĩ, vai trò của truyền thông rất quan trọng, nếu truyền thông là cầu nối tích cực, giúp xóa bỏ thành kiến về phim đặt hàng thì mọi việc sẽ tốt hơn nhiều.
* Nếu trước đây phim của tư nhân dường như không có nhiều cơ hội tranh giải trong những liên hoan lớn thì nay số lượng tham dự của các hãng phim không phải của nhà nước, ngày một nhiều hơn. Đó có phải là một tín hiệu mừng?
- Tôi nghĩ dấu hiệu tích cực này đến từ hai phía: một là, chất lượng phim tư nhân ngày càng cao hơn, không chỉ là những phim giải trí đơn thuần; hai là, có sự mở rộng và phù hợp hơn về tiêu chí tuyển chọn và xét giải trong các kỳ liên hoan phim.
* Sự xuất hiện và tham gia của lực lượng trẻ với điện ảnh ngày một nhiều và họ đang nỗ lực từng bước khẳng định vị trí đối với nghề nghiệp. Cục Điện ảnh có những cơ chế hỗ trợ, giúp đỡ họ như thế nào trong hành trình vượt khó để khẳng định thương hiệu điện ảnh Việt?
- Như trên đã nói, tiêu chuẩn để tuyển chọn một kịch bản hoặc một dự án làm phim trước hết là chất lượng và đúng tiêu chí đặt hàng của nhà nước. Cục Điện ảnh luôn tìm kiếm những dự án của các nhà làm phim trẻ, mới, nhưng điều kiện tiên quyết là tinh thần của bộ phim có giá trị nhân văn hay không, có tôn vinh được vẻ đẹp của tâm hồn và cốt cách Việt Nam hay không. Trong các kỳ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, chúng tôi đã tổ chức Trại sáng tác tài năng trẻ và Chợ dự án phim nhằm phát hiện các dự án có chất lượng, các gương mặt trẻ triển vọng.
Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 4 năm nay cũng sẽ có những đổi mới trong cách tổ chức Trại sáng tác trẻ và Chợ dự án phim để phát huy tốt nhất kết quả, nghĩa là hiện thực hóa những dự án phù hợp và có chất lượng thành các bộ phim. Sẽ không chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước mà tích cực huy động các nguốn vốn xã hội để sản xuất các bộ phim ấy.
VĨNH XUÂN (thực hiện)