Phim “Đường Sơn đại địa chấn” - Những hy sinh nghiệt ngã...

Thiên tai luôn tạo nên những thảm họa khôn cùng, những mất mát to lớn về con người và vật chất. Chỉ những người trong cuộc mới thấm thía nỗi đau mà mình và gia đình hứng chịu, với không ít người nỗi đau ấy còn dai dẳng mãi. Muốn cho mọi người cảm nhận được sự đau đớn của nỗi mất mát, đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc Phùng Tiểu Cương đã quyết định dựng lại thảm họa về trận động đất ở thành phố Đường Sơn, Trung Quốc năm 1976 với hơn 242.400 người thiệt mạng, 164.600 người bị thương nặng và 4.200 đứa trẻ rơi vào cảnh mồ côi.
Phim “Đường Sơn đại địa chấn” - Những hy sinh nghiệt ngã...

Thiên tai luôn tạo nên những thảm họa khôn cùng, những mất mát to lớn về con người và vật chất. Chỉ những người trong cuộc mới thấm thía nỗi đau mà mình và gia đình hứng chịu, với không ít người nỗi đau ấy còn dai dẳng mãi. Muốn cho mọi người cảm nhận được sự đau đớn của nỗi mất mát, đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc Phùng Tiểu Cương đã quyết định dựng lại thảm họa về trận động đất ở thành phố Đường Sơn, Trung Quốc năm 1976 với hơn 242.400 người thiệt mạng, 164.600 người bị thương nặng và 4.200 đứa trẻ rơi vào cảnh mồ côi.

Chuyện phim xoay quanh một gia đình là nạn nhân của trận động đất kinh hoàng năm ấy. Từng thành viên trong gia đình được bóc tách để tạo thành những mảng khác nhau trong cùng một câu chuyện. Mỗi mảng là một phần riêng biệt nhưng lại liên quan đến nhau bằng một sợi dây vô cùng đặc biệt, đó là nỗi đau chung của sự hy sinh và mất mát.

Một cảnh trong phim “Đường Sơn đại địa chấn”.

Một cảnh trong phim “Đường Sơn đại địa chấn”.

Phải nói rằng, ê kíp làm phim đã chọn đúng đường đi cho bộ phim. Đó không phải là việc mô tả sự khủng khiếp của trận động đất với độ rung chuyển, nhà cửa sập xuống, người người hoảng loạn chạy trốn, giẫm đạp lên nhau…, mà là tình yêu thương, nỗi đau đớn của cả người sống lẫn người chết. Rõ ràng, nếu chọn cách mô tả động đất, bộ phim đã không thể thành công đến thế.

Về mặt kỹ xảo, hiệu ứng điện ảnh, Trung Quốc chưa đạt đến đỉnh cao của thế giới, nhưng Phùng Tiểu Cương hiểu rằng câu chuyện sẽ có sức mạnh khơi gợi xúc cảm vô cùng lớn. “Dịp năm mới, tôi kể câu chuyện cho vài người bạn nghe trong bữa tối và tất cả đều bật khóc. Sau đó tôi thử tiếp tục kể câu chuyện ấy khoảng 10 lần nữa cho những nhóm bạn khác nhau và họ cùng chung một phản ứng như vậy” – ông kể lại.

Có nhiều đoạn tạo nên cao trào cảm xúc trong bộ phim, khởi đầu đó là cao trào khi người mẹ buộc phải đưa ra quyết định chọn cứu đứa con nào trong 2 đứa con sinh đôi (1 trai, 1 gái) cùng bị kẹt dưới tấm bê tông. “Cứu cả hai đứa”, người mẹ trẻ gào lên, chị không thể lựa chọn, lương tâm và tình yêu của người mẹ không cho phép chị lựa chọn.

Tiếng van nài, cầu xin, sự tuyệt vọng của người mẹ và quyết định cuối cùng của chị rằng cứu đứa con trai, thằng bé lọt lòng sau chị nó chỉ vài phút, yếu đuối hơn con chị, và giọt nước mắt của con chị lăn dài khi nghe được tiếng mẹ nói cứu đứa em khiến cho trái tim của những khán giả đã làm mẹ bị bóp nghẹt.

Tuy nhiên, phải nói rằng cao trào thực sự của bộ phim chính là giây phút đoàn tụ của người mẹ và cô con gái sau 32 năm. Khi mà bà nghĩ rằng con bé đã bị vùi chôn dưới lớp gạch đá, bê tông, khi mà nỗi đau trong bà suốt 32 năm không hề nguôi ngoai, khi mà con bé năm xưa giờ đã là một phụ nữ trưởng thành, cũng đã có con, nhưng bao năm tháng trôi qua vẫn không thôi bị ám ảnh bởi câu nói của mẹ trong giây phút oan nghiệt đó.

Những giấc mơ ban đêm, những cơn đau đầu thường trực như minh chứng cho nỗi đau vẫn còn hiện diện trong lòng đứa con gái, bất chấp thời gian, không gian.

Được một gia đình quân nhân nhận làm con nuôi và yêu thương như con đẻ, biết mẹ và em trai còn sống nhưng không một lần cô gái tìm về lại Đường Sơn. Phải đến năm 2008, khi trận động đất tàn phá Tứ Xuyên xảy ra, cô quyết định từ Canada trở về tham gia đội quân tình nguyện cứu giúp nạn nhân trong trận động đất, chứng kiến hình ảnh một người mẹ khó khăn, đau đớn quyết định cắt đứt một chân con mình để cứu nó ra khỏi đống đổ nát, cô mới hiểu rằng, năm ấy mẹ cô cũng đã phải chịu nỗi đau như cắt đứt một phần thân thể mình khi hy sinh đứa con gái thân yêu.

Họ gặp lại nhau như thế, hình ảnh trái cà chua đỏ mọng ngâm trong nước đặt trên bàn thờ gợi nhớ lời hứa mà người mẹ hứa “mai mẹ sẽ mua cho con” với đứa con gái trước đêm động đất năm xưa, vì chỉ còn duy nhất một trái và bà đã cho đứa con trai; hình ảnh người mẹ già quỳ xuống xin lỗi con gái vì năm xưa đã không cứu được con mình… Đau đớn vô cùng mà cũng xúc động vô cùng. Đó là những hình ảnh mà khó ai có thể kìm được nước mắt.

Điều đáng nói đây chính là bộ phim đặt hàng của lãnh đạo hội đồng thành phố Đường Sơn với đạo diễn Phùng Tiểu Cương. Ông nói: “Tôi vô cùng cảm kích và xúc động khi lãnh đạo hội đồng thành phố Đường Sơn gọi cho tôi và nói rằng họ muốn thực hiện một bộ phim về trận động đất năm 1976, nhằm tưởng niệm những người đã hy sinh sau thảm họa ấy, dù đã 32 năm trôi qua”.

Chúng ta cần có những bộ phim làm lay động lòng người như vậy. Bộ phim “Đường Sơn đại địa chấn” đã lập kỷ lục phòng vé cao nhất mọi thời đại tại Trung Quốc.

Hà Giang

Tin cùng chuyên mục