Số lượng hạn chế, chất lượng đôi khi còn ngô nghê, phim giả tưởng vẫn là thể loại non trẻ của điện ảnh Việt. Những người chấp nhận đi tiên phong có nghĩa là phải đương đầu với thử thách, nhưng nếu không chịu làm thì thể loại này vẫn mãi dừng chân tại chỗ.
Lọ mọ tìm đường
Theo định nghĩa của Wikipedia, phim giả tưởng là những bộ phim có chủ đề tưởng tượng thường bao gồm những yếu tố phép thuật, các sự kiện siêu nhiên, bí ẩn, câu chuyện dân gian hay thế giới tưởng tượng kỳ lạ.
Thể loại này nhiều khi bị chồng chéo với phim kinh dị hay khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, phim giả tưởng có những đặc trưng riêng biệt với các yếu tố ma thuật, huyền thoại, ly kỳ và phi thường. Trên thế giới, phim giả tưởng xuất hiện từ thời kỳ phim câm với những tác phẩm đầu tiên đóng mác đạo diễn người Pháp Georges Melies từ những năm 1900.
Trong thời kỳ vàng son của thể loại phim câm (1918-1926), có nhiều bộ phim giả tưởng rất nổi tiếng: The Thief of Bagdad (1924, đạo diễn Douglas Fairbanks); Die Nibelungen (1924, đạo diễn Fritz Lang)... Nhưng dấu ấn chói lọi nhất ở thể loại này phải kể đến các phim: Avatar, loạt phim Harry Potter, loạt phim Chúa tể của những chiếc nhẫn... Ngày nay, mỗi năm có hàng chục bộ phim giả tưởng đình đám của Hollywood được ra mắt, dù xét về số lượng, nó còn khá khiêm tốn so với các thể loại khác.
Manh nha cho thể loại phim giả tưởng ở Việt Nam là Khi đàn ông có bầu (đạo diễn Phạm Hoàng Nam) được công chiếu vào dịp tết 2005 và khá thành công với hơn 6 tỷ đồng doanh thu. Bộ phim dù còn khá ngô nghê về mặt kỹ xảo nhưng đã mang đến một món ăn lạ, thú vị cho khán giả.
Nhưng phải đến năm 2008, với Nụ hôn thần chết, mới được coi là phim giả tưởng đúng nghĩa đầu tiên của điện ảnh Việt. Phim được đầu tư kinh phí sản xuất 5 tỷ đồng và thu về 16 tỷ đồng - doanh thu cao nhất của điện ảnh Việt thời điểm đó. Phim sử dụng nhiều kỹ xảo tương đối đẹp mắt, cho thấy nỗ lực của đoàn phim cũng như sự quyết tâm chinh phục thể loại còn rất mới mẻ này.
Ngày nảy ngày nay là phim giả tưởng Việt có doanh thu cao nhất cho đến thời điểm hiện nay, hơn 44 tỷ đồng
Đúng một năm sau đó, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tiếp tục trình làng phần 2 của bộ phim mang tên Giải cứu thần chết, đạt doanh thu 15 tỷ đồng, cao nhất mùa tết 2009. Phần kỹ xảo trong phim được đánh giá cao.
Sau những bước đi đầu tiên, phim giả tưởng Việt bắt đầu có sự chuyển mình khi mỗi năm đều có ít nhất một tác phẩm mới được trình làng. Có thể kể đến: Bóng ma học đường (2011), Lời nguyền huyết ngải, Hello cô Ba (2012), Lửa Phật (2013), Cuộc chiến với chằn tinh (2014), Siêu nhân X, Ngày nảy ngày nay (2015). Tính đến thời điểm này, cùng với Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Lửa Phật là phim giả tưởng có kinh phí sản xuất cao nhất với hơn 20 tỷ đồng trong khi Ngày nảy ngày nay có doanh thu cao nhất, hơn 44 tỷ đồng.
Không quá khắt khe
Hạn chế về kinh phí sản xuất, công nghệ kỹ xảo, trình độ đội ngũ kỹ thuật làm phim... là những điểm yếu dễ nhận thấy đối với thể loại phim giả tưởng ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất chính là những nỗ lực của các nhà sản xuất, nhà làm phim với hy vọng mang đến những điều mới mẻ cho khán giả.
“Có thể nói ê kíp Tấm Cám: Chuyện chưa kể đang rất mạo hiểm khi sản xuất và đẩy câu chuyện cổ tích đi một bước xa hơn với những gì quá quen thuộc với khán giả. Khi công nghệ và thời điểm làm phim đã khác, chúng ta cần mạo hiểm để đuổi kịp những gì thế giới đang làm. Học hỏi thì phải trải nghiệm. Làm sai thì mới biết sửa được”, Ngô Thanh Vân chia sẻ về quyết tâm khi thực hiện bộ phim.
Tấm Cám: Chuyện chưa kể - phim giả tưởng đang gây nhiều chú ý
Đồng quan điểm đó, đạo diễn Lê Bảo Trung - người từng thực hiện 2 tác phẩm ở thể loại giả tưởng là Võ lâm truyền kỳ (2006) và Bóng ma học đường (2011) phân tích về những khó khăn đối với các nhà sản xuất ở thể loại này. Đó là: Xây dựng câu chuyện giả tưởng nhưng phải có hơi hướng hiện đại, phản ánh được hơi thở cuộc sống; xây dựng bối cảnh không có thật, tưởng tượng; chuẩn bị về phục trang, trang điểm và chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên; đầu tư máy móc, thiết bị kỹ thuật, công nghệ...
Trong bối cảnh phim Việt còn nhiều khó khăn, đặc biệt về kinh phí, đạo diễn Lê Bảo Trung nhấn mạnh nếu không can đảm, không dám làm thì khán giả sẽ không bao giờ có những trải nghiệm mới.
Có một thực tế khác đang tồn tại, làm phim giả tưởng ngoài chuyện mạo hiểm còn đồng nghĩa phải chấp nhận sự so sánh với nước ngoài. Theo Ngô Thanh Vân, đó là điều hiển nhiên nhưng cô khẳng định việc đi sau không có nghĩa là sao chép 100% bởi cô phát triển bộ phim trên chính sự sáng tạo của bản thân.
Với đạo diễn Lê Bảo Trung, sự so sánh là điều hoàn toàn không nên bởi, nhiều tác phẩm Hollywood, mỗi phút trên màn ảnh tiêu tốn cả triệu USD trong khi phim được đầu tư triệu USD của điện ảnh Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Tôi nghĩ không nên quá khắt khe đối với phim giả tưởng Việt. Với số tiền hạn chế, đội ngũ kỹ thuật còn thiếu và yếu thì những sự dấn thân đầu tư là điều đáng để được ủng hộ. Điều quan trọng nhất là bộ phim đó có câu chuyện tốt và truyền tải được cảm xúc hay không?”, quan điểm của đạo diễn Lê Bảo Trung cũng là điều đáng để suy ngẫm.
VĂN TUẤN