Bên cạnh các danh hiệu quan trọng và gây chú ý nhiều nhất như hạng mục nam và nữ diễn viên chính thì giải thưởng của Viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) tức Oscar còn tạo dư luận bằng việc kêu gọi các quốc gia gửi phim hay nhất đến hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài.
Liên hoan phim Luang Prabang (diễn ra vào tháng 12 năm nay) sẽ hỗ trợ kinh phí và điều kiện cho một ủy ban gồm các tên tuổi uy tín trong lĩnh vực điện ảnh tại Lào trước khi quyết định phim gửi đi tham gia tranh giải chính thức. Giám đốc tuyển phim của Liên hoan phim Luang Prabang Bree Fitzgerald cho biết: “Ngành công nghiệp điện ảnh ở Lào vẫn còn tương đối nhỏ, tuy nhiên, sự tăng trưởng gần đây đã đưa chúng tôi đến quyết định sẽ thử sức tại Oscar. Đây là điều mà chúng tôi luôn mơ ước và bây giờ là thời điểm thích hợp”. Năm 2016, điện ảnh Lào có khá nhiều điểm sáng. Liên hoan phim Luang Prabang đã hợp tác với kênh HBO của Mỹ để cung cấp các chương trình Đông Nam Á, và kết quả là bộ phim kinh dị Lào At the Horizon đầu tiên được chọn chiếu trên HBO châu Á vào 2016.
Nữ đạo diễn Mattie Do và poster phim Dearest Sister
Bộ phim có vinh dự đại diện cho điện ảnh Lào tại Oscar 2018 là Dearest Sister. Thuộc thể loại kinh dị - giật gân, phim do nữ đạo diễn người Mỹ gốc Lào Mattie Do thực hiện. Câu chuyện trong Dearest Sister theo chân một cô gái trẻ nghèo khó, quyết định lên thành phố để chăm nom người bác gái giàu có nhưng bệnh tật. Bà bác cứ thế mất dần thị lực, nhưng đồng thời bắt đầu sở hữu khả năng tiếp xúc với người cõi âm.
Mattie Do sinh ra và lớn lên tại Los Angeles, Mỹ trong một gia đình nhập cư từ Lào. Cô từng theo học hóa trang trước khi quyết định chuyển sang nghiệp làm phim. Cô cũng là nữ đạo diễn đầu tiên trong lịch sử quốc gia Lào. Năm 2012, Mattie Do trình làng tác phẩm đầu tay thuộc dòng kinh dị là Chanthaly. Còn với Dearest Sister, nữ đạo diễn tài năng có cơ hội trình bày dự án để tìm kiếm nguồn kinh phí tại Liên hoan phim Cannes 2014. Cô hoàn thành bộ phim hồi tháng 9-2016 và đã đưa “đứa con tinh thần” tới nhiều liên hoan phim danh giá như Sites, BiFan, London Film Festival…
Nhắc đến quá trình thực hiện Dearest Sister, Mattie Do cho biết: “Thách thức lớn nhất khi làm phim tại Lào là việc thiếu nguồn lực. Chúng tôi gần như không có ngân sách và cơ sở vật chất làm phim chuyên nghiệp. Nhưng cũng vì công chúng không có bất cứ kỳ vọng gì từ một phim Lào, nên tôi có nhiều không gian tự do để có thể tạo ra một tác phẩm chưa ai từng theo dõi”.
Người đứng đầu Cục Điện ảnh Lào, ông Vithuon Sundara, tiết lộ rằng Dearest Sister được chọn từ danh sách gồm sáu tác phẩm, và việc tác phẩm kinh dị dự tranh Oscar năm nay đánh dấu “sự phát triển tuyệt vời” của nền điện ảnh nước này.