
Lửa rừng - tên bộ phim tài liệu dài 15 tập của Hãng phim TFS Đài Truyền hình TPHCM, chiếu trên màn ảnh nhỏ vào dịp kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Kịch bản của hai tác giả Minh Trí và Dương Cẩm Thúy. Đạo diễn Nguyễn Hoàng. Xem xong 15 tập phim, nhiều đề tài được gợi mở từ hoạt động của những con người, bộ máy hoạt động tại TƯ Cục ngày ấy.
Một lần trở về
Niềm cảm xúc ban đầu của tác giả Lửa rừng là chuyến hành trình về nguồn của các cựu đoàn viên Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam, xưa kia đã từng công tác tại các cơ quan Trung ương (TƯ) Cục, nay đi suốt chiều dài đất nước ra thủ đô, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm ngôi nhà sàn của Bác tại Phủ Chủ tịch; đi thăm lại khu cơ quan Trung ương Cục và tất cả căn cứ xưa.
Đoàn cũng sang cả Campuchia để nhớ lại những năm tháng nhiều bộ phận phải sơ tán sang nước bạn, cũng như để ôn lại tấm lòng yêu nước cùng những đóng góp, cống hiến của cô bác bà con Việt kiều cho sự nghiệp chung. Các tác giả Lửa rừng đi nhiều, gặp nhiều nhân chứng, tiếp cận với một “núi” tài liệu và trên cơ sở khái quát, chọn lọc để có được 15 tập phim, mỗi tập dài 20 phút.

Ban Tuyên huấn TƯ Cục tiếp hai nhà báo W.Bớcsét và M.Rípphô tại một cánh rừng phía Đông
15 tập phim như nhắm tới hoạt động của các đoàn viên thanh niên thuở đó trên các trận tuyến, các cương vị như bảo vệ cơ quan TƯ Cục, tuyên huấn, y tế, tài chính, ngoại giao, in ấn sách báo, văn hóa văn nghệ… Xem từng tập phim, những ai có dịp đến các cơ quan TƯ Cục trong những năm khói lửa hầu như sẽ nhận diện được biết bao gương mặt thân quen. Mấy chục năm đã trôi qua, mái tóc các anh các chị nay đã ngả bạc nhưng nụ cười, ánh mắt vẫn như những tháng ngày xa xưa khó quên ấy.
Đó là các anh, các chị Lữ Minh Châu, Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Thị Thép, Mai Kim, Nguyễn Văn Dần… ở Ban Tài chính; Dương Quang Trung, Đoàn Thúy Ba, Trần Y, Trương Thị Thu… bên y tế; Nguyễn Văn Thôn, Phùng Văn Mười, Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Thành Trung… bên binh vận; Võ Văn Tòng, Ba Bông, Nguyễn Huy Thiện, Trần Tuyết Nga, Nguyễn Hữu Châu… tại Đài Phát thanh Giải phóng.
Đó còn là các nghệ sĩ Kim Chi, Tô Lan Phương, Trần Lê Thi, Đoàn Quốc, Phạm Khắc... bên văn hóa văn nghệ… Công tác tại các phòng, ban thuộc TƯ Cục, các anh chị không chỉ dành tâm sức cho chuyên môn mà còn bảo đảm việc đào hầm hào, làm nhà trong hậu cứ, trồng rau xanh, chăn nuôi gà, lợn để cải thiện bữa ăn. Điều quan trọng hơn cả là anh chị em luôn sẵn sàng cầm súng, chiến đấu như những người lính bình thường để bảo vệ kho tàng, căn cứ trong những trận càn lớn của Mỹ - ngụy.
Những vấn đề gợi mở
Sau khi xem hết 15 tập, bỗng cảm thấy như bộ phim đã trượt xa chủ đề “Lửa rừng” - tức nói về vai trò và những nét đặc thù của tuổi trẻ trong lớp thanh niên phục vụ tại các cơ quan TƯ Cục mà các tác giả đã vạch ra từ đầu. Ví như bộ phim khai thác sâu hơn về xuất xứ khác nhau của lớp thanh niên ấy, họ đã tự hoàn thiện như thế nào, đã được lớp đi trước giáo dục ra sao và dù đối mặt với những gian khổ thử thách, cận kề với cái chết, anh chị em vẫn sống lạc quan, vẫn xây đắp những mối tình đầu tuyệt đẹp… Và nếu triển khai theo hướng này, 15 tập phim sẽ có diện mạo riêng, giọng điệu riêng hơn.
Chúng ta đã có những bộ phim dài tập về chiến thắng Xuân 1975, về các vị tướng lĩnh, về lịch sử xây dựng - chiến đấu - trưởng thành của các sư đoàn thiện chiến, nhưng sau khi xem từng tập của bộ phim Lửa rừng chúng ta bỗng thấy hé mở ra biết bao đề tài khác quanh hoạt động chỉ đạo và bảo đảm triển khai cuộc chiến tranh chống Mỹ còn chưa hề được đề cập tới.
Ví như, hàng chục vạn con người ẩn náu dưới những tán lá xanh tại một vùng rừng không rộng thuộc các tỉnh miền Đông, chỉ cách Sài Gòn 15 phút tốc độ máy bay trực thăng, thế mà trong suốt hàng chục năm ròng Mỹ - ngụy không tài nào tiêu diệt được. Đấy không phải là điều thần kỳ xứng đáng dành cho một bộ phim sao? Với công tác bảo mật phòng gian, phân bổ các tuyến phòng thủ vòng trong, vòng ngoài ra sao; tìm vị trí trú quân như thế nào để bảo đảm được nguồn thực phẩm và nguồn nước sinh sống cho từng ấy con người, trong điều kiện cơ quan TƯ Cục luôn luôn thay đổi chỗ ở, quả xứng đáng làm đề tài cho nhiều bộ phim khác.
Rồi công tác tạo vốn để có tiền mua thuốc men, dụng cụ y tế cùng các nhu yếu phẩm khác phục vụ từng ấy con người; vai trò của các “thương gia” lộ mặt hoặc bí mật trong việc khơi nguồn hàng từ các đô thị miền Nam, từ Campuchia… có thể làm được một bộ phim nữa. Trong thử thách bom đạn dữ dằn, giữa rừng núi với muôn vàn thiếu thốn mà tạo dựng nên những mái trường dạy văn hóa cho thanh thiếu niên, đào tạo phóng viên cho báo đài, mở các lớp huấn luyện diễn viên ca, diễn viên múa… Sức sống kỳ lạ này trong guồng máy hoạt động của TƯ Cục đủ trở thành chất liệu xây dựng một bộ phim riêng…
Thể loại phim phóng sự tài liệu đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc phục hiện lại những trang sử hào hùng của quá khứ. Song lịch sử anh hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - chỉ cần tính riêng tới những hoạt động chỉ đạo và phục vụ chỉ đạo của Cơ quan TƯ Cục miền Nam - vẫn giống như một vùng mỏ còn ẩn chứa nhiều tầng vỉa khoáng sản vô cùng quý giá chưa hề được khai thác.
TÔ HOÀNG