Được chuyển thể từ truyện ngắn Người về bến sông Châu của nhà văn Sương Nguyệt Minh, tác phẩm điện ảnh Người trở về của đạo diễn Đặng Thái Huyền vừa ra mắt trong những ngày tháng 8 này đã đem tới cho người xem nhiều cảm xúc về thân phận của người lính, người phụ nữ thời hậu chiến.
Nỗi đau hậu chiến
Phim xoay quanh câu chuyện về nhân vật Mây (Lã Thanh Huyền đóng), một thiếu nữ sinh ra ở đồng bằng Bắc bộ. Tuổi trẻ của cô là những ngày tháng bôn ba trên khắp nẻo đường Trường Sơn. Một năm sau ngày giải phóng, Mây trở về làng khi ở nhà đã nhận được tin báo tử của cô. Khoác ba lô trở về bến sông Châu với niềm vui đoàn tụ gia đình và gặp lại San - mối tình thề hẹn trước ngày ra trận. Trớ trêu thay, ngày Mây về lại là ngày cưới của San. Không muốn có thêm một người phụ nữ nữa đau khổ, Mây từ chối ý định “cùng nhau làm lại từ đầu” của San. Không chỉ hàng ngày chứng kiến hạnh phúc gia đình mà Thanh (vợ San) cố phô bày; sự dằn vặt, dùng dằng của người yêu cũ và những vết thương, sự ám ảnh chiến tranh, sự hy sinh của đồng đội cũng hiện về đêm đêm ám ảnh Mây trong từng giấc ngủ. Để tránh khó xử cho cả 3 người, Mây rời nhà ra bến đò, sống cô độc cho đến một ngày Quang tìm về tận bến sông Châu tìm cô. Quang, người lính trinh sát miền Nam ở chiến trường năm ấy, vì những cơ duyên nơi chiến trận, đã rong ruổi khắp nơi tìm cô y tá ngày nào chỉ với một địa chỉ mơ hồ “ở bến sông Châu”. Anh nguyện ở lại, dùng tấm chân tình, lòng yêu thương, chăm sóc cô suốt cuộc đời này...
Một cảnh quay trong phim Người trở về
Câu chuyện về những người lính trở về từ cuộc chiến và phải đấu tranh, vất vả kiếm tìm hạnh phúc cho riêng mình cũng đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm điện ảnh trước đây. Song với Người trở về, đạo diễn Đặng Thái Huyền đã đưa tới người xem những góc nhìn mới, mềm mại, giản dị, nhân văn nhưng vẫn không thiếu phần sâu sắc. “Chúng tôi chỉ muốn mang đến cho khán giả một câu chuyện về số phận người phụ nữ thời hậu chiến - qua cách nhìn, qua cách kể chuyện của những người rất trẻ như chúng tôi”, đạo diễn Đặng Thái Huyền tâm sự.
NSƯT Như Quỳnh, người tham gia khá nhiều phim về đề tài chiến tranh, chia sẻ: Phim về chiến tranh, phim hậu chiến qua cái nhìn của các đạo diễn trẻ khác với thế hệ trước vì những đạo diễn lớn tuổi từng làm phim chiến tranh đều từng trải qua chiến trường hoặc có kinh nghiệm va đập trong các trận chiến nên làm phim về chiến tranh sẽ dễ dàng hơn. Nhưng các đạo diễn trẻ lại có vũ khí lợi hại là sự mạnh mẽ, quyết đoán, làm phim về đề tài chiến tranh theo cách của người trẻ. Điều đó cũng làm nên sự phong phú trong nghệ thuật.
Hành trình 6 năm
Tiếp cận, ấp ủ và mong muốn thực hiện bộ phim từ 6 năm trước, song đến năm 2013, khi cuộc thi làm phim nhựa của Tổng cục Chính trị được triển khai thì kịch bản Người trở về mới thực sự được chấp bút. Đạo diễn Đặng Thái Huyền tâm sự, khi viết kịch bản này chị đã nghĩ tới nữ diễn viên Lã Thanh Huyền. Ngoài đời, Huyền hiện đại và nhẹ nhàng, có vẻ không ăn nhập lắm với vai diễn có số phận và cần chiều sâu, nội tâm rất phức tạp như nhân vật Mây. Nhưng kết quả thật bất ngờ. Ở đôi chỗ, cô diễn chưa thật nhập vai song khán giả đã thấy một Lã Thanh Huyền thật khác, khiến khán giả cùng khóc, cùng cười với Mây.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh, tác giả của Người về bến sông Châu, tuy chưa thật hài lòng với khung cảnh, với tạo hình của Mây trong điện ảnh, nhưng anh cũng không ngần ngại khi khen tặng đạo diễn trẻ này. Anh nói: “Một nhà văn áo lính, đã trải qua thời chiến tranh như tôi nhưng với bộ phim này, tôi có cảm giác cảnh chiến tranh gần với hiện thực hơn”.
Khi làm phim chiến tranh với kinh phí lớn, việc trao công việc cho một đạo diễn trẻ không phải là sự lựa chọn an toàn, song quyết định mang đầy tính thử thách của lãnh đạo điện ảnh quân đội đã được chứng minh là hiệu quả khi Người trở về được trình chiếu ra mắt. Không có những đại cảnh, phim tập trung vào những góc cận nhưng sự tàn phá của chiến tranh vẫn hiện lên thật khốc liệt. Đã rất lâu rồi, khán giả mới được xem những thước phim chân thực, cảm động đến như vậy.
VĨNH XUÂN