5 trong tổng số 100 tập phim Huyền thoại mẹ Việt Nam anh hùng (biên kịch: Trầm Hương, tổng đạo diễn: Lý Quang Trung, Hãng phim TFS sản xuất) đã hoàn thành, được phát sóng trong những ngày tết cổ truyền vừa qua và được phát lại vào lúc 20 giờ 50 từ ngày 1-2 đến 6-2 trên HTV9.
Từ ngàn đời qua, niềm hạnh phúc tự hào lớn nhất của mỗi chúng ta chính là Tổ quốc anh hùng và những người mẹ anh hùng. Cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta một lần nữa ghi nhận công lao chói ngời của những người mẹ. Thế hệ hôm nay được hưởng hạnh phúc trong hòa bình hiểu rằng, không gì có thể đền đáp hết công lao to lớn và đức hy sinh cao cả của các mẹ, những người đã âm thầm hiến dâng những gì quý giá nhất của đời mình cho tự do và độc lập. Danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) là biểu tượng văn hóa cao đẹp nhất, là sự biết ơn to lớn nhất mà bộ phim chọn lựa để chia sẻ, để tôn vinh các mẹ.
Bốn mẹ VNAH trong những tập phim đầu tiên mang lại cho người xem cảm giác gần gũi, thân thương và dung dị như chính những người bà, người mẹ, người dì trong mỗi gia đình người Việt. Mỗi mẹ có một hoàn cảnh gia đình, một cuộc sống riêng nhiều sóng gió nhưng đều gặp nhau ở lòng thủy chung, chịu thương chịu khó và đức hy sinh. Mẹ Nguyễn Thanh Tùng (Nguyễn Thị Điểm) có chồng và hai con là liệt sĩ. Mẹ Nguyễn Thị Chít và mẹ Trần Thị Quang Mẫn đều có chồng và con trai duy nhất hy sinh. Đặc biệt, mẹ VNAH Hà Thị Tháng có chồng, con trai và bản thân mẹ cũng đều hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Ngoài việc có người thân là liệt sĩ, bản thân các mẹ đều là những chiến sĩ cách mạng kiên cường. Cuộc đời mẹ Trần Thị Quang Mẫn tưởng như chỉ có trong truyện xưa, khi mẹ cắt tóc ngắn, la hét cho bể giọng để giả trai tham gia cách mạng. Mẹ Nguyễn Thanh Tùng còn là con của một mẹ VNAH. Mẹ chồng của mẹ Nguyễn Thị Chít cũng là mẹ VNAH khi có 5 người con nằm lại trên các mặt trận.
Bộ phim Huyền thoại mẹ Việt Nam anh hùng được thực hiện với mong muốn chia sẻ với khán giả về cuộc đời và khơi dậy những câu chuyện của các bà mẹ VNAH, chứ không nhằm mục đích kể công. Những cuộc đời bình dị như hết thảy những cuộc đời nhưng chính cái bình dị ấy lại càng làm bừng sáng chất anh hùng, mạnh mẽ của các mẹ.
Tổng đạo điễn Lý Quang Trung cho biết: “Ê kíp làm phim có biên kịch Trầm Hương và tổ đạo diễn gồm Cổ Trường Sinh, Nguyễn Ngọc Mai, Đồng Anh Quốc, Nguyễn Thị Thu Trang, Phạm Thị Ngọc Lan, Hoàng Thị An Bình và Phan Tô Hoài đã không quản ngại đường sá xa xôi hay những miền núi cao heo hút, đến tận nơi những mẹ VNAH đang sinh sống để ghi lại hình ảnh cuộc sống của các mẹ hiện nay. 100 chân dung mẹ VNAH là 100 câu chuyện cảm động về cuộc đời tần tảo của các mẹ”.
Ngay sau Tết Nguyên đán, đoàn phim lại hối hả tiếp tục cuộc hành trình, lên đường tới thăm các mẹ VNAH trên khắp mọi miền đất nước. Công việc tưởng chừng bình thường của mọi đoàn phim, nhưng: “Cảm giác hệ trọng của chuyến đi này thật sự rõ rệt. Chiến tranh lùi xa đã 36 năm. Số mẹ qua đời đã rất nhiều. Chỉ cần chậm trễ một thời gian nữa, mọi việc sẽ vĩnh viễn chỉ còn là dĩ vãng và bộ phim chỉ còn là một sự hồi tưởng, một hoài niệm, một niềm nuối tiếc mênh mông để ta phải ân hận suốt đời” (lời bình trong phim).
Cả nước có khoảng 47.000 mẹ VNAH và 100 chân dung mẹ VNAH mà bộ phim đề cập chỉ là con số tiêu biểu so với số lượng khổng lồ, thật sự đáng tự hào về sự nghiệp anh hùng của hàng triệu người mẹ trên mọi miền đất nước. Con số ít ỏi được đề cập đến trong bộ phim nhưng chan chứa bao nhiêu tình yêu thương, kính trọng của thế hệ hôm nay dành cho các mẹ.
Như Hoa