Nếu những năm đầu xã hội hóa truyền hình (tính từ năm 2006), xuất hiện nhiều hãng phim truyền hình tư nhân và kèm theo đó, các cuộc cạnh tranh giành giật giờ phát sóng trên đài truyền hình lớn đã khiến tình hình sản xuất phim truyền hình trở nên sôi động, náo nhiệt. Có thể xem, đó là thời kỳ vàng son của phim truyền hình và là giai đoạn mà diễn viên truyền hình “lên đời, lên xe” nhờ vào việc chạy show đóng phim.
Vàng son một thuở
Chừng 10 năm trước, phim Việt là “món ăn” ngon, được trông đợi và là một trong những yếu tố hấp dẫn khiến hầu hết các khán giả màn ảnh nhỏ muốn bật ti vi mỗi ngày, đặc biệt là mỗi tối. Đi đến đâu cũng thấy người ta bàn tán nội dung, tình tiết và các diễn viên trong bộ phim đang phát sóng. Trước nhu cầu và tình cảm của người xem dành cho phim Việt, Đài Truyền hình TPHCM (HTV) là đơn vị tiên phong mở ra “Giờ vàng phim Việt”, sau đó lần lượt một số đài truyền hình cũng dành giờ vàng cho phim Việt.
Phim Việt được ưu ái lên sóng truyền hình những khung giờ đẹp nhất, doanh thu quảng cáo từ phim Việt luôn là nguồn thu đứng đầu của các đài truyền hình (chứ không phải gameshow). Ngoài 2 hãng phim của hai đài truyền hình lớn là TFS (của HTV) và VFC (VTV), các hãng phim tư nhân bắt đầu “nở rộ”. Phim Việt được sản xuất ào ào, nhưng giờ phát thì có mức độ, mà phim và hãng phim thì quá nhiều, ai cũng tranh giành mọi cách để phim của mình được lên sóng, nên nhà đài phải tổ chức đấu thầu giờ phát sóng phim Việt.
Vào thời đỉnh điểm, HTV có đến gần 60 đối tác là các nhà sản xuất phim tư nhân. Lịch phát sóng phim Việt trên HTV luôn kín trong 2 năm liên tiếp, nên khó có nhà sản xuất “mới toanh” nào có thể chen chân, đưa phim mình vào được HTV thời điểm ấy. Để tránh rủi ro, nhà đài ngoài đấu thầu, còn phải chọn mặt, chỉ tên một số đơn vị tư nhân mà đài biết rõ tiềm lực kinh tế và uy tín trong làm việc. Một thời gian sau, VTV mới có phương thức tương tự HTV.
Tuổi thanh xuân - một trong những bộ phim có chất lượng do VFC sản xuất, được đông đảo khán giả yêu thích, tiếp tục ra mắt phần 2 trong năm 2016.
Thời kỳ này, nhiều phim truyền hình Việt do tư nhân sản xuất đã “khuynh đảo” màn ảnh nhỏ, góp phần đưa tên tuổi một số diễn viên lên hàng “ngôi sao” hiện nay, như: Vòng xoáy tình yêu đưa cặp đôi Cao Minh Đạt - Thanh Thúy thành cặp đôi đẹp được yêu thích nhất màn ảnh nhỏ. Gọi giấc mơ về đưa gương mặt ca sĩ Minh Hằng thành diễn viên sáng giá. Cổng mặt trời giúp Hòa Hiệp và Lương Thế Thành trở thành những diễn viên nam được yêu thích và được nhiều đạo diễn săn đón. Tuyết nhiệt đới đánh dấu con đường trở thành diễn viên chuyên nghiệp của người mẫu Anh Thư. Bỗng dưng muốn khóc tạo ra cặp “tiên đồng ngọc nữ” Tăng Thanh Hà - Lương Mạnh Hải...
Hai người vợ - phát trên THVL1 là phim có lượng người xem khá cao
Có thể nói, nhờ vào xã hội hóa, phim truyền hình Việt “cất cánh” và có một vị trí tối ưu trên sóng truyền hình và trong lòng khán giả, đồng thời còn giúp một bộ phận lớn những người làm điện ảnh có “đất dụng võ” trong khi phim điện ảnh đang ở vào thời kỳ èo uột nhất.
Sao đổi ngôi!
Sau gần 10 năm huy hoàng, giờ đây, phim truyền hình đang vào giai đoạn “dưỡng thương”. Số lượng phim truyền hình nói chung sụt giảm, thời lượng phát sóng phim trên các đài truyền hình cũng đang dần thu hẹp, nhường chỗ cho các chương trình truyền hình thực tế, gameshow...
“Số lượng phim sản xuất của chúng tôi giảm chỉ còn chừng 400 đến 500 tập/năm so với gần 1.000 tập phim/năm như trước đây”, bà Trúc Mai, Giám đốc Hãng M&T Pictures chia sẻ. Bà nói tiếp: “Lý do sụt giảm là vì đầu tư vào phim khó lời, thậm chí không lấy lại vốn được. Một phim đầu tư trung bình 5 đến 6 tỷ đồng nhưng một năm sau mới lấy được tiền vốn (hoặc may mắn thì có chút lời). Hiện nay, người ta đổ xô đi làm phim điện ảnh, không mấy người chịu làm phim truyền hình nữa. Chúng tôi vì tâm huyết với nghề nên vẫn cố gắng làm tốt nhất có thể”.
Công ty Sóng Vàng cũng là một trong số ít đối tác sản xuất phim số lượng lớn cho các đài truyền hình, hiện nay cũng giảm số lượng phim đáng kể. Từ 700 đến 800 tập phim/năm, giờ chỉ còn chừng 300 đến 400 tập/năm.
Bà Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, nhìn nhận: “Phim truyền hình Việt đang thoái trào, nằm trong xu thế chung của truyền hình hiện nay. Ngay như các gameshow, các chương trình truyền hình thực tế cũng sụt giảm lượng người xem, không được như vài năm trước. Đã đến lúc khán giả bão hòa với phim và các chương trình truyền hình. Cái gì nhiều quá rồi cũng thành ra như thế. Bây giờ là thời của phim chiếu rạp. Thay vì về nhà bật ti vi lên để chọn xem các chương trình truyền hình, giờ đây khán giả chọn ra rạp xem phim, nhất là những ngày cuối tuần. Nếu vài ba năm trước, một đêm phát sóng, phim Việt thu về 700, 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tiền quảng cáo thì nay chỉ còn 100 đến 300 triệu đồng. Có khi chỉ vài chục triệu đồng. Không thu được tiền quảng cáo đồng nghĩa với việc phim thua lỗ nặng. Hiện nay, nhiều nhà sản xuất phim truyền hình Việt bỏ cuộc là vì thế”.
Ông Trần Minh Tiến, Giám đốc kênh truyền hình Let’s Việt (VTC9) khẳng định: “Sau một thời gian nở rộ không kiểm soát, truyền hình đang trong giai đoạn đào thải những người, những chương trình làm không tốt, không nghiêm túc, không chất lượng. Tôi tin truyền hình nói chung và phim truyền hình nói riêng vẫn sẽ phát triển, vấn đề là người làm truyền hình phải có tâm và phải được định hướng cụ thể. Ban biên tập các đài truyền hình phải chọn lọc tác phẩm, quản lý, giám sát chặt chẽ khâu sản xuất để đảm bảo chất lượng, nội dung”.
Mất niềm tin vào chất lượng phim, nhàm chán với nội dung và các gương mặt diễn viên đã khiến phim truyền hình mất dần vị thế và tình cảm của khán giả. Thực tế hiện nay phim truyền hình Việt còn được khán giả quan tâm, có lẽ chủ yếu vẫn là dòng phim của VFC và TFS, vì còn giữ được uy tín về chất lượng. Những bộ phim gây được chú ý và nhận được nhiều quan tâm, yêu mến của khán giả màn ảnh nhỏ đều chủ yếu là các phim của hai hãng phim này. Về cơ bản, khán giả luôn ủng hộ phim Việt. Khó lặp lại hào quang cũ, song để khán giả không hoàn toàn quay lưng với phim truyền hình, trách nhiệm ấy đặt lên vai chính những người làm phim.
| |
NHƯ HOA