Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng: Nhiều lĩnh vực đã chuyển biến tích cực

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng: Nhiều lĩnh vực đã chuyển biến tích cực

Năm 2013 được xem là năm đỉnh điểm của những khó khăn, thách thức nhưng tại TPHCM, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng vẫn được đảm bảo, với 21/25 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã trả lời phỏng vấn Báo SGGP về những vấn đề đặt ra cho kinh tế TPHCM trong năm 2014. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết:

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng

Năm 2013 khép lại với quá nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là sức mua trong nước nói riêng và thế giới nói chung chưa hoàn toàn hồi phục. Việt Nam đã gia nhập khá sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới, do vậy chúng ta không thể né tránh những tác động của nó đến hàng hóa trong nước. Trước tình hình này, lãnh đạo TP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kiên trì nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết đưa ra. Doanh nghiệp (DN) và người dân trên địa bàn đã đồng thuận các chủ trương, chính sách của Nhà nước, cùng cộng đồng trách nhiệm, phấn đấu vượt qua khó khăn.

Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế năm 2013 đã có dấu hiệu hồi phục. Cơ cấu kinh tế TP tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2013 đạt 9,3%, trong đó khu vực dịch vụ đạt hơn 446.000 tỷ đồng, chiếm 58,4% tổng GDP, tăng 10,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt hơn 310.000 tỷ đồng, chiếm 40,6% tổng GDP, tăng 7,4%; khu vực nông nghiệp đạt 7.769 tỷ đồng, chiếm 1% tổng GDP, tăng 5,6%.

- PV: Xin đồng chí cho biết những thành quả tiêu biểu mà TP đã đạt được trong năm 2013?

>> Phó Chủ tịch NGUYỄN THỊ HỒNG: Đó là hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành vượt tiến độ đề ra, bước đầu tạo diện mạo mới cho giao thông đô thị TP, tăng thêm diện tích mặt đường đáng kể, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, nâng cao năng lực giao thông cho khu vực, góp phần cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông như cầu Sài Gòn 2; cầu Đỏ, đường Phạm Văn Đồng (đoạn từ Nguyễn Thái Sơn đến nút giao thông Bình Triệu); đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; đường Vành đai phía Đông (đoạn từ đường Đồng Văn Cống đến cầu Rạch Chiếc); đường Bến Vân Đồn; đường Nguyễn Thị Thập và nhiều công trình cầu vượt trong nội thành TP đã được đưa vào sử dụng,…

Việc thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tại 6 xã điểm đã làm bộ mặt nông thôn chuyển biến rõ nét, đặc biệt là kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên. TP đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm và kết thúc giai đoạn 3 “Chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá” sớm 2 năm so với thời gian nghị quyết đề ra,...

Sản xuất sữa phục vụ bình ổn giá thị trường tại Công ty Nutifood. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Sản xuất sữa phục vụ bình ổn giá thị trường tại Công ty Nutifood. Ảnh: PHẠM CAO MINH

- Theo đồng chí, trong năm 2014, TPHCM sẽ làm gì để đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế?

Năm 2014 là năm có ý nghĩa quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ IX. Vì vậy, năm nay TPHCM đẩy mạnh triển khai các phần việc trong thẩm quyền của mình, thực hiện việc liên kết với các vùng, miền kinh tế vì theo quan điểm của TP để chuyển đổi thành công, TPHCM không thể tự làm một mình mà phải gắn kết với các vùng, miền kinh tế trong khu vực. Mặt khác, quá trình thực hiện tùy thuộc rất lớn vào các chính sách vĩ mô mà cụ thể là các công cụ điều tiết cho quá trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Vì thế, ở tầm vĩ mô TP tiếp tục kiến nghị với trung ương về các chính sách tạo điều kiện cho các ngành và lĩnh vực dịch vụ như bất động sản, y tế, giáo dục, tài chính, logicstic,… phát triển.

- Cụ thể TPHCM sẽ làm những gì để hỗ trợ tốt nhất các DN tạo ra giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững?

Trước hết, TP sẽ thực hiện tốt chương trình kích cầu đầu tư nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn TP, thông qua Quyết định 33 của UBND TP. Công việc này tiếp tục được tổ chức công khai và rộng rãi đến các DN thuộc các thành phần kinh tế, hướng dẫn DN đáp ứng được các điều kiện, hoàn tất hồ sơ trình UBND TP phê duyệt. Với những DN không đủ điều kiện, thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ DN nhỏ và vừa sẽ giúp các DN tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn vay. Chương trình kết nối ngân hàng và DN, cho vay nhà ở xã hội, bình ổn thị trường,… đã và đang được triển khai rất tốt và mang lại hiệu quả thiết thực cho cả hai bên. 

Ngoài ra, TPHCM sẽ hỗ trợ gián tiếp cho DN thông qua việc đầu tư chi phí để phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng các khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức tiếp thị quốc tế… TPHCM sẽ tập trung thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, mở rộng xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Á và thị trường Hoa Kỳ, đồng thời chú trọng khai thác các thị trường tiềm năng như châu Phi, châu Đại Dương để sử dụng hết các nguồn lực xuất khẩu đa dạng. Qua việc hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp, nếu  biết nắm bắt tốt cơ hội, chắc chắn DN sẽ trưởng thành.

Tôi cho rằng, để kinh tế TP phát triển mạnh và bền vững cần phải có một đội ngũ DN hùng hậu và những sản phẩm cạnh tranh. Do vậy, mọi hoạt động đều phải hướng vào các DN. Phải hỗ trợ và tạo cơ chế chính sách theo hướng có lợi nhất để họ mạnh dạn đầu tư, khơi gợi mọi nguồn lực phát triển theo hướng bền vững.

- Năm qua, TPHCM không còn hỗ trợ vốn từ ngân sách cho chương trình bình ổn giá. Vậy trong quá trình triển khai có gặp khó khăn gì không, thưa Phó Chủ tịch?

Hơn 10 năm thực hiện, đến nay có thể khẳng định Chương trình bình ổn thị trường đã trở thành công cụ hữu hiệu để điều tiết hàng hóa, giá cả. Từ năm 2013, dù TP đã rút vốn, song vẫn luôn theo sát, tạo cơ chế chính sách, hỗ trợ các DN được tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất thấp nhất để ổn định sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, TP đã tăng cường khâu tuyên truyền để hỗ trợ, giới thiệu DN tham gia chương trình quảng bá xây dựng thương hiệu DN, sản phẩm. Tôi nghĩ đây là cách làm rất thiết thực để các DN cùng thực hiện trách nhiệm xã hội DN với cộng đồng, xã hội thông qua việc phối hợp để tạo ra nguồn hàng nhằm ổn định thị trường. Chính điều này mới mang lại thành công trọn vẹn cho DN.

Thời gian đầu khi bắt tay vào triển khai, tôi rất lo lắng vì không biết các DN sẽ phản ứng ra sao, liệu có ngân hàng nào tham gia cung cấp vốn giá rẻ cho DN. Và thật bất ngờ, ngay khi phát động đã có 5 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia, với gói hỗ trợ lên tới 1.960 tỷ đồng, trong đó 1.100 tỷ đồng vốn vay ngắn hạn lãi suất 6%/năm, còn lại là vốn trung và dài hạn. Tính đến nay, có gần 500 tỷ đồng được giải ngân theo đúng tiến độ để đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều đáng lưu ý, cho dù Nhà nước rút vốn, nhưng số lượng DN tham gia và cung ứng hàng hóa cho chương trình tăng tới 30% so với năm trước. 

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

  • Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng

"Tôi cho rằng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là cơ hội để các DN Việt Nam tự rà soát lại hoạt động sản xuất kinh doanh, điều tra, nghiên cứu thị trường để hiểu rõ nhu cầu tiêu dùng, nhằm sản xuất theo nhu cầu hơn là ép thị trường tiêu thụ những gì mình có. Để chiếm lĩnh thị trường, mỗi DN phải không ngừng đổi mới, hoàn thiện chất lượng sản phẩm và nâng cấp dịch vụ, thông qua việc thể hiện các cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng"

THÚY HẢI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục