Sau hơn 4 năm phát động, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ NVNƯTDHVN) đã tạo được chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân TPHCM về việc ưu tiên chọn dùng hàng hóa trong nước. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Phó Trưởng ban chỉ đạo CVĐ NVNƯTDHVN đã dành cho PV Báo SGGP cuộc trao đổi về vấn đề này.
Chất lượng tốt, giá cạnh tranh
* Phóng viên: Thưa đồng chí, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trong nước phải làm gì để ổn định sản xuất và mở rộng thị phần?
* Phó Chủ tịch NGUYỄN THỊ HỒNG: Năm 2013 là một năm đầy khó khăn, thách thức nên TPHCM cũng đã triển khai đồng bộ nhiều cách làm mới như thực hiện các chương trình kết nối DN - ngân hàng để tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN; thực hiện chính sách kích cầu, hỗ trợ DN đổi mới thiết bị, công nghệ, tạo điều kiện để các DN phát triển; tổ chức chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành; chương trình kết nối sản xuất và phân phối hàng nông sản; hỗ trợ DN phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng…
Trên thực tế, trong năm qua, Nhà nước đã triển khai nhiều phần việc để hỗ trợ DN như vừa kể trên. Nếu các DN nhanh nhạy, biết nắm bắt và tận dụng tốt các cơ hội để tiếp tục đầu tư, tiếp cận mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng… sẽ vượt qua được khủng hoảng. Mặt khác, để sản xuất ổn định và mở rộng thị phần, cần xây dựng ngay những chương trình hành động cụ thể trong hoạt động đồng thời đa dạng hóa các loại hình kinh doanh để chủ động đối phó với tình hình tốt hơn.
* Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề cốt lõi để thực hiện tốt CVĐ là chất lượng hàng Việt phải được hoàn thiện. Theo đồng chí, các DN cần làm gì để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm?
* Đúng như vậy. Hiện Việt Nam đã gia nhập nền kinh tế thế giới rất sâu, rộng. Thực hiện các cam kết WTO, các cam kết thương mại song phương và đa phương, những năm gần đây hàng Việt Nam xuất khẩu ngày càng nhiều ra thế giới, ngược lại Việt Nam cũng phải mở cửa nhiều hơn cho hàng hóa các nước vào Việt Nam. Và như vậy, hàng hóa Việt Nam phải bước vào cuộc cạnh tranh trực diện, ngày càng khốc liệt hơn. Điều cốt yếu là DN phải tổ chức hoạt động, sản xuất ngày càng chuyên nghiệp, bài bản hơn, phải đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân, với chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Để làm được điều này, các DN Việt Nam cần có sự đầu tư nghiêm túc cho việc nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng, đồng thời tăng cường chế độ hậu mãi để nâng sức cạnh tranh của hàng Việt, hướng đến xuất khẩu.
Một việc khác cũng cần được DN lưu ý là cần xây dựng và triển khai ngay việc tái định vị thương hiệu và tái cấu trúc trong từng DN, phải xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu, chiến lược phát triển trong tương lai.
Từng bước xây dựng văn hóa tiêu dùng
* Xin đồng chí cho biết kế hoạch, phương hướng, nhiệm vụ năm 2014 của Ban chỉ đạo CVĐ NVNƯTDHVN tại TPHCM là gì?
* Năm 2014 là năm thứ 5 triển khai CVĐ, trên cơ sở kết quả đạt được cũng như những tồn tại, năm nay TP tiếp tục tập trung tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người dân để CVĐ đi vào chiều sâu, tạo sự đồng thuận xã hội, từng bước xây dựng văn hóa tiêu dùng cho người Việt.
Để đạt được mục tiêu này, Ban Chỉ đạo sẽ triển khai thực hiện các nội dung sau: tăng cường công tác quản lý thị trường, nâng cao vai trò của các hiệp hội, đoàn thể trong việc đấu tranh chống hàng gian, hàng giả để góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và DN, sản phẩm sản xuất trong nước; Đẩy mạnh hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ theo hướng văn minh, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cả về số lượng lẫn chủng loại, chất lượng và dịch vụ tiện ích, phát triển các điểm bán tham gia chương trình bình ổn nhằm tăng cường các mặt hàng thiết yếu đến người tiêu dùng; tăng cường vai trò của cơ quan nhà nước tiếp tục thực hiện giải pháp như chương trình kích cầu thông qua đầu tư, kết nối DN với ngân hàng, đối thoại trực tiếp, xúc tiến thương mại… nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt tại thị trường nội địa và vươn ra quốc tế; phối hợp với các tỉnh, thành bạn nhằm đẩy mạnh hiệu quả chương trình hợp tác thương mại để khai thác thế mạnh của từng địa phương, thúc đẩy sản xuất và phân phối hàng hóa phát triển,…
Đặc biệt, năm 2014 cũng sẽ là năm đầu tiên Ban Chỉ đạo vận động các DN đăng ký việc thực hiện tăng dần tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu trong từng sản phẩm, cũng như phát triển thêm các điểm bán trên thị trường và khả năng cung - cầu hàng hóa của DN. Có như vậy, CVĐ mới đi vào chiều sâu và nắm bắt được quá trình triển khai thực hiện của các DN. Ngoài ra, TPHCM cũng tập trung hỗ trợ nhiều hơn cho các HTX sản xuất, chăn nuôi nâng cao năng lực để tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, từng bước hướng đến việc đưa hàng hóa vào các nhà hàng, khách sạn 5 sao của TP. Tổ chức nhiều các chương trình kết nối sản xuất - phân phối để đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm.
Trong năm 2014, Ban Chỉ đạo cũng sẽ kiên quyết hơn trong việc chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trong các đơn vị nhà nước nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, hành động và tiêu dùng hàng Việt.
* Cảm ơn đồng chí!
"Tại nhiều siêu thị, tỷ lệ hàng Việt ngày càng nâng lên, chiếm áp đảo 90% - 95%, cá biệt có nhiều mặt hàng đã chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường nội địa như lương thực, thực phẩm chế biến,… Mặt khác, tỷ lệ nội địa hóa tại nhiều DN thuộc các ngành như dây cáp điện, bóng đèn, ống nước, ngành nhựa, hóa chất, cao su,… tăng bình quân 15% so với cùng kỳ năm 2012" Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng |
THÚY HẢI (thực hiện)