Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của báo chí

Ngày 29-12, Bộ TT-TT đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự hội nghị.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã triển khai được 4 năm. Đến nay, chúng ta đã đủ điều kiện để chuyển đổi số quốc gia gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kinh tế số là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, đang chiếm 16,5% GDP và luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP khoảng 3 lần; giúp tăng năng suất lao động. Như vậy, kinh tế số là một mũi tên trúng 2 đích, vừa tăng trưởng GDP, vừa tăng năng suất lao động. Định hướng chuyển đổi số trong năm 2024 là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, số hóa các ngành, quản trị số và dữ liệu số.

Năm 2024 cũng là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động. Năm 2024 cũng là năm lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông coi không gian mạng là mặt trận chính, nhiệm vụ này vừa bảo đảm chuyển đổi số báo chí, vừa bảo đảm không gian mạng lành mạnh, xử lý thông tin xấu độc trên mạng, quản lý các nền tảng số xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam và phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam.

2-623.jpg
Khen thưởng, tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu đóng góp vào sự phát triển ngành TT-TT. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2024 cũng là năm dịch vụ công trực tuyến phải hoàn chỉnh và thực chất, ứng dụng mạnh mẽ AI, trợ lý ảo. Bộ trưởng cho rằng, với 120.000 văn bản, thể chế trong hệ thống pháp luật đã vượt quá khả năng xử lý của cá nhân. Số lượng này đang tiếp tục tăng qua mỗi năm. Vì vậy, lời giải duy nhất hiện nay là để AI xử lý số lớn, con người xử lý số nhỏ. Số nhỏ cần nhiều sự tưởng tượng, cần nhiều sáng tạo và đó là thế mạnh của con người.

1-7704.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý, Bộ TT-TT phải ứng xử nhanh, can thiệp để loại bỏ sớm những thông tin xấu độc, bởi nếu lan rộng thì tác hại khôn lường.

Trước sức ép của mạng xã hội, Bộ TT-TT cần có giải pháp nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của báo chí để người làm báo có thể sống và trụ lại với nghề; tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025; quan tâm nhiều hơn đến thị trường sách và nhà xuất bản.

Chia sẻ khó khăn của các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng yêu cầu cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đối với các cơ quan báo chí vì nếu coi những cơ quan báo chí như VTV, VOV là doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng thì khó hoàn thành phần nhiệm vụ chính trị được giao. Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, tuyệt đối không được chủ quan trong công tác quản lý báo chí, có giải pháp chấm dứt chuyện "đánh đấm" trên báo chí.

Với lĩnh vực chuyển đổi số, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là lĩnh giải pháp “cứu cánh” trong cải cách hành chính. Để đạt được mục tiêu phát triển vào năm 2030 và 2045, phải đi tắt, đón đầu, và chỉ có đi tắt, đón đầu bằng khoa học công nghệ, bằng chuyển đổi số.

Phó Thủ tướng đồng thời đề nghị mỗi cán bộ làm công tác TT-TT phải “tử tế với pháp luật”, hay nói cách khác là phải thượng tôn pháp luật.

Một số kết quả nổi bật của ngành TT-TT trong năm 2023:

- Doanh thu toàn ngành ước đạt 3.744.214 tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022.

- Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 99.323 tỷ đồng, tăng 1,31% so với năm 2022.

- Đóng góp vào GDP của ngành TT-TT ước đạt 887.398 tỷ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022.

- Ngành TT-TT đã triển khai thử nghiệm 5G tại 59 tỉnh, thành; tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G lên đến 99,8%.

- Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%. Kết quả này nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn dân toàn diện.

- Lĩnh vực công nghiệp công nghệ số có những bước tiến mạnh mẽ. Doanh thu của lĩnh vực đạt 142 tỷ USD với tỷ lệ giá trị Việt Nam chiếm 28,7%. Khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài (tăng gần 4% so với năm 2022).

- Năm 2023 cũng là năm đổi mới cách tiếp cận về bảo vệ người dân trên không gian mạng. Gần 125.000 nguồn website đã được thiết lập và kết nối, tích hợp với các giải pháp an toàn thông tin mạng.

Tin cùng chuyên mục