Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói chuyện với sinh viên về tự chủ đại học

Sáng 5-10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ tham dự Lễ khai khóa ĐH Quốc gia TPHCM năm 2019. Tại đây Phó Thủ tướng đã nói chuyện với 1.000 sinh viên và các cán bộ chủ chốt của ĐH Quốc gia TPHCM về chủ đề “Tự chủ đại học – Đổi mới sáng tạo”. 
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP

Lên đỉnh núi để thấy được thế giới…

Tâm sự với 1.000 sinh viên đại diện cho hơn 1 vạn tân sinh viên của ĐH Quốc gia TPHCM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ: Khi chúng ta bước chân vào giảng đường đại học, chúng ta sẽ phải vượt qua bao nhiêu thử thách và cam go trong học tập và nghiên cứu khoa học. Khi chúng ta chinh phục được những thử thách và đạt được những kết quả chính là chúng ta dần trèo lên đỉnh núi cao.

"Tôi muốn chia sẻ thông điệp với các em rằng, khi các sinh viên lên được đỉnh núi cao không phải để cho đất nước nhìn thấy các em cao, mà chính là để cho các em có điều kiện thấy được thế giới, quê hương, đất nước và Tổ quốc mình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói chuyện với sinh viên về tự chủ đại học ảnh 1 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói chuyện với sinh viên tại Lễ khai khóa. Ảnh: THANH HÙNG
Từ kinh nghiệm thực tiễn, từ thế hệ chúng tôi thời sinh viên những năm 1974 khi đất nước còn khó khăn, gian khổ. Thời sinh viên lúc đó, chúng tôi luôn tâm niệm rằng năm tháng rồi sẽ trôi qua không để lại bất cứ một dấu vết nào đối với những ai không biết nhìn về tương lai bằng bộ óc thông minh và khổ luyện của mình, nhưng hạnh phúc chắc chắn sẽ đến với những người khéo sử dụng thời gian, như con kiến tha lâu đầy tổ và như mỗi cái cây, mỗi năm lại dày thêm một vòng thân gỗ.
Từ đó, Phó Thủ tướng mong muốn, các sinh viên hãy tận dụng hết cơ hội khi còn ngồi trên ghế nhà trường để có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, cộng đồng và xa hơn nữa là có trách nhiệm với đất nước, Tổ quốc mình...
Và trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc mở rộng quyền tự chủ của các đại học sẽ giúp sinh viên có thêm cơ hội chủ động trong kế hoạch học tập, rút ngắn thời gian để học thêm ngành mới hoặc nâng cao trình độ.
Trường thành viên chuyển sang cơ chế tự chủ
Tại lễ khai khoá với chủ đề “Tự chủ đại học – Đổi mới và sáng tạo”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trên thế giới mô hình Đại học Quốc gia, các đại học với hệ thống các trường thành viên đã có từ rất lâu đời và phổ biến với mô hình đại học cấp quốc gia, thể hiện hình ảnh quốc gia về giáo dục đại học ở trình độ cao.
Do đó, các Đại học Quốc gia được nhà nước trao cơ chế tự chủ cao. Mô hình này tại Việt Nam đã và đang là mô hình tự chủ ở mức độ nhất định, thể hiện từ lúc thành lập Đại học Quốc gia.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói chuyện với sinh viên về tự chủ đại học ảnh 2 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi với cán bộ chủ chốt Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: THANH HÙNG

Để thực hiện tự chủ đối với mô hình Đại học Quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, về nguyên tắc cần thực hiện từng bước thích hợp với đặc thù của mô hình Đại học Quốc gia và các trường thành viên, đảm bảo tính thống nhất, tính hệ thống và thế mạnh của từng trường. Bên cạnh đó, các trường thành viên chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đó tăng cường trách nhiệm giải trình với các bên liên quan và với toàn xã hội.  

"Công tác quản lý của ĐH Quốc gia TPHCM đối với các đơn vị cũng dần tạo cơ chế để phát huy tốt nhất thế mạnh của từng trường đại học thành viên. Đồng thời, tạo ra những kết quả đột phá nhờ sức mạnh hệ thống với phương châm tăng cường liên kết, liên thông, tinh gọn, tiên tiến, hiệu quả. Chúng ta có ưu thế là một tổ hợp", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Sinh viên băn khoăn về tăng học phí

Quan tâm đến vấn đề tự chủ, nhiều sinh viên đã mạnh dạn đặt câu hỏi trực tiếp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Ngô Trọng Hoàng, sinh viên năm 3 Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐH Quốc gia TPHCM băn khoăn trước tình hình các trường ĐH được trao quyền tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính. Theo sinh viên này, khi tăng tự chủ sẽ kèm theo tăng học phí trong khi chưa có những cam kết rõ ràng về chất lượng đào tạo và việc làm. Vấn đề đặt ra là làm sao để tự chủ nhưng không để học phí trở thành trở ngại của việc học ĐH và đảm bảo được đầu ra.

Còn sinh viên Hồ Thị Kim Hoàng (Trường ĐH Công nghệ Thông tin) thì quan tâm tới những cơ hội và thách thức với tự chủ ĐH ở Việt Nam...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói chuyện với sinh viên về tự chủ đại học ảnh 3 Sinh viên đặt câu hỏi với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về vấn đề tăng học phí khi tự chủ. Ảnh: THANH HÙNG
Trước những băn khoăn này, Phó Thủ tướng chia sẻ: Băn khoăn của các em là rất chính xác. Đây cũng chính là câu hỏi mà các bộ, ngành ngồi đây phải cùng giải đáp câu hỏi này khi thực hiện tự chủ. Và thực tế, hiện nay nhà nước cũng đẩy mạnh việc thực hiện chính sách vay vốn để tạo điều kiện cho sinh viên đi học, các trường tự chủ cũng có cam kết và ràng buộc các quỹ học bổng, quỹ phát triển...
Phó Thủ tướng dẫn chứng: Nghị quyết 77 bắt buộc các cơ sở giáo dục phải dành một phần tiền học phí tài trợ học bổng cho các đối tượng chính sách và có hoàn cảnh khó khăn, tăng số người được nhận học bổng, sau 3 năm thực hiện tự chủ thì quỹ học bổng này phải tăng lên 3 lần… Chất lượng cao thì phải trả phí cao hơn theo nguyên tắc thị trường. Nhưng người thuộc diện chính sách, khó khăn thì có chính sách kèm theo, chúng ta không nên có lo lắng.

Về cơ hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, có mối liên hệ mật thiết giữa đổi mới sáng tạo của cơ sở ĐH và tự chủ. Nếu một cơ sở có quyền tự chủ ngày càng cao về học thuật, tài chính, bộ máy thì sự năng động, sáng tạo và đổi mới và chất lượng sẽ tăng theo tỉ lệ thuận của tự chủ. Còn thách thức chính là làm sao tận dụng được các cơ hội này, trong đó thách thức nhất chính là đổi mới về quản trị, ngoài ra cần có trách nhiệm giải trình với xã hội.

         ĐH Quốc gia TPHCM phải vào top 500 ĐH hàng đầu thế giới

Phát biểu tại lễ khai khóa, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Trong hơn 24 năm hình thành và phát triển, ĐH Quốc gia TPHCM là một hệ thống lớn với 36 đơn vị trong đó gồm 8 trường thành viên (vừa thêm Trường ĐH An Giang), với đội ngũ nguồn lực hơn 6.000 người gồm 1.300 Tiến sĩ, 400 Giáo sư - Phó Giáo sư, đáp ứng nhu cầu đào tạo của hơn 70.000 sinh viên chính quy, hơn 8.000 học viên cao học và nghiên cứu sinh. Hướng tới hình thành một khu đô thị ĐH thông minh kiểu mẫu đầu tiêu ở nước ta. So với các ĐH khác thì ĐH Quốc gia TPHCM có nhiều cơ hội để phát triển hơn vì đã đầu tư xây dựng cơ sở gần như đã thành hình.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói chuyện với sinh viên về tự chủ đại học ảnh 4 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ  thăm hỏi, chúc các em tân sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM học tốt. Ảnh: THANH HÙNG

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, ĐH Quốc gia TPHCM đã đóng góp trong việc tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước chính sách quốc gia về chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước.

Là ĐH tiên phong triển khai thí điểm các mô hình công nghệ mới trong giáo dục và đào tạo, góp phần đổi mới giáo dục đào tạo đại học, phát triển kinh tế, xã hội nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước chuyển hóa và phát triển các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.

ĐH Quốc gia TPHCM là một trung tâm khoa học lớn được sự tín nhiệm và hỗ trợ của các bộ ngành và địa phương đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ trong nhiệm vụ nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ phát huy sức mạnh hệ thống.

Với những điều kiện hiện có, Phó Thủ tướng mong muốn ĐH Quốc gia TPHCM tiếp tục phấn đấu và hướng đến mục tiêu lọt vào top 500 ĐH hàng đầu thế giới và 100 ĐH hàng đầu châu Á.

Tin cùng chuyên mục