Nguyên nhân chính là nhờ các doanh nghiệp (DN) của thành phố nói chung, DN bình ổn thị trường nói riêng đã có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn hàng nhằm ổn định giá bán, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tươi sống tại Co.opmart. Ảnh: THÀNH TRÍ
Đảm bảo cung ứng đủ hàng
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết trong đêm 21-9, lượng hàng hóa về chợ đạt mức 2.800 - 2.900 tấn/đêm, tăng bình quân 100 tấn so với mức bình quân của những ngày trước đó. Trong đó, riêng lượng thịt heo về chợ khoảng 5.400 - 5.600 con/đêm, tương đương mức hơn 400 tấn/đêm. Do lượng hàng về chợ nhiều nên giá bán nhiều mặt hàng vẫn ổn định, giá thịt heo bán sỉ giảm bình quân khoảng 5.000 đồng/kg. Cụ thể, sườn non heo chỉ còn 90.000 đồng/kg, giò heo trước 55.000 đồng/kg, thịt đùi 50.000 đồng/kg…
Theo ông Dũng, qua nắm bắt tình hình chuẩn bị hàng hóa từ các thương lái, nhà vườn thì lượng hàng hóa, đặc biệt là rau củ quả rất đa dạng nên dù thời tiết thất thường cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung hàng nông sản. Hiện các đầu mối đã chủ động đặt hàng cho đối tác để đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng, đúng tiến độ trong các tháng cuối năm.
Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên (tỉnh Lâm Đồng), cho biết tuy mưa nhiều nhưng không tác động đến các loại củ quả; riêng các loại rau ăn lá như cải bó xôi, xà lách các loại bị ảnh hưởng nhẹ.
Theo phân tích của ông Nguyễn Lam Sơn, những năm gần đây, các nhà vườn tại Lâm Đồng đã có sự đầu tư vào chiều sâu trong sản xuất. Đối với các mặt hàng rau ăn lá, chủ yếu được gieo trồng trong nhà lưới nên vừa tránh được sâu bọ vừa hạn chế thiệt hại trong mùa mưa lũ. Đối với các loại củ quả cũng được nhà vườn tính toán để xuống giống, đảm bảo thu hoạch đúng thời hạn, ổn định về chất lượng.
Các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở khu vực TPHCM chuyên cung cấp rau quả cho chương trình bình ổn giá, cũng cho hay, do TPHCM đang bước vào cao điểm của mùa mưa nên hầu hết các đơn vị đều phải tính toán thật kỹ việc trồng rau gì, ở đâu nhằm ổn định sản xuất, bảo toàn nguồn cung cho thị trường TP. Mặt khác, các HTX cũng đã tính đến việc tăng diện tích gieo trồng để đề phòng nếu mưa lớn kéo dài vẫn có đủ lượng hàng, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá cục bộ.
Tại các DN chuyên cung cấp thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm như Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Vissan, Saigon Food… cũng đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để đáp ứng kịp thời ra thị trường. Theo các DN, do thị trường đang bước vào giai đoạn mua sắm thấp điểm nên lượng hàng hóa tiêu thụ rất chậm. Để tránh tình trạng ùn ứ, đặc biệt là ở nhóm hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, các DN đang theo dõi sát sức mua và nhu cầu thị trường để cung ứng lượng hàng hóa vừa đủ, đồng thời lên kế hoạch phát triển tổng đàn cho những tháng cuối năm.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại các chợ bán lẻ, nguồn cung thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thủy hải sản rất dồi dào, giá bán tương đối ổn định.
Kích cầu tiêu dùng
Tính đến ngày 22-9, các chương trình khuyến mãi cao điểm trong tháng 9 nhằm hưởng ứng Tháng khuyến mãi 2017 đã đi được hơn 2/3 chặng đường, nhưng theo các DN, sức mua chung trên thị trường vẫn rất chậm. Tại nhiều DN, doanh thu trong tháng khuyến mãi chưa đạt được mục tiêu đặt ra. Do vậy, để kích cầu tiêu dùng, đẩy nhanh lượng hàng tồn, thu hồi vốn để chuẩn bị bước vào đợt sản xuất cao điểm cho dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các nhà cung cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhà phân phối đưa thêm các mặt hàng vào diện khuyến mãi, giảm giá.
Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra trên cả nước áp dụng giảm giá mạnh cho hơn 3.000 sản phẩm thương hiệu Co.opmart do siêu thị phối hợp các thương hiệu uy tín trong nước sản xuất. Đây được xem là đợt giảm giá bán hàng nhãn riêng lớn nhất trong năm của Saigon Co.op. Các mặt hàng trong danh sách giảm giá đa số là hàng thiết yếu phục vụ bữa ăn và sinh hoạt hàng ngày của người tiêu dùng gồm dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, gạo thơm, cá hộp, bánh phồng tôm, bột giặt, nước rửa chén, nước giặt, bột giặt, nước lau sàn, các sản phẩm thời trang cao cấp dành cho cả người lớn và trẻ em. Riêng một số sản phẩm may mặc và dệt còn có chương trình giảm giá gần 1/2 khi mua sản phẩm thứ 2; tặng điểm thưởng từ 3 đến 5 lần cho khách khi mua sản phẩm Co.opmart trong hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile và HTVCo.op.
Bên cạnh đó, tại các hệ thống phân phối lớn khác như Big C, Lotte Mart, Aeon Mall, Aeon Citimart… cũng đang thực hiện các chiến lược khuyến mãi đối với nhiều mặt hàng để kích cầu, trong đó khuyến mãi ấn tượng nhất là giảm giá bán tới 50% đối với nhóm các mặt hàng gia dụng. Đây cũng là dịp để người tiêu dùng có thể mua sắm được nhiều sản phẩm có chất lượng cao, giá rẻ.
Liên quan đến việc giá xăng liên tục điều chỉnh tăng, ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết tại siêu thị Co.opmart vẫn chưa điều chỉnh tăng giá bán bất cứ mặt hàng nào. Chủ trương của siêu thị là phối hợp với các nhà cung cấp giữ giá và giảm giá để giảm áp lực chi tiêu của người tiêu dùng.
Mặt khác, siêu thị cũng như chưa nhận được đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp. Trong trường hợp có đề nghị tăng giá, Saigon Co.op sẽ xem xét cẩn trọng trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Các nhóm hàng thiết yếu như đường, thịt, trứng, gạo… vẫn được hệ thống Co.opmart đảm bảo ổn định giá theo đúng cam kết với thành phố.
Tại phiên họp thường kỳ mới đây, Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, trong tháng 9 và những tháng tiếp theo, thị trường có thể có những biến động do tình hình mưa bão. Tuy nhiên, một số mặt hàng thiết yếu được chuẩn bị chu đáo và tương đối dồi dào về nguồn cung nên sẽ không có những biến động lớn.
Để đảm bảo thị trường ổn định, Tổ Điều hành thị trường trong nước có 3 kiến nghị gửi các các địa phương và bộ, ngành.
Thứ nhất, do đang trong mùa mưa bão lũ nên các địa phương cần có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng từ kinh phí phòng chống thiên tai. Trong trường hợp gặp khó khăn về nguồn hàng, cần thông báo ngay cho Bộ Công thương để thực hiện việc điều tiết hàng hóa kịp thời cho các vùng dân cư bị cô lập khi bị ngập lụt, đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân.
Thứ hai, để chuẩn bị nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng để phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng các dịp lễ, tết cuối năm, các địa phương cần lên kế hoạch chỉ đạo DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, chủ động nguồn cung, tránh tăng giá cục bộ.
Thứ ba, các bộ ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành thị trường và giá cả các loại hàng hóa do Nhà nước quản lý, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội với công tác điều hành, bình ổn thị trường hàng hóa.