Phối hợp giữa bệnh viện công và tư: Khó cả cơ chế lẫn ý chí

Các bệnh viện (BV) công ở Hà Nội và TPHCM luôn ở trong tình trạng quá tải, người bệnh bức xúc khi đi khám bệnh như bị “hành xác”. Trong khi đó, các BV tư không chỉ cơ sở vật chất khang trang mà còn có đội ngũ cán bộ y tế giỏi, phục vụ tận tình nhưng lại chịu cảnh đìu hiu “chợ chiều”. Sự mâu thuẫn này là bài toán nan giải về xung đột quyền lợi giữa y tế công - tư, khiến người bệnh phải chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Phối hợp giữa bệnh viện công và tư: Khó cả cơ chế lẫn ý chí

Các bệnh viện (BV) công ở Hà Nội và TPHCM luôn ở trong tình trạng quá tải, người bệnh bức xúc khi đi khám bệnh như bị “hành xác”. Trong khi đó, các BV tư không chỉ cơ sở vật chất khang trang mà còn có đội ngũ cán bộ y tế giỏi, phục vụ tận tình nhưng lại chịu cảnh đìu hiu “chợ chiều”. Sự mâu thuẫn này là bài toán nan giải về xung đột quyền lợi giữa y tế công - tư, khiến người bệnh phải chịu thiệt thòi nhiều nhất.

        Nghịch cảnh thường ngày

"Quan điểm của Bộ Y tế là không phân biệt công - tư, coi 2 khối luôn bình đẳng, ở đâu cũng là nơi phục vụ bệnh nhân. Bộ cũng sẽ làm “cầu nối” để điều tiết giữa 2 khối bệnh viện vốn rất khó “bắt tay” hợp tác này, mục đích cuối cùng là giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh"

Bộ trưởng Bộ Y tế
Nguyễn Thị Kim Tiến

Khoa Khám bệnh, BV Nhi Trung ương luôn đông bệnh nhân. Những dãy ghế ngồi chờ trước cửa các phòng khám, có hàng chục ông bố, bà mẹ và trẻ nhỏ, kẻ đứng người ngồi vạ vật cùng với tiếng khóc ngặt nghẽo của trẻ khiến không gian trở nên lộn xộn và ngột ngạt. Ôm đứa trẻ chừng 3 tuổi đang ho rũ rượi, chị Hương (ở Ninh Giang, Hải Dương) mệt mỏi nói: “Sao BV đông thế! Em đưa cháu tới viện gần 2 tiếng ngồi chờ rồi mà vẫn chưa tới lượt được khám”.

Quá tải, chật chội đang là thực trạng diễn ra hàng ngày tại nhiều BV công lập đa khoa và chuyên khoa ở Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương. Theo nhận xét của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tình trạng quá tải trầm trọng đang diễn ra tại nhiều cơ sở y tế công lập. Đến mức ngay cả khoa điều trị theo yêu cầu hay khu dịch vụ của BV công cũng luôn chật kín người bệnh. Còn Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết: Tại BV công, công suất sử dụng giường bệnh luôn trên 120%. Thậm chí những chuyên khoa như ung bướu, nhi, chấn thương, huyết học... công suất sử dụng giường bệnh lên tới 200% - 300%.

Trái ngược với tình trạng người bệnh “đông như trẩy hội” ở BV công thì nhiều BV tư ở Hà Nội, TPHCM dù cơ sở vật chất rất khang trang, sạch đẹp chẳng kém gì khách sạn 4-5 sao nhưng lại có quá ít người bệnh tới khám chữa bệnh. Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết: Trong 10 năm qua, số bệnh viện tư đã tăng từ 40 BV lên 170, chiếm khoảng 11% trong tổng số BV của cả nước. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là công suất sử dụng giường bệnh của các BV tư chỉ khoảng 40-60%, tỷ lệ khám chữa bệnh mới chiếm gần 7% số bệnh nhân điều trị ngoại trú và 6% số bệnh nhân điều trị nội trú. Riêng khám BHYT ở BV tư chỉ phục vụ chưa đầy 4% lượt người bệnh tới khám.

        Bao giờ “bắt tay”

Lý giải cho sự bất hợp lý trên, nhiều ý kiến từ phía BV công cho rằng, BV tư chưa thu hút được người bệnh là do giá dịch vụ y tế còn quá cao trong khi chất lượng khám chữa bệnh chưa khẳng định được thương hiệu. “Muốn thu hút bệnh nhân, trước hết BV phải lấy được niềm tin của người bệnh. Bệnh nhân vào BV là để chữa bệnh chứ không phải vào để được nằm điều hòa, xem ti vi. Tất nhiên có thì tốt nhưng quan trọng vẫn là hiệu quả điều trị” - TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai, thẳng thắn nhận xét. Còn BS Trần Văn Thuấn - Phó Giám đốc BV K Trung ương lại cho rằng, các BV tư phải phấn đấu, vươn lên để nâng cao chất lượng nhân lực. Các BV công sẵn sàng đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, nhưng vấn đề là các cơ sở tư nhân có tiếp nhận được hay không? Riêng BV Chợ Rẫy còn đề xuất tính đủ giá viện phí (hiện còn bao cấp 4/7 thành phần) để giảm chênh lệch về giá giữa BV công và tư, tạo sự cạnh tranh hợp lý.

Trong khi đó, các BV tư lại đưa ra lý do sở dĩ họ phải chịu cảnh “chợ chiều” là do BV công không chịu “nhả” người bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân Thanh Hóa, đại diện BV Đa khoa Hợp Lực, nhiều BV công dù quá tải nhưng vẫn không muốn chuyển bệnh nhân sang BV tư, do sợ giảm nguồn thu. “Nếu họ chuyển, tôi tin chắc sẽ giảm tải được cho BV công” - ông Đệ bày tỏ.

Không ít bệnh viện công quá tải đến mức người bệnh phải nằm ngoài hành lang.

Không ít bệnh viện công quá tải đến mức người bệnh phải nằm ngoài hành lang.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo Bộ Y tế bày tỏ quan điểm và mong muốn có sự hợp tác giữa các BV công – tư để giảm quá tải và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Ông Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế sẽ có chính sách quyết liệt để giảm tải BV công, xây dựng đề án hợp tác công - tư theo nguyên tắc đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu: “BV công có thầy thuốc giỏi thì chia sẻ với BV tư về nhân lực, uy tín và chuyên môn. Còn BV tư chia sẻ với BV công về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của cả 2 phía BV công và tư đều cho rằng khó có thể “bắt tay” nhau nếu như vấn đề quyền lợi ở mỗi bên không được giải quyết thấu đáo. Nhiều BV công dù quá tải nhưng vì cơ chế tự chủ tài chính phải cân đối thu - chi nên vẫn muốn “giữ” người bệnh. Thậm chí, nhiều BV còn muốn “được” quá tải, đông bệnh nhân hơn để có thêm nguồn thu. “Không bao giờ có sự phối hợp giữa BV công và tư vì ảnh hưởng đến quyền lợi. Mà việc này nếu làm không khéo sẽ trở thành lợi ích nhóm trong BV” - đại diện một BV công của tỉnh Nghệ An bày tỏ. Còn ông Nguyễn Văn Đệ đề nghị, Bộ Y tế nghiên cứu xóa bỏ quy định giấy chuyển tuyến trong phạm vi tỉnh, chỉ nên sử dụng giấy chuyển tuyến lên các BV trung ương, đừng để giấy chuyển tuyến như một rào cản vô hình để một số người có thẩm quyền lạm dụng vì mục đích cá nhân.

TRUNG KIÊN

Tin cùng chuyên mục