Phòng chống bệnh tay chân miệng: Kẹt... truyền thông

Người lành cũng mang bệnh
Phòng chống bệnh tay chân miệng: Kẹt... truyền thông

Trong khi bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng vẫn vướng mắc trong các biện pháp phòng chống. Mặc dù truyền thông được thừa nhận có vai trò đặc biệt phòng chống dịch bệnh nhưng công tác này còn hạn chế. Đó là ghi nhận tại hội nghị triển khai ứng phó khẩn cấp phòng chống bệnh tay chân miệng với sự tham dự của 32 tỉnh thành có ca bệnh do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức ngày 26-8 tại TPHCM.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng được điều trị tại BV Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: Tg.Lâm

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng được điều trị tại BV Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: Tg.Lâm

Người lành cũng mang bệnh

Báo cáo tình hình dịch bệnh khu vực phía Nam, BS Phan Công Hùng, Khoa Y tế công cộng Viện Pasteur TPHCM, cho biết trong tuần qua đã có thêm gần 2.000 ca mắc, nâng số từ đầu năm đến nay là gần 28.000 ca ở 20 tỉnh thành.

Theo BS Hùng, điều tra dịch tễ cho thấy hiện một số tỉnh đang có bệnh tay chân miệng lây lan phức tạp là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre. Dù các địa phương đã cố gắng phòng chống nhưng theo BS Hùng vẫn còn nhiều hạn chế như không giám sát được đặc điểm dịch tễ, xử lý ổ dịch chưa triệt để, sử dụng hóa chất diệt khuẩn Cloramin B không hiệu quả. Quan ngại hơn là dù đã có hàng chục ngàn ca mắc tay chân miệng nhưng không xác định được tuýp virus lưu hành chủ yếu trên bệnh nhân tay chân miệng.

“Bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm và thường có 2 đỉnh dịch. Một là từ tháng 5-6 và hai là từ tháng 9-10. Vì vậy không loại trừ trong tháng 10 tới dịch bùng phát mạnh”, BS Hùng băn khoăn.

Trong khi đó, BS Lê Văn Tuân, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng loại virus gây bệnh tay chân miệng là Enterovirus 71 (EV71) nhân lên trong đường tiêu hóa và thải ra phân trong khoảng thời gian từ 2 - 6 tuần, đôi khi kéo dài đến 12 tuần sau khi nhiễm virus.

Virus gây bệnh tay chân miệng cũng nhân lên tại đường hô hấp và được tìm thấy trong phết họng đến 2 tuần sau nhiễm. Do vậy virus lây truyền cả theo 2 đường phân, miệng và đường hô hấp qua dịch tiết khi tiếp xúc trực tiếp người - người như giọt bắn của nước bọt hoặc qua trung gian dùng chung khăn, chung vật dụng đã vấy nhiễm virus...

“Những cơ chế lây lan đó cho thấy mức độ nguy hiểm bùng phát của bệnh tay chân miệng nếu không kiểm soát tốt”, BS Tuân nói. Điều các chuyên gia y tế quan ngại là hiện người lành cũng có thể mang bệnh. Đó là việc nhiều ca bệnh tay chân miệng thời gian qua được phát hiện không có triệu chứng, góp phần lây lan bệnh tại các nhà trẻ. Và điều này đã được minh chứng ở Đài Loan (Trung Quốc) khi có tới 71% bệnh nhân mắc EV71 không có triệu chứng.

“Hiện chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu loại virus gây bệnh tay chân miệng. Do vậy, việc phòng chống phải dựa vào các biện pháp can thiệp bằng y tế công cộng, chủ yếu là cắt đứt chuỗi lây truyền của virus, nhờ đó giảm được các ca bệnh nặng và giảm tử vong”, BS Tuân đề xuất.

Hạn chế trong truyền thông

Một trong những biện pháp kéo giảm ca mắc bệnh tay chân miệng được nhiều chuyên gia y tế đồng tình là tăng cường nhận thức, hiểu biết phòng bệnh cho cộng đồng. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa, địa phương đã ghi nhận gần 1.800 ca mắc và 2 ca tử vong, không chỉ bệnh lây lan ở thành phố mà nhiều huyện miền núi cũng có nhiều ca mắc. Điển hình như huyện miền núi Triệu Sơn dân trí còn thấp, mạng lưới y tế mỏng, tình hình vệ sinh kém nên rất khó phổ biến kiến thức phòng bệnh cho người dân.

Trong khi đó, là địa phương tập trung nhiều công nhân, nhất là vợ chồng có con nhỏ, tỉnh Bình Dương đang đối mặt với nguy cơ bùng phát bệnh tay chân miệng do việc truyền thông cho đối tượng công nhân gặp không ít khó khăn. Bà Đặng Thị Ngọc Huyến, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bình Dương nói, toàn tỉnh đã có gần 1.400 ca mắc, 9 ca tử vong nhưng truyền thông còn… khiêm tốn bởi công nhân đi làm suốt, không tiếp cận được.

“Sắp tới sẽ tổ chức ngày hội truyền thông về bệnh tay chân miệng vào ngày chủ nhật để công nhân tham dự. Mỗi tuần thực hiện tại một huyện”, bà Huyền cho biết. Thế nhưng, điều bà Huyền lo lắng là kinh phí ít, cần hỗ trợ tài liệu, tờ rơi để phát cho công nhân hoặc hỗ trợ xà bông, dung dịch diệt khuẩn.

Tương tự, đại diện các tỉnh Đồng Nai, Quảng Ngãi cũng than thở vì các biện pháp truyền thông phòng chống dịch tay chân miệng chưa mấy hiệu quả, nhất là ở các vùng nông thôn. “Nói hô hào rửa tay nhưng người dân chưa hiểu rửa tay thế nào cho đúng. Bảo diệt khuẩn bằng Cloramin B nhưng sử dụng thế nào cũng không biết”, đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai trần tình.

Qua khảo sát các bà mẹ đưa con nhỏ đến khám và điều trị tại các BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TPHCM và đến chích ngừa tại Viện Pasteur TPHCM, BS Hồ Thị Kim Ngân (Viện Pasteur TPHCM) không khỏi băn khoăn vì chỉ 13% người dân biết thực hành rửa tay phòng chống dịch bệnh.

Với tình trạng này, BS Ngân tỏ ra nghi ngờ việc thông tin tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh cho người dân. Hạn chế này, theo BS Ngân, bất cập đến từ các địa phương. “Một lần phát trên truyền hình về phòng dịch bệnh cũng phải mất 20 triệu đồng như quảng cáo thì ngân sách đâu ra? Chưa tính là phát vào những giờ không ai xem làm sao hiệu quả. BS Ngân thắc mắc.

Do đó, theo các chuyên gia y tế, địa phương cần gắn kết với đài truyền hình để thông tin miễn phí và đúng vào các “giờ vàng” mới hiệu quả. Đồng thời, thông tin tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.

Bà Dương Hồng Hóa, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, khẳng định nguyên nhân chính gia tăng ca bệnh tay chân miệng là ý thức người dân chưa cao do chưa tiếp nhận được kiến thức, kỹ năng vệ sinh phòng dịch. Bà Hóa cũng cho biết, 80% dân số không rửa tay trước khi ăn và sau khi ăn, mặc dù hành vi đơn giản này được khuyến cáo sẽ giảm 30%-47% nguy cơ lây bệnh.

Gia Phú


  • Hà Nội: Trên 167 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng

Ngày 26-8, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, đến nay toàn TP ghi nhận trên 167 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 88 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện, thị xã. Chưa có trường hợp tử vong nào. Hiện trung bình, mỗi tuần, tại Hà Nội ghi nhận thêm khoảng 30 ca mắc mới. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban ngành và các quận, huyện trên toàn thành phố ra quân thực hiện đợt tổng vệ sinh phòng chống dịch bệnh tay chân miệng kéo dài từ ngày 28-8 tới 10-9.

N.Quốc

Tin cùng chuyên mục