Phòng chống cháy nổ ở trường học: Khó trăm bề

Sau Tết Nguyên đán 2014, TPHCM sẽ bước vào cao điểm mùa khô với nhiều nỗi lo về công tác phòng chống cháy, nổ. Đặc biệt đối với các cơ sở trường học, nơi có số lượng học sinh tập trung tương đối lớn nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) không phải nơi nào cũng đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Phòng chống cháy nổ ở trường học: Khó trăm bề

Sau Tết Nguyên đán 2014, TPHCM sẽ bước vào cao điểm mùa khô với nhiều nỗi lo về công tác phòng chống cháy, nổ. Đặc biệt đối với các cơ sở trường học, nơi có số lượng học sinh tập trung tương đối lớn nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) không phải nơi nào cũng đạt tiêu chuẩn theo quy định.

        Mỗi quận chỉ có vài trường thí điểm

Vừa qua, Trường Tiểu học Trương Quyền (quận 3) đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy quận 3 diễn tập PCCC cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên và hơn 1.200 học sinh toàn trường. Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Yến, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Mục đích của buổi diễn tập là nhằm trang bị kỹ năng phòng chống cháy nổ cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh toàn trường. Qua buổi diễn tập, từng bộ phận sẽ rút tỉa được nhiều kinh nghiệm, biết cách xử trí tình huống khi có hỏa hoạn xảy ra”.

Được biết, đây là lần đầu tiên nhà trường tổ chức diễn tập PCCC, thay vì chỉ xây dựng phương án lý thuyết như mọi năm. Để đảm bảo tính “làm giả như thật”, toàn bộ giáo viên và học sinh toàn trường chỉ được thông báo sẽ có buổi diễn tập nhưng không biết thời gian cụ thể. Khi chuông báo cháy bất ngờ reo, toàn trường sẽ nhanh chóng tiến hành công tác di tản học sinh, mở cửa thoát hiểm và hỗ trợ lực lượng cảnh sát PCCC dập lửa, ứng cứu người bị nạn y như khi hỏa hoạn xảy ra thật. Đánh giá về chất lượng buổi diễn tập, ông Nguyễn Bá Nghị, Trưởng công an phường 13, quận 3 cho biết: “Buổi diễn tập đã phần nào trang bị cho học sinh ý thức bình tĩnh khi xảy ra hỏa hoạn, biết cách di chuyển trật tự, kịp thời theo hướng dẫn của người lớn. Tuy nhiên, do làm chưa nghiêm công tác phổ biến nên vẫn còn tình trạng học sinh hò reo, vỗ tay tỏ ý vui mừng, sau khi di tản các em tập trung quá đông trước cổng trường gây khó khăn cho công tác cứu hộ của lực lượng cảnh sát PCCC…”.

Một buổi diễn tập PCCC tại Trường Tiểu học Trương Quyền (quận 3 TPHCM).

Một buổi diễn tập PCCC tại Trường Tiểu học Trương Quyền (quận 3 TPHCM).

Có thể nói buổi diễn tập diễn ra chưa đầy 20 phút nhưng đã giúp các lực lượng chức năng, lãnh đạo và toàn thể học sinh của đơn vị rút ra nhiều bài học bổ ích. Song, tiếc là danh sách các trường tổ chức diễn tập PCCC như thế chưa nhiều. Mỗi quận chỉ có vài ba đơn vị diễn tập thí điểm như quận 5 có Trường Tiểu học Phùng Hưng, THCS Lý Phong, THCS Trần Bội Cơ; quận 3 có Trường Tiểu học Lương Định Của, THPT Nguyễn Thị Minh Khai; quận 1 có Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa… Các trường còn lại chỉ có phương án thoát hiểm trên giấy chứ chưa một lần thực tế tổ chức diễn tập. Nguy hiểm hơn, có trường cứ đến giờ ra chơi, chuông báo cháy lại reo inh ỏi do sự nghịch phá của học sinh. Khi xảy ra hỏa hoạn thật, tín hiệu chuông báo cháy không còn tác dụng, giáo viên và học sinh thiếu kiến thức ứng biến với tình huống khẩn cấp, thiệt hại sẽ vô cùng.

        Lỗ hổng của những quy định

Vấn đề bất cập hiện nay là theo quy định, những trường học, cơ sở giáo dục từ ba tầng trở lên hoặc có khối tích tổng cộng từ 5.000m3 trở lên, nhà trẻ, mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên hoặc có khối tích tổng cộng từ 1.000m3 trở lên mới được thẩm duyệt về an toàn PCCC. Những nơi còn lại, công tác PCCC chủ yếu dựa vào ý thức và sự chủ động của người đứng đầu đơn vị. Do đó mới xảy ra tình trạng nơi diễn tập một năm 2, 3 lần nhưng có nơi nhiều năm chưa từng bao giờ diễn tập. Vừa qua, Sở GD-ĐT TPHCM đã có công văn đề nghị lãnh đạo các đơn vị trường học tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức về PCCC cho cán bộ, giáo viên, học sinh - sinh viên trong đơn vị, thường xuyên tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn để kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót và đề ra biện pháp xử lý nhằm hạn chế nguy cơ cháy, nổ. Đặc biệt, trong các ngày cao điểm Tết Nguyên đán và cao điểm mùa khô phải duy trì chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu ở mức độ cao, đảm bảo xử lý kịp thời và có hiệu quả mọi tình huống cháy, nổ.

Lý do được nhiều lãnh đạo đơn vị đưa ra để giải thích vì sao ít tổ chức diễn tập PCCC là không có thời gian và tài chính tổ chức các buổi diễn tập. “Hàng tháng, học sinh đều được tham gia ít nhất hai hoạt động chuyên đề về ma túy, cứu hộ, cứu nạn nên thời gian dành cho phòng chống cháy nổ rất ít. Nếu tổ chức thì phải nhiều lần chứ không thể một lần mà hướng dẫn hết tất cả học sinh”, hiệu trưởng một trường THCS ở quận 2 bày tỏ. Do đó, dù nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC nhưng nhiều trường chưa thể thực hiện. Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Bình Tân kiến nghị, nên chăng có văn bản hướng dẫn và quy định chung của Sở GD-ĐT về công tác diễn tập PCCC cho tất cả các trường thực hiện. “Bởi chỉ khi thành quy định thống nhất, các trường mới đồng loạt thực hiện. Bằng không chỉ dựa vào sự kêu gọi và điều kiện riêng của mỗi trường thì bảo đảm đơn vị nào cũng kêu khó”, vị này khẳng định.

Theo Th.S Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên của Sở GD-ĐT TPHCM, công tác phòng chống cháy nổ là hoạt động nằm trong chương trình “Đảm bảo công tác an toàn trường học”. Theo đó, trong các buổi sơ kết hay giao ban, Sở GD-ĐT luôn chỉ đạo các trường thực hiện trang bị các thiết bị phòng chống cháy nổ, xây dựng phương án tập luyện và tổ chức tổng diễn tập cho học sinh ít nhất 1 lần/năm học. Song hiện nay, các trường mới chỉ xây dựng phương án trên giấy, còn tổng diễn tập thì nơi không, nơi có. Cũng theo ông Huy, các trường không nhất thiết phải mời đội cảnh sát PCCC về trường gây tốn kém về mặt kinh phí. Thay vào đó, chỉ cần tạo hiện trường giả là một đám cháy nhỏ ở gầm cầu thang, căng tin trong sân trường, có sự tham gia hỗ trợ chuyên môn của đội PCCC cũng đủ làm nên một buổi diễn tập, giúp học sinh có kiến thức về phòng chống cháy nổ.

Ước tính toàn TPHCM hiện có khoảng 1/3 số trường học nằm trong các khu dân cư, chợ, hẻm, nguy cơ cháy nổ cao. Trong khi đó, công tác phòng chống cháy nổ chưa được các trường quan tâm đúng mức. Khi xảy ra hỏa hoạn rất dễ xảy ra tình trạng hoảng loạn, giẫm đạp lên nhau để thoát thân.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục