Phòng chống lây nhiễm virus Hanta từ chuột

Liên quan tới một số người bị nhiễm virus Hanta gây suy thận cấp do chuột cắn tại TPHCM, TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu rõ, đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người do chuột bị nhiễm virus cắn hoặc do hít phải các chất thải của chuột có chứa virus Hanta. Đáng chú ý, bệnh không lây từ người bệnh sang người lành.

(SGGP).- Liên quan tới một số người bị nhiễm virus Hanta gây suy thận cấp do chuột cắn tại TPHCM, TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu rõ, đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người do chuột bị nhiễm virus cắn hoặc do hít phải các chất thải của chuột có chứa virus Hanta. Đáng chú ý, bệnh không lây từ người bệnh sang người lành.

Để chủ động phòng chống bệnh do virus Hanta gây ra, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc với chuột và chất thải của chuột. Sử dụng ủng cao su khi đi đến những nơi có chuột sinh sống, ngủ màn để tránh bị chuột cắn. Trường hợp khi phải tiếp xúc với chuột, bẫy chuột hoặc khi vệ sinh khu vực có chuột thì cần đeo khẩu trang, mang găng tay cao su và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc. Dùng hóa chất sát khuẩn thông thường để vệ sinh nơi có chuột sinh sống, hoặc chuột chết.

Khi xử lý chuột đã chết thì người dân cần phải đốt hoặc bỏ vào túi ni lông 2 lớp và chôn ở độ sâu tối thiểu 50cm. Trường hợp bị nhiễm virus Hanta thường có biểu hiện như sốt cao đột ngột, buồn nôn, đau bụng, giảm huyết áp, có dấu hiệu nổi ban trên da, phù mặt, bí tiểu. Một số ít trường hợp có hiểu hiện lâm sàng nặng với hội chứng phổi hoặc hội chứng suy thận cấp có thể dẫn tới tử vong.

Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu các trung tâm y tế dự phòng ở 63 tỉnh, thành phố tăng cường triển khai các biện pháp giám sát và phòng chống nhiễm virus Hanta. Đồng thời, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tăng cường hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật giám sát và phòng chống nhiễm virus Hanta trên địa bàn phụ trách.

Kh.Nguyễn

- Phập phồng sợ chuột gây bệnh

Tin cùng chuyên mục