Phòng ngừa còn hình thức, xử lý chưa đạt yêu cầu

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: Đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu
Phòng ngừa còn hình thức, xử lý chưa đạt yêu cầu

Phòng chống tham nhũng

* Người tố giác tham nhũng có thể được thưởng tới 10 tỷ đồng
* Sẽ quy định trách nhiệm của các Bộ trưởng về ban hành văn bản trái luật

(SGGPO).– Chiều nay, 12-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục phần chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) chất vấn về  việc bổ nhiệm ồ ạt cán bộ TTCP của Tổng TTCP Trần Văn Truyền trước khi về hưu?. TTCP đã xử lý như thế nào?

ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cũng chất vấn làm thế nào để kiểm soát tài sản của cán bộ khi về hưu, vì thực tế sau khi về hưu nhiều cán bộ phát sinh khối tài sản khổng lồ?

Phòng ngừa còn hình thức, xử lý chưa đạt yêu cầu ảnh 1

Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn. Ảnh: Lã Anh

Trả lời điều này, Tổng TTCP khẳng định, đến nay vẫn chưa có quy định cán bộ về hưu phải kê khai tài sản. “Cán bộ tại chức thì chưa phát hiện kê khai tài sản thiếu trung thực. Còn khi về hưu mà phát hiện khối tài sản lớn thì TTCP đang tiếp tục nghiên cứu, làm thế nào để quản lý đồng bộ, kể cả cán bộ thuộc diện kê khai cũng như cán bộ về hưu. Quy định chưa có, nhưng tiếp thu ý kiến ĐBQH, chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất”, ông Tranh nói.

Về thông tin tài sản của nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền giai đoạn 2006-2011, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết, ông Truyền về hưu, thuộc diện TƯ quản lý, sinh hoạt ở Đảng bộ Bến Tre. “Khi báo chí thông tin, TTCP đã chủ động trao đổi với Tỉnh ủy Bến Tre để nắm tình hình về khối tài sản này. Đồng chí Truyền theo diện cán bộ Ban Bí thư quản lý nên Ủy ban Kiểm tra TƯ cũng đang nắm tình hình. TTCP phối hợp với Ủy ban Kiểm tra TƯ để theo dõi vấn đề này. Còn quyết định là thuộc thẩm quyền TƯ”, ông Tranh nhấn mạnh.

Về vấn đề bổ nhiệm cán bộ ồ ạt của nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền tại TTCP trước khi về hưu, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong giai đoạn từ đầu năm 2011 đến tháng 8-2011 có bổ nhiệm 60 cán bộ. “Điều này báo chí đã thông tin, có nhiều điểm chính xác. Việc bổ nhiệm này có xuất phát từ yêu cầu, nhu cầu bổ nhiệm cán bộ thanh tra; trong thời điểm tách các đơn vị mới cần cán bộ. Nhưng đúng là có sơ suất. Như thời gian bổ nhiệm cán bộ chưa đầy đủ, số lượng cấp phó nhiều hơn so với quy định; chứng chỉ, điều kiện, năng lực cán bộ của một số trường hợp chưa đạt yêu cầu”, ông Tranh khẳng định.

Cũng theo ông Tranh, TTCP đã kiểm điểm rất nghiêm túc, đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục kip thời. Trong đó có viêc không bổ nhiệm và bổ nhiệm lại hàm cấp vụ; làm đúng quy định bổ nhiệm hàm cấp phó; với đối tượng tuyển dụng không đúng đã khắc phục nghiêm túc trong quá trình kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: Đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu

Phần trả lời chất vấn của Tổng TTCP rộng, sâu, thẳng thắn, kể các các vấn đề tài sản, tiền bạc, cán bộ đều được công khai, minh bạch.

Đấu tranh PCTN rất cấp bách nhưng cũng lâu dài, các giải pháp khá đồng bộ, có sự tham gia rộng rãi của toàn dân, báo chí. Các cơ quan tư pháp đã vào cuộc tích cực, kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ tham nhũng. Nhưng so với tình hình tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí thì cuộc đấu tranh PCTN chưa đạt yêu cầu, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Việc giải quyết khiếu nại tố cáo tồn đọng đã được TTCP phối hợp với các cấp ngành, địa phương giải quyết tích cực, cơ bản giải quyết hết, đó là kết quả rất tốt. Vẫn còn 36 vụ khiếu nại tố cáo tồn đọng, lâu dài, rất phức tạp, vì vậy cần tiếp tục giải quyết tiếp.

Về lực lượng thanh tra, vẫn có hiện tượng tiêu cực ngay trong chính lực lượng PCTN. Đây là vấn đề nhức nhối mà Đảng, Quốc hội, nhân dân đặt ra. Vì muốn PCTN thành công thì trước hết phải PCTN thành công ngay trong lực lượng nòng cốt này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Sẽ quy định trách nhiệm của các Bộ trưởng về ban hành văn bản trái luật

(SGGPO). - Hôm nay, 12-6, sau khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trao đổi với báo chí về buổi chất  vấn của mình.

* Phóng viên: Sau phần trả lời chất vấn của mình và kết luận của Chủ tịch Quốc hội, ông có cảm nghĩ thế nào ?

* Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Trước hết tôi rất phấn khởi vì Thường vụ Quốc hội đã chọn tôi trả lời chất vấn tại hội trường. Đây là lần đầu tiên trong hai nhiệm kỳ tôi trả lời chất vấn.

Chắc chắn là sau kỳ trả lời chất vấn này, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thưc hiện những điều mà ĐBQH nêu và Chủ tịch Quốc hội đã kết luận. Trách nhiệm của Chính phủ theo Hiến pháp là phải tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật.

* Kế hoạch cụ thể của Bộ Tư pháp sau khi nhận được ĐBQH chất vấn và kết luận của Chủ tịch Quốc hội?

* Tôi đã vừa chỉ đạo ngay anh em tại đây. Thứ nhất, trong sửa đổi Bộ Luật Dân sự sắp tới, phải làm sao rà soát lại một lần nữa nội dung quyền con người, quyền công dân đã được khẳng định trong Hiến pháp, để tạo hành lang pháp lý về quan hệ dân sự kinh tế phù hợp với các quy định của Hiến pháp. Bộ Luật Hình sự sửa đổi sắp tới cũng được rà soát rất kỹ với những quy định đó của Hiến pháp, để làm sao ngoài bảo vệ chế độ, bảo vệ an ninh quốc gia là đương nhiên thì sẽ bảo vệ tốt nhất quyền con người, quyền công dân.

Qua tiếp thu qua chất vấn lần này, chúng tôi sẽ xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hợp nhất cho phù hợp, bảo đảm mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho dự án luật này. Đặc biệt, tôi yêu cầu nghiên cứu bổ sung rất đậm nét vấn đề tổ chức thi hành pháp luật, trách nhiệm của các Bộ trưởng, cũng như của Chính phủ, trong việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, sai về nội dung, trái với quy định của văn bản cấp trên.

* Hiến pháp ban hành có hiệu lực rồi nhưng luật và nhiều văn bản bên dưới chưa phù hợp. Vậy vấn đề này giải quyết thế nào?

* Kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra rồi, nhưng vấn đề đòi hỏi phải có thời gian. Công việc rất đồ sộ, trong khi cái hiểu về Hiến pháp, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp đang còn khác nhau, nên còn có ý kiến chưa thống nhất. Ví dụ như, tòa án thực hiện quyền tư pháp, nhưng quyền tư pháp là gì, khái niệm ra sao trong luật Tổ chức tòa án hiện nay chưa rõ. Hoặc là vấn đề trong Hiến pháp có điều về chính quyền địa phương, nói là chính quyền địa phương, HĐND, UBND đầy đủ hay không đầy đủ, phù hợp với miền núi, đô thị, hải đảo, khu vực kinh tế hành chính đặc biệt. Vậy hiểu ra sao? Hiểu là như nào? Có nơi không có HĐND hay tất cả đều phải có HĐND? Đấy cũng là vấn đề đang bàn luận.

Sắp tới trình Luật tổ chức chính quyền địa phương thì khi đó mới thống nhất về cách hiểu. Bộ Chính trị cũng đã đồng ý để TPHCM, Đà Nẵng thí điểm đơn vị hành chính, có thể chỉ có hai cấp. Nhất là Đà Nẵng, tôi cho là rất cần thiết, vì Đà Nẵng vốn chỉ là một quận. Trên cơ sở đó, nên chỉ có 2 cấp. Ví dụ như Lý Sơn, chỉ có 3 xã, mà thành một huyện, thì có nhất thiết phải có huyện không, hoặc cần là xã thôi, hoặc chỉ là huyện, không có xã nữa. Việc đa dạng đó chúng ta hiểu như nào trong Hiến pháp. Hiến pháp nói là đơn vị hành chính của nước ta được phân chia thành 4 cấp, vậy liệu có phải lúc nào cũng cần 4 cấp mới đúng Hiến pháp hay không. Về nguyên tắc những văn bản trái Hiến pháp từ năm 2014 là phải dừng lại. Nhưng ai rà soát từ khi Hiến pháp thông qua đến khi Hiến pháp có hiệu lực?. Công việc đồ sộ, phức tạp như vậy, thì kết quả rà soát đến bao giờ. Vì vậy, cần phải có thời gian.

PHAN THẢO ghi

Phòng ngừa còn hình thức, xử lý chưa đạt yêu cầu ảnh 2

Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời chất vấn. Ảnh: Lã Anh

 * Trước đó, sáng 12-6, tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu và yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội hôm qua về tác động của 312 văn bản không đảm bảo chất lượng, không khả thi, có dấu hiệu không hợp pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường, cho biết, trong đó có 54 văn bản sai về nội dung, trái với nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ.

Cụ thể, trong đó có 186 văn bản sai căn cứ pháp lý và thể thức trình bày; 64 trái với quy định về hiệu lực của luật; 11 văn bản sai về thẩm quyền; 54 văn bản sai nội dung. Trong 54 văn bản về sai nội dung không có văn bản nào vi hiến mà có 4 văn bản chưa phù hợp với luật, còn lại chưa phù hơp nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, qua rà soát có việc các bộ tiếp tục ban hành văn bản sai nội dung, tinh thần sau khi Hiến pháp mới có hiệu lực. “Đó là điều không thể chấp nhận được dù số lượng không phải cao. Do đó, cần phải kiểm điểm trách nhiệm và tới đây Bộ Tư pháp hàng tháng sẽ có báo cáo để Chính phủ xem xét”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Liên quan đến câu hỏi của ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) về việc thu hồi tài sản các đại án tham nhũng ít, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận công tác này có hạn chế do nước ta chưa có hệ thống đăng ký tài sản tập trung, minh bạch, việc mua bán trả tiền qua thẻ ngân hàng thực hiện chưa nghiêm; có sự cắt khúc trong điều tra, truy tố, xét xử nên tư pháp chưa rõ tài sản thi hành án. Để khắc phục điểm yếu này, sắp tới sẽ hoàn thiện pháp luật, có sự kết nối liên thông giữa cơ quan thi hành án dân sự với cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và có biện pháp khẩn cấp kê biên tài sản.

Bên cạnh đó, trong Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung sắp tới, Chính phủ đã có định hướng, đã làm việc với Ban Nội chính Trung ương và sẽ bổ sung một số tội phạm tham nhũng theo thông lệ quốc tế như: tội làm giàu bất hợp pháp khi không chứng minh được bằng nguồn nào; kê khai tài sản gian dối, tham nhũng trong khu vực tư nhân bởi hiện chỉ khoanh vùng khu vực công. Đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định truy tố pháp nhân, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nhất là trong việc rửa tiền.

Kết luận phần chất vấn Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nhấn mạnh, dù tỷ lệ chậm văn bản nhìn chung có giảm nhưng tính riêng thì 100% là chậm vì có những điều khoản ảnh hưởng đến dân cư không thi hành được vì vướng vào nội dung không có hướng dẫn. Về những hướng dẫn chưa phù hợp, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, “là sai rồi” vì không phù hợp với Hiến pháp, luật. Vừa chậm, vừa sai khi ban hành văn bản, trong đó ban hành sai là “rất nguy hiểm”, ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích dân, doanh nghiệp. Đó là thiếu sót, yếu kém.

* Tiếp đó, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh đã trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, yêu cầu chất vấn Tổng TTCP phải làm rõ được 3 vấn đề: giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) của người dân; giải pháp hữu hiệu để phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực; xây dựng ngành thanh tra mạnh, sắc bén.

Kết luận sai phạm đất đai tại Đà Nẵng: Chính xác, công khai

ĐB Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) chất vấn Tổng TTCP, kết luận thanh tra của TTCP đã chỉ ra những sai phạm về quản lý đất đai tại Đà Nẵng làm thất thoát 3.400 tỷ đồng, nhưng UBND TP Đà Nẵng phủ nhận kết luận đó, làm dư luận phân tâm. Đề nghị cho cử tri biết kết luận của TTCP sau đó có gì thay đổi không, đến nay thực hiện như thế nào?

Theo Tổng TTCP, cơ quan thanh tra đã được nắm tình hình từ năm 2010. Năm 2011, TTCP tiến hành thanh tra trách nhiệm đối với UBND TP Đà Nẵng, sau đó thực hiện thanh tra liên ngành (cả TTCP và Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN Trung ương). Sau khi có dự thảo đã làm việc với UBND TP Đà Nẵng và các bộ ngành nhiều lần. Sau khi ban hành kết luận, Thủ tướng đã có ý kiến đồng ý. Tuy nhiên, do UBND TP Đà Nẵng không đồng ý, nên Thủ tướng đã giao các bộ ngành kiểm tra. “Tuy nhiên, cả Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính đều khẳng định TTCP kết luận đúng pháp luật, có cơ sở. Thủ tướng đã giao Bộ Công an làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái về chuyển nhượng đất đai và đầu tư dự án. Vì vậy, kết luận của TTCP là đủ căn cứ pháp luật, trên cơ sở quy định của Nhà nước. Kết luận của TTCP là công khai, đúng”, Tổng TTCP nói rõ.

Cũng theo ông Huỳnh Phong Tranh, sau khi có kết luận, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra TƯ kiểm tra dấu hiệu vi phạm của Ban cán sự Đảng Đà Nẵng giai đoạn đó. Hiện UBND TP Đà Nẵng đã thực hiện kết luận thanh tra và đã có báo cáo, trong đó có việc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân có liên quan giai đoạn 2011-2013, trong đó có trách nhiệm của các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Tài sản của Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh: Ủy ban Kiểm tra TƯ đang xác minh

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn, dư luận đã nêu 1 vị Phó Tổng TTCP có quá nhiều tài sản, trong đó có cổ phiếu ở một đơn vị mà TTCP từng đến thanh tra. Dư luận đó có đúng không?.

Về điều này, Tổng TTCP cho biết báo chí đã nêu về vụ việc của Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh. Qua thông tin này, TTCP đã yêu cầu ông Khánh báo cáo, giải trình trước Ban cán sự, tập thể lãnh đạo TTCP, cho thấy kê khai từ năm 2007 đến nay đều đúng quy định. Ông Khánh là cán bộ thuộc diện do Ban Bí thư quản lý, vì thế đến nay Ủy ban Kiểm tra TƯ đã vào kiểm tra, xác minh để có kết luận về vấn đề và báo chí, nhân dân quan tâm.

Đị biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chất vấn trong phiên họp sáng nay. Ảnh: Lã Anh

Đị biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chất vấn trong phiên họp sáng nay. Ảnh: Lã Anh

Người tố giác tham nhũng có thể được thưởng tới 10 tỷ đồng

Phần chất vấn Tổng TTCP sáng nay, nhiều ĐBQH tập trung hỏi về các giải pháp đột phá để PCTN, vì hiện nay hiệu quả PCTN còn rất thấp.

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, công tác phát hiện hành vi tham nhũng, báo cáo cho thấy kết quả xử lý hành vi tham nhũng của lực lượng thanh tra còn hạn chế. “Với điều đó thì tham nhũng đã được đẩy lùi hay thực sự, kết quả phát hiện hành vi tham nhũng của thanh tra ngày càng hạn chế?", ĐB Hiến chất vấn.

Cũng theo ĐB Nguyễn Văn Hiến, về PCTN trong nội bộ ngành, trong 3 năm TTCP kỷ luật 12 công chức, nhưng không có ai liên quan đến tham nhũng. “Đề nghị Tổng TTCP cho biết ý kiến của mình về quan điểm chống tham nhũng trước hết là chống tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng”, ĐB Hiến nêu câu hỏi.

Đây cũng là chất vấn của ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) khi cho rằng, tham nhũng trong lực lượng PCTN gây bất bình trong nhân dân.

“PCTN ngay trong lực lượng PCTN là rất quan trọng, vừa qua đã chống như thế nào và tới đây ra sao ngay trong nội bộ của ngành”, đại biểu Lê Thị Yến chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Tổng TTCP cho rằng, PCTN là việc khó, hết sức hệ trọng của đất nước cũng như sự tồn vong của chế độ. Đánh giá hiện nay cho thấy tham nhũng chưa được chăn chặn, vẫn còn diễn ra phức tạp và ngày càng tinh vi. Tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, việc xử lý tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Dự báo sắp tới, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và tinh vi, khó phát hiện, chiếm tỷ lệ ngày càng lớn. Ngoài ra, thiệt hại doc tham nhũng gây ra rất lớn nhưng thu hồi, xử lý còn thấp, hiện chỉ chiếm 12% trong số tài sản bị tham nhũng. Tham nhũng phát sinh ở nhiều cấp, nhiều ngành, ở nhiều lĩnh vực nhạy cảm, tham nhũng vặt xảy ra thường xuyên ở bộ phận tiếp xúc với nhân dân, doanh nghiệp... Do đó, có thể khẳng định rằng tham nhũng chưa được đẩy lùi, còn diễn biến tinh vi, phức tạp, tiềm ẩn, phải tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn.

Riêng về xử lý nội bộ, Tổng TTCP cho biết, từ 2011-2013, toàn ngành thanh tra có 85 cán bộ công chức bị xử lý trên tổng số 28.000 cán bộ, trong đó có 11 đối tượng bị xử lý hình sự, có 11 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng. TTCP có 12 cán bộ bị xử lý.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) các vụ tham nhũng do thanh tra tự phát hiện ít, chủ yếu là do nhân dân, báo chí phát hiện. Trong khi đó có những người phải bỏ nhiều tiền để tố giác hành vi tham nhũng, vậy ai bù cho họ?.

Tổng TTCP thừa nhận, đúng là như vậy, vì hiện nay qua thanh tra thì thanh tra mới phát hiện hành vi tham nhũng. Điều này là chưa tương xứng với thực trạng. Vì thế tới đây TTCP sẽ cố gắng tiếp thu, đẩy mạnh năng lực của mình để xứng đáng là công cụ phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật ngày càng nhiều hơn.

Tổng TTCP cũng cho biết, hiện nay đang xây dựng thông tư về khen thưởng người tham gia tố giác tham nhũng. Mức khen thưởng tối đa có thể lên tới 10 tỷ đồng, nhưng đây là vấn đề lớn nên sẽ xin ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.

Phòng ngừa còn hình thức, xử lý chưa đạt yêu cầu ảnh 4

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ trong phiên họp sáng nay. Ảnh: Lã Anh

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình: Tôn trọng quyết định của tòa án đối với "bầu" Kiên

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) chất vấn: Vừa rồi Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án đối với ông Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm (bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về 4 tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế và Kinh doanh trái phép). Tại sao không có tình tiết giảm nhẹ nhưng các mức án tuyên đều ở mức thấp của quy định. Mức án đó có đủ sức răn đe để chặn đứng hành vi tiêu cực, tham nhũng hay chưa, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng? Tại sao trong khi đến lúc tuyên án, các bị cáo đều khẳng định mình vô tội, phải chăng vì cách hiểu, cách vận dụng pháp luật đang khác nhau?

Về vụ án này, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho rằng, việc xét xử này thuộc trách nhiệm của cơ quan truy tố xét xử. Việc xét xử này của cơ quan truy tố xét xử là độc lập với TTCP. TTCP trên cơ sở mức độ vi phạm để đưa ra mức án phù hợp.

Sau trả lời của Tổng TTCP, ĐB Sơn đề nghị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo trưởng ngành liên quan trả lời câu hỏi này, vì đây là quan tâm rất lớn của nhân dân.

Tham gia trả lời cầu hỏi của ĐB Sơn, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng, vụ án này đã được đưa ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Tòa án xét xử dựa trên nguyên tắc tranh tụng tại Tòa án, dựa trên các chứng cứ để xét xử đúng người, đúng tội, không làm oan, không để lọt tội. Việc kết án kết hợp nguyên tắc trừng trị và khoan hồng. Tòa án Hà Nội đã xét xử cấp sơ thẩm, Hội đồng xét xử độc lập, chịu trách nhiệm về việc xét xử của mình. Đây là một bản án đã tuyên khá toàn diện. Tôi tôn trọng quyết định của Hội đồng xét xử. Còn nếu có kháng cáo, kháng nghị thì tòa án sẽ tiếp tục xem xét phúc thẩm theo trình tự.

PHAN THẢO

NGỌC QUANG - PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục