Theo cảnh báo của Bộ Y tế, trong và sau bão lũ sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Hơn nữa, mưa lũ và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus trung gian truyền bệnh sinh sôi, gây bệnh cho con người. Những dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ là tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, đặc biệt là nguy cơ dịch Covid-19.
Đối với các bệnh tiêu chảy do vi khuẩn E.coli, tả, lỵ, thương hàn, bệnh viêm gan A thường xuất hiện do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm. Để phòng bệnh cần đảm bảo xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Thực hiện nguyên tắc “Ăn chín, uống chín”, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đảm bảo đủ nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Xử lý tốt nguồn phân, chất thải, rác thải và xác động vật chết. Uống hoặc tiêm vaccine phòng bệnh khi có chỉ định.
Để phòng cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp... cần giữ ấm khi thời tiết lạnh, nhất là ở trẻ em và người già. Hạn chế tiếp xúc với người bị cúm, viêm đường hô hấp. Đảm bảo đủ dinh dưỡng, cơ sở y tế cần chẩn đoán, điều trị kịp thời để hạn chế biến chứng và tử vong.
Đối với bệnh ngoài da, thường gặp là nấm chân tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt. Để phòng bệnh, người dân không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã được khử trùng thì phải đánh phèn hoặc lọc nước bằng cát. Không mặc áo quần ẩm ướt. Không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, gây bệnh ngoài da, bệnh đường tiêu hóa. Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn tù đọng.