Phòng tránh thảm họa

10 người mắc có tới 9 người tử vong, một tỷ lệ tử vong quá cao, thậm chí cao hơn cả bom đạn chiến tranh gây ra đã khiến cho không ít người rùng mình, hoảng sợ. Thế nhưng đó là lại là sự thật khi dịch bệnh do virus Ebola đang hoành hành tại nhiều nước khu vực Tây Phi làm rất nhiều người mắc và tử vong. Thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, từ cuối năm 2013 tới nay, tại khu vực này đã ghi nhận tới 1.800 người bị dính virus Ebola, trong đó đã có gần 1.000 người tử vong.

 Nguy hiểm hơn, căn bệnh này không chỉ xuất hiện ở những bản làng lạc hậu, khu vực dân cư heo hút ở tận châu Phi xa xôi mà loại virus chết người này đang lây lan và không ngừng lan rộng ra nhiều nơi, thậm chí lan tới cả những đất nước phát triển. Tệ hơn, virus Ebola còn lây lan từ người sang người qua tiếp xúc với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh nên vô cùng nguy hiểm.

Trước diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh do virus Ebola gây ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đánh giá đây là vụ dịch lớn nhất trong vòng 4 thập kỷ qua, đồng thời phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong đó đối với các quốc gia đang có dịch bệnh Ebola, WHO yêu cầu người đứng đầu quốc gia cần tuyên bố tình trạng khẩn cấp, kích hoạt cơ chế quản lý thảm họa và tình trạng khẩn cấp quốc gia. Còn đối với các quốc gia chưa ghi nhận có dịch bệnh, WHO cũng khuyến cáo cần chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch xâm nhập và phòng chống lây nhiễm khi có dịch.

Đối với Việt Nam cho tới thời điểm này mặc dù chưa ghi nhận có ca bệnh Ebola nhưng điều đó không có nghĩa là nước ta thoát khỏi được sự xâm nhập của virus Ebola. Theo đánh giá và nhận định của Bộ Y tế, cũng như các chuyên gia dịch tễ, nguy cơ virus Ebola xâm nhập, lây lan vào nước ta là rất cao. Bởi lẽ hiện nay, việc đi lại, giao lưu giữa các quốc gia, cũng như người dân các nước là rất thuận lợi. Hơn nữa, Việt Nam cũng có không ít công dân đang học tập, lao động, công tác tại khu vực châu Phi. Để đối phó và chủ động phòng ngừa trước mối nguy cơ dịch bệnh do virus Ebola xâm nhập, ngành y tế cùng với các bộ ngành chức năng đã kích hoạt mọi hệ thống giám sát theo dõi diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là giám sát tại các cửa khẩu để kịp thời phát hiện ngay những ca bệnh đầu tiên xâm nhập. Bộ Y tế đã nhanh chóng xây dựng và ban hành phác đồ chẩn đoán, điều trị dịch bệnh Ebola, cũng như kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do virus Ebola tại Việt Nam gồm 3 tình huống, kể từ khi chưa ghi nhận ca bệnh cho tới khi xuất hiện ca bệnh lây lan trong cộng đồng để chủ động ngăn chặn và đối phó. Không chỉ có vậy, Thủ tướng Chính phủ cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới vụ dịch nguy hiểm này khi đã kịp thời đã có những chỉ đạo sát sao tới các bộ, ngành và địa phương trong cả nước yêu cầu tập trung cao độ, huy động các lực lượng, chuẩn bị đầy đủ mọi nguồn lực để phòng chống dịch bệnh do virus Ebola gây ra.

Cùng với nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm từ nước ngoài xâm nhập thì tình hình dịch bệnh trên người ở trong nước cũng đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Các dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu... cho dù có số người mắc và tử vong đều giảm so với năm ngoái nhưng không phải là không có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn nếu chúng ta chủ quan, lơ là. Trong khi đó, dịch bệnh viêm não, tiêu chảy cấp lại đang gióng lên hồi chuông báo động khi số người mắc và tử vong có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt là với việc phát hiện khuẩn tả ở trong thực phẩm bán ở các chợ tại TPHCM, cùng với tình trạng ô nhiễm nguồn nước và môi trường sống khiến nguy cơ dịch tả tái phát và lan rộng.

Để dịch bệnh bùng phát và lây lan, chắc chắn ngành y tế sẽ phải chịu trách nhiệm lớn nhất trước sức khỏe và tính mạng của người dân. Vì thế, phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh rõ ràng trách nhiệm chính thuộc về ngành y tế, tiếp đó là các bộ ngành chức năng, chính quyền các cấp rồi mới tới trách nhiệm người dân. Thế nhưng nếu chỉ phó mặc công tác phòng chống dịch bệnh cho một mình ngành y tế thì khó có thể ngăn chặn, phòng chống và dập tắt được dịch bệnh. Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc phòng chống và khống chế được đại dịch SARS năm 2003, tiếp đó là dịch cúm A/H5N1 nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng không ít những bài học đau xót như vụ dịch sởi mới xảy ra đầu năm nay. Rõ ràng dịch bệnh nguy hiểm, virus, vi khuẩn gây hại sẽ không từ bỏ bất cứ ai, bất cứ quốc gia nào nếu chúng ta chủ quan, coi thường, lơ là các hoạt động và biện pháp phòng chống. Dịch bệnh sẽ còn căng thẳng và phức tạp nên ngay lúc này, không chỉ ngành y tế mà các bộ ngành chức năng, chính quyền các cấp và người dân cần phải chủ động và ý thức hơn nữa trong việc phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt đối với người dân cần phải thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo, hướng dẫn của ngành y tế về phòng ngừa dịch bệnh từ những việc đơn giản nhất là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước sạch sẽ... Nếu thực hiện được như vậy, chúng ta không hề phải lo ngại trước bất cứ dịch bệnh nguy hiểm nào.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục