Trong thời gian vừa qua, hàng loạt nghi vấn về việc xâm hại trẻ em đã làm dư luận xôn xao. Không những là bé gái, kể cả bé trai cũng là đối tượng có thể bị lạm dụng. Vậy phụ huynh cần trang bị những điều gì để có thể bảo vệ con em mình trước vấn nạn trên?
Ngày 15-3, tại khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), bác sĩ tâm lý Hoàng Vũ Quỳnh Trang đã có chia sẻ trang bị kiến thức để bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại tình dục.
Bác sĩ tâm lý Hoàng Vũ Quỳnh Trang (BV Nhi Đồng 1) trao đổi với các phóng viên
Theo nghiên cứu, trong số trẻ em bị lạm dụng có khoảng 75% là bé gái và nguyên nhân dẫn đến trẻ bị lạm dụng do không có sự quan tâm, chăm sóc của người lớn chiếm 40%. Đặc biệt, những trẻ bị khiếm khuyết về cơ thể, trí tuệ lại dễ có nguy cơ bị lạm dụng cao hơn trẻ bình thường.
Theo bác sĩ Trang, vấn nạn xâm hại trẻ em đã đến mức báo động: “Những trường hợp bị xâm hại được thống kê chỉ là phần nổi của tảng băng. Còn những phần chìm không thể nào thống kê. Bởi vì, người bị hại quá đau khổ, không thể nói ra vì sợ những điều tiếng của xã hội”. Trường hợp của một bé gái (6 tuổi) do ba mẹ bận đi làm, ít quan tâm nên bị chính người trong xóm lạm dụng. Thế nhưng, em vẫn ngây thơ không hay biết đã bị lạm dụng. Cho đến khi phát hiện ra sự việc, hậu quả đã rất nghiêm trọng và cần sự can thiệp điều trị dài hạn của bác sĩ tâm lý. Hay một bé gái khác ở Tây Ninh bị chính cha đẻ lạm dụng mỗi khi say rượu. Tuy nhiên, mẹ ruột của bé không tin, cho rằng em có dấu hiệu thần kinh không bình thường. Còn có trường hợp bé trai 12 tuổi khi đi bơi bị người lạ lợi dụng sờ soạng. Điều đó chứng tỏ rằng mọi đứa trẻ đều có thể là đối tượng xâm hại của bất kỳ ai.
Sau những vụ việc đau lòng trên, ngoài việc suy xét theo pháp luật thì điều mỗi người cần làm không phải là phẫn nộ, lên án mà làm sao bảo vệ những đứa trẻ hồn nhiên thoát khỏi điều đó.
Dấu hiệu nào để cha mẹ biết con đã bị lạm dụng tình dục?
Tùy theo từng lứa tuổi mà có những dấu hiệu chính như sau:
- Dấu hiệu tại chỗ: Trẻ có biểu hiện đau đớn do sang chấn vùng âm hộ: chảy máu, nhiễm trùng…
- Dấu hiệu chỉ điểm: Trẻ có những hành vi tính dục bất thường. Cùng với đó, trẻ có thái độ sợ hãi khi tiếp xúc lại với môi trường đã từng bị lạm dụng, ăn uống giảm sút, gặp ác mộng hay đột ngột thay đổi hành vi (không hứng thú học tập, thường xuyên cáu gắt, giận dữ,…) Đặc biệt, đối với trẻ vị thành niên thì có dấu hiệu bất thường như đánh nhau, muốn bỏ nhà đi, sử dụng chất kích thích…
Phụ huynh nên ứng xử như thế nào khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu bị xâm hại?
- Phụ huynh cần có thái độ bình tĩnh để con có thể thổ lộ, chia sẻ nỗi sợ hãi của bản thân. Tạo cảm giác an toàn cho trẻ.
- Cần phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình để giúp đỡ, bảo vệ trẻ. Tránh tâm lí tội lỗi hay đổ lỗi cho nhau giữa cha với mẹ.
- Nếu thấy tình trạng nguy kịch nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa cũng như can thiệp tâm lý kịp thời.
- Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần kết hợp chặt chẽ giữa phối hợp điều tra và giúp trẻ bình phục. Tránh bắt trẻ nhớ lại nhiều lần gây ảnh hưởng tâm lý ngày càng nặng nề hơn.
Làm sao để bảo vệ trẻ trước những nguy cơ bị xâm hại cao như hiện nay?
- Phụ huynh luôn quan tâm, theo dõi trẻ để phát hiện những biểu hiện bất thường của trẻ. Không giao phó con hoàn toàn cho nhà trường hay người khác,
- Dù là các em còn nhỏ nhưng phụ huynh phải giáo dục cho trẻ ý thức về quyền sở hữu cơ thể. Không những tôn trọng bản thân mình mà còn phải tôn trọng cơ thể của người khác. Tuyệt đối không cho bất cứ ai sờ chạm vào vùng nhạy cảm của mình.
- Tập thói quen cho trẻ thay đồ kín đáo, mặc đồ lót như người lớn bởi vì từ 3 đến 6 tuổi trẻ đã có nhận thức về giới tính.
- Thường xuyên nói chuyện với con. Phụ huynh nên dành thời gian cho bữa cơm gia đình để tạo không khí vui vẻ cho trẻ cũng như từ đó kết hợp đề cập vấn đề giáo dục giới tính ở trẻ. Từ 6 – 12 tuổi (tiền dậy thì) là độ tuổi phụ huynh nên tích cực nói chuyện về giới tính với con nhiều hơn. Để khi trẻ đến độ tuổi dậy thì, phụ huynh mới dễ dàng tâm sự, chia sẻ với con.
- Sử dụng sách, báo để giáo dục con.
- Phụ huynh không nên có những hành động yêu thương trẻ quá mức. Tạo con tính độc lập, được quyền có không gian ngủ riêng.Từ đó, tạo ý thức cho trẻ nói “không” khi ở một mình với người lạ.
Nhà trường cần có động thái gì để giáo dục trẻ trước vấn nạn trên?
- Nhà trường cần có sự liên kết chặt chẽ với phụ huynh, nhân viên y tế để có thể bảo vệ trẻ khi sự việc chưa đi quá xa. Tránh tình trạng trốn tránh, thiếu trách nhiệm.
- Thầy cô giáo phải hướng dẫn, bảo vệ cho các em. Bởi vì, những đứa trẻ nạn nhân, không thể lên tiếng để bày tỏ.
- Trường học nên có tham vấn tâm lý học đường, xây dựng những giờ học giáo dục giới tính.
Minh Diễm