Phong trào “Người kinh doanh mới” được Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM phát động cách đây 5 năm gồm 5 tiêu chuẩn cụ thể đối với khu vực chợ và 5 tiêu chuẩn đối với khu vực siêu thị trên cơ sở thống nhất nội dung liên tịch với Sở Công thương. Đây là cơ sở để thúc đẩy hoạt động thương nghiệp của TP theo định hướng hiện đại hóa ngành thương mại - dịch vụ, tạo sự chuyển biến tích cực để xây dựng khu vực chợ truyền thống thành chợ văn minh thương nghiệp.
Hơn 80% tiểu thương là “Người kinh doanh mới”
Theo chị Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TPHCM, sau 5 năm thực hiện (2008 - 2012) phong trào “Người kinh doanh mới” theo định hướng hiện đại hóa ngành thương mại dịch vụ, đã có 100% tiểu thương đăng ký tham gia. Kết quả đã có hơn 80% tiểu thương đăng ký được bình chọn là “Người kinh doanh mới”. Phong trào đã tạo ra luồng sinh khí mới cho bà con tiểu thương, đặc biệt là hoạt động của hội phụ nữ tại các chợ, từng bước tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như phong cách kinh doanh của tiểu thương trên địa bàn TP.
Hàng năm, hội phụ nữ tổ chức phát động cho tiểu thương các chợ đăng ký thực hiện 5 tiêu chuẩn “Người kinh doanh mới” vào dịp 8-3 và tiến hành bình chọn vào đợt hoạt động kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, đồng thời tổ chức sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng cấp chợ, cấp quận, huyện để nhân rộng phong trào. Đặc biệt từ 2009 đến nay, phong trào luôn lồng ghép với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị chỉ đạo và chương trình “Bình ổn thị trường” do UBND TPHCM phát động.
Để hỗ trợ, giúp sức cho tiểu thương duy trì kinh doanh, hội phụ nữ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền tiểu thương thay đổi phong cách bán hàng “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, thực hiện việc niêm yết giá, bán đúng giá, phát động tiểu thương thực hiện mô hình “Gian hàng kiểu mẫu”, xây dựng “Tổ ngành hàng kiểu mẫu”, vận động các gian hàng tham gia bán hàng bình ổn thị trường, quầy hàng “Nói không với bao nylon”, ngành hàng thực phẩm tươi sống và chế biến an toàn, quán ăn an toàn tại chợ… Đến nay các quận, huyện đã xây dựng được 781 “Gian hàng kiểu mẫu”, 21 “Tổ ngành hàng kiểu mẫu”, 7 CLB “Ngành hàng thực phẩm tươi sống, chế biến an toàn” và 142 gian hàng bình ổn thị trường tại các chợ truyền thống.
Cùng với các hoạt động tuyên truyền giáo dục, nâng cao kiến thức cho tiểu thương, Hội LHPN các cấp đã không ngừng duy trì chăm lo, bảo vệ quyền lợi, quan tâm đến đời sống, sức khỏe của tiểu thương, tạo điều kiện về mọi mặt giúp tiểu thương an tâm kinh doanh, tích cực tham gia các phong trào phụ nữ và hoạt động hội như hỗ trợ vốn cho 16.655 lượt tiểu thương, bảo lãnh tín chấp cho 22.210 lượt chị em vay vốn ở các tổ chức tín dụng và ngân hàng…
Chị Vân, tiểu thương ngành hàng vải sợi chợ Phạm Văn Hai, cho biết: “Từ khi tham gia phong trào, tôi không chỉ nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của chị em trong hội mà còn được hỗ trợ từ nhiều phía. Do vậy, nếu tiểu thương nào không tham gia, sẽ bị tụt hậu”. Phong trào “Người kinh doanh mới” là cơ sở từng bước góp phần xây dựng phong cách kinh doanh phù hợp thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Hoạt động sẽ đi vào chiều sâu
Bên cạnh những mặt tích cực, tại hội nghị tổng kết 5 năm phong trào “Người kinh doanh mới” diễn ra ngày 25-10 vừa qua, Hội LHPN TPHCM đã chỉ rõ những mặt hạn chế như việc triển khai phong trào có nơi còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực tế và chiều sâu nên ảnh hưởng đến việc tham gia thực hiện phong trào trong tiểu thương. Có một số ít tiểu thương ý thức chưa cao, chưa thấy được lợi ích thiết thực của phong trào “Người kinh doanh mới” nên chưa tích cực đăng ký thực hiện. Một số chợ có cơ sở hạ tầng xuống cấp, diện tích nhỏ, không thuận tiện trong việc bài trí hàng hóa, đảm bảo an toàn PCCC. Công tác tuyên dương, khen thưởng danh hiệu “Người kinh doanh mới” chưa kịp thời và nhân rộng do kinh phí khen thưởng còn hạn chế…
| |
Để khắc phục những điểm yếu này, Hội LHPN TPHCM xác định trọng tâm hoạt động giai đoạn 2012 - 2018 sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Người kinh doanh mới” trong tiểu thương các chợ, gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, xây dựng chợ “Văn minh thương nghiệp”.
Điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức trong cung cách phục vụ của người kinh doanh, niêm yết giá và bán đúng giá, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, không bán hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; vận động tiểu thương không bán hàng gian, hàng giả; tôn trọng khách hàng và thực hiện tốt cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phối hợp với Sở Công thương, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và các đơn vị thực hiện mở rộng mạng lưới bán lẻ, điểm bán hàng bình ổn trong khu vực chợ truyền thống và địa bàn dân cư.
Nhìn nhận về phong trào “Người kinh doanh mới”, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng, cùng với sự phát triển của đất nước, với xu hướng hiện đại hóa trong lĩnh vực kinh doanh, các siêu thị được hình thành và phát triển ngày càng nhiều, cùng hệ thống tiếp thị, giao hàng đến tay người tiêu dùng… đã tác động trực tiếp đến mãi lực tại các chợ truyền thống. Để tồn tại và phát triển trong giai đoạn mới, mỗi tiểu thương cần phải năng động hơn, từng bước thay đổi cung cách bán hàng theo hướng văn minh, lịch sự và hiệu quả.
HẢI HÀ