Phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa đông-xuân

Hầu hết vùng lúa vụ đông-xuân nước ta đều bị bệnh đạo ôn phát sinh, gây hại, có năm nặng. Bệnh đạo ôn chủ yếu phát sinh phá hại trên lá nên còn gọi là bệnh cháy lá. Để phát hiện bệnh kịp thời và chính xác, bà con có thể dựa vào các đặc điểm sau:

– Thời gian bệnh phát sinh khi cây lúa giai đoạn đẻ nhánh rộ, ứng với thời kỳ bón thúc lần thứ hai, 20 - 25 ngày sau sạ. Bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu bệnh phát sinh nặng phòng trừ sẽ kém hiệu quả.

– Triệu chứng: vết bệnh đầu tiên trên lá là những chấm nhỏ màu xanh tái hoặc vàng, sau đó vết bệnh lớn lên có triệu chứng điển hình - những đốm hình thoi, hai đầu nhọn chạy dọc theo gân lá, màu vàng nâu. Nhiều vết bệnh liên kết làm lá bị khô cháy mảng lớn.

– Những ruộng hoặc đám ruộng gieo cấy mật độ dày, bón nhiều phân đạm, lúa xanh tốt là nơi bệnh phát sinh trước và gây hại nặng. Một số bà con cẩn thận để góc ruộng 20 - 30m² bón nhiều đạm hơn, nếu phát hiện chỗ này có bệnh chỉ vài ngày sau cả ruộng sẽ bị bệnh, lúc này phun thuốc trừ là thích hợp nhất.

– Khi kiểm tra bà con nên đi đường cắt ngang ruộng và quan sát kỹ một số lá, sau đó nếu ước tính có khoảng 5% - 10% số lá bị bệnh là lúc cần phun thuốc trừ ngay.

Nhiều loại thuốc đặc trị bệnh đạo ôn được phép sử dụng, trong đó một số được sử dụng phổ biến và có hiệu quả cao. Đó là các thuốc Trizole, Kisaigon, Saipan, Hỏa tiễn... Khi sử dụng thuốc cần chú ý pha đúng nồng độ, phun đủ lượng nước như hướng dẫn trên nhãn thuốc.

Chú ý phun sớm khi bệnh mới phát sinh còn nhẹ, nếu phát hiện trễ hiệu quả sẽ kém. Nếu bệnh có chiều hướng phát sinh mạnh cần phun 2 lần cách nhau khoảng 1 tuần lễ.

– Tạm ngưng bón phân đạm cho đến khi bệnh không phát triển, không phun phân bón lá và các chất kích thích sinh trưởng, không để ruộng cạn nước, cho thêm nước vào ruộng… là những biện pháp canh tác kết hợp với thuốc phòng trừ bệnh rất tốt, góp phần hạn chế bệnh hiệu quả.

Kỹ sư NGUYỄN MẠNH CHINH
(Công ty TNHH 1 thành viên BVTV Sài Gòn)

Tin cùng chuyên mục