- Thưa anh, tại sao thân hình anh nhỏ bé, thậm chí còn được gọi là “còi”, mà sự lên tiếng của anh lại đầy uy lực?
- Bản thân tôi không có sức mạnh. Người ta sợ tiếng của tôi, chẳng qua vì sợ người có quyền thổi. Mỗi khi một tiếng còi ré lên, có thể quyết định diễn biến của một pha bóng, thậm chí cho lên dĩa cả kết quả của một trận đấu.
- Người đó chính là trọng tài bóng đá?
- Chớ còn gì nữa. Hồi xưa trọng tài chỉ mặc mỗi áo đen, giờ trọng tài mặc xanh đỏ tím vàng đủ thứ. Nhưng danh xưng “vua áo đen” vẫn còn hiện diện. Tuy vậy, ở xứ mình, trọng tài chỉ thực sự là vua khi thổi tí toét những tràng còi méo.
- Méo là đổi trắng thay đen, bẻ cong thành thẳng, hay thổi có thành không, không thành có?
- Các thể loại đó đều có đủ. Rồi từ cái còi, người ta có thể thổi ra nhà, đất, xe cộ. Nhờ thổi còi méo, người ta lập được liên minh áo đen, do ông trùm dẫn dắt. Bởi thế, người đang ngồi ở xa tít mà điều khiển được tiếng còi của người đang chạy trên sân. Ở một nền bóng đá xây nhà từ nóc, người ta hoàn toàn có thể điều khiển còi bằng… phong bì!
- Nhưng phải có ai đó ở trên ông trùm áo đen đó nữa chớ?
- Có, nhưng câu hỏi này sẽ bị chặn lại bằng câu hỏi bự hơn nhiều: “Chứng cứ đâu?”.
TƯ QUÉO