Phụ nữ nô lệ đầu tiên lên giấy bạc Mỹ

Harriet Tubman, một phụ nữ sinh ra là nô lệ vào đầu thập niên 1820 và đã giúp giải cứu hàng trăm nô lệ, sẽ thay thế cựu Tổng thống Andrew Jackson, một chủ nô, trên giấy bạc 20 USD.
Phụ nữ nô lệ đầu tiên lên giấy bạc Mỹ

(SGGPO).- Harriet Tubman, một phụ nữ sinh ra là nô lệ vào đầu thập niên 1820 và đã giúp giải cứu hàng trăm nô lệ, sẽ thay thế cựu Tổng thống Andrew Jackson, một chủ nô, trên giấy bạc 20 USD.

Thông báo ngày 20-4 của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, chiến sĩ chống chế độ nô lệ Harriet Tubman sẽ trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên lên giấy bạc Mỹ, cũng là phụ nữ đầu tiên lên giấy bạc Mỹ sau hơn một thế kỷ, khi thay thế cựu Tổng thống Andrew Jackson trên tờ 20 USD.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew, tờ 20 USD mới cùng một loạt thay đổi với các tờ 5 USD và 10 USD tái thiết kế đem lại cho Bộ Tài chính "cơ hội mở rộng để phản ánh nhiều hơn về lịch sử Mỹ".

Tờ 10 USD mới sẽ thêm hình ảnh 5 phụ nữ lãnh đạo phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ, gồm Sojourner Truth và Elizabeth Cady Stanton, vào mặt sau, trong khi vẫn giữ ở mặt trước hình ảnh Alexander Hamilton, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ.

Mặt sau tờ 5 USD mới sẽ có hình ảnh cựu đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt và nhà lãnh đạo dân quyền Martin Luther King Jr., mặt trước vẫn giữ hình ảnh cựu Tổng thống Abraham Lincoln.

Bộ trưởng Lew cho biết các mẫu thiết kế giấy bạc mới sẽ được công bố vào năm 2020 và đưa vào lưu hành "càng sớm càng tốt" nhưng không cho biết thời điểm. Tờ 10 USD mới đã được lên kế hoạch lưu hành đầu tiên, do yêu cầu an ninh.

Harriet Tubman trong một bức ảnh lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Mỹ (LoC) do nhiếp ảnh gia H.B. Lindsley chụp trong khoảng giữa năm 1860 và năm 1870.

Các cuộc tranh luận bắt đầu từ tháng 6-2015, khi Bộ Tài chính Mỹ công bố kế hoạch chọn một phụ nữ tiêu biểu đưa lên giấy bạc 10 USD, một phần từ đề nghị trong thư của một bé gái gửi Tổng thống Barack Obama chỉ trích việc thiếu hình ảnh phụ nữ trên giấy bạc Mỹ và từ chiến dịch "Những phụ nữ thập niên 1920" trên mạng xã hội trong năm 2015.

Andrew Jackson là một anh hùng trong cuộc chiến New Orleans năm 1812, Tổng thống thứ 7 của Mỹ từ 1829-1837, nhưng đã bị nhiều chỉ trích vì quan điểm về người Mỹ bản địa và bản thân ông là một chủ nô.

Tubman lớn lên và làm việc tại một đồn điền ở bang Maryland và bỏ trốn vào cuối độ tuổi 20. Bà đã trở lại miền Nam để giúp giải thoát hàng trăm nô lệ da đen và hoạt động như một điệp viên Liên quân trong cuộc nội chiến Mỹ. Bà qua đời vào năm 1913.

Bộ trưởng Lew cho biết, sau khi xem xét hàng trăm ứng viên, Tubman đã được chọn do vai trò lãnh đạo và hoạt động giúp đỡ người khác của bà.

"Đó là câu chuyện bản chất của nền dân chủ Mỹ về cách một người lớn lên trong chế độ nô lệ, chưa bao giờ được học đọc hoặc viết, đã có thể thay đổi dòng chảy lịch sử", Lew nói.

Reuters cho biết, phụ nữ đã không xuất hiện trên giấy bạc Mỹ từ sau Martha Washington, trên giấy bạc 1 USD thời kỳ 1891-1896, và Pocahontas, chung trong ảnh tập thể trên giấy bạc 20 USD thời kỳ 1865-1869.

Trên tiền xu, Sacagawea, một phụ nữ da đỏ bản địa làm hướng dẫn viên và thông dịch viên tình nguyện trong cuộc thám hiểm Lewis và Clark - cuộc thám hiểm trên bộ đầu tiên của người Mỹ đến bờ Thái Bình Dương (1804-1806), xuất hiện trên đồng 1 USD vàng ra mắt năm 2000. Susan B. Anthony, một người đòi quyền bầu cử cho phụ nữ, xuất hiện trên đồng 1 USD bạc ra mắt năm 1979. Phụ nữ khiếm thị và khiếm thính Helen Keller, nhà văn, diễn giả, nhà hoạt động xã hội xuất chúng, xuất hiện trên đồng 25 xu bang Alabama.

Ngay sau công bố của Bộ Tài chính Mỹ vào ngày 20-4, Tubman trở thành xu hướng đứng đầu trên Twitter với hơn 100.000 tin nhắn và bình luận.

Trên Twitter, bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, đang vận động để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ, ca ngợi Tubman là "một người phụ nữ, một nhà lãnh đạo, và một chiến sĩ vì tự do" và cho biết bà không thể nghĩ ra sự lựa chọn nào tốt hơn.

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục