Phương pháp kích hoạt não giữa để trẻ thành “thiên tài” có dấu hiệu lừa bịp

Gần đây, nhiều gia đình có trẻ nhỏ đang rất quan tâm, chú ý tới thông tin quảng cáo về một số lớp học, trung tâm ở Hà Nội và TPHCM dạy trẻ thành thiên tài, thông minh vượt trội bằng phương pháp giáo dục kích hoạt não của trẻ, hoạt hóa não giữa hay siêu giác quan nhằm khơi dậy những khả năng tiềm ẩn của trẻ nhỏ. Phản ứng trước thông tin trên, nhiều chuyên gia cho rằng, phương pháp giáo dục kích hoạt não giữa để trẻ thành “thiên tài” là không có cơ sở, thậm chí có dấu hiệu lừa bịp.
Phương pháp kích hoạt não giữa để trẻ thành “thiên tài” có dấu hiệu lừa bịp

(SGGP).- Gần đây, nhiều gia đình có trẻ nhỏ đang rất quan tâm, chú ý tới thông tin quảng cáo về một số lớp học, trung tâm ở Hà Nội và TPHCM dạy trẻ thành thiên tài, thông minh vượt trội bằng phương pháp giáo dục kích hoạt não của trẻ, hoạt hóa não giữa hay siêu giác quan nhằm khơi dậy những khả năng tiềm ẩn của trẻ nhỏ. Phản ứng trước thông tin trên, nhiều chuyên gia cho rằng, phương pháp giáo dục kích hoạt não giữa để trẻ thành “thiên tài” là không có cơ sở, thậm chí có dấu hiệu lừa bịp.

GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngay khi nhận được thông tin về lớp học kích hoạt não để trẻ thông minh hơn, đoàn công tác Bộ Y tế đã đến kiểm tra tại lớp học và không hề thấy tại đây có bất cứ trang thiết bị, máy móc nào. Việc học để kích hoạt não cho trẻ tại lớp học này chủ yếu là cho trẻ được bịt mắt sờ những thẻ bài nhiều màu sắc, sau đó trẻ tự sắp xếp các thẻ bài đồng màu với nhau và theo số thứ tự từ 1 đến 9; hay bịt mắt trẻ và dùng tay rà qua các chữ để đọc. Ngoài ra, là cách bịt mắt để trẻ nhận diện màu sắc (ảnh), sau đó cảm nhận, tưởng tượng trong đầu những thứ mà mình đang sờ trên tay để có thể đọc to lên. “Xét về mặt y học, những phương pháp giúp kích thích não phát triển như trên là hoang đường, có dấu hiệu lừa bịp, bởi không có bất cứ một cơ sở y học nào...”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, phương pháp kích thích não trẻ là hoàn toàn vô ích, vừa mất tiền, vừa mất thời gian. “Bịt đi đôi mắt để trẻ tưởng tượng những thứ hoàn toàn có thể nhận biết bằng mắt thường để làm gì? Tại sao lại phải luyện cái trong cuộc sống mình không bao giờ thực hiện, không bao giờ áp dụng. Đó là một tư duy sai lầm... Mong muốn con được học tốt nhất, thông minh nhất, là mong muốn chính đáng của các bà mẹ. Nhưng để đạt được điều này, trẻ cần được học theo những phương pháp giáo dục đã được chứng minh, chứ không nên tốn thời gian vào những phương pháp học vô bổ như thế”, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

PGS-TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, phương pháp dạy học kích thích bán cầu não của trẻ chưa từng được công nhận trong hệ thống giáo dục mầm non ở Việt Nam. Nếu cha mẹ muốn con thành “thần đồng” mà áp dụng phương pháp đào tạo chưa qua thẩm định là thiếu hiểu biết. Nguy hiểm hơn có thể sau này lớn lên, trẻ sẽ sống ảo về những năng lực phi thường. Các em sẽ trở thành người không thực tế, luôn ám ảnh về những năng lực siêu nhiên, từ đó dẫn tới những mối nguy hại khôn lường đối với bản thân các em.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục