Phương Tây siết chặt cấm vận Syria

EU tăng sức ép với Syria
Phương Tây siết chặt cấm vận Syria

Các cuộc biểu tình của lực lượng đối lập tại Syria vẫn tiếp diễn. Ngày 3-9, AFP dẫn lời các nhà hoạt động tại Syria cho biết, ít nhất 19 người chết trong ngày 2-9 khi họ tham gia biểu tình chống chính phủ.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tại Tehran năm 2009.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tại Tehran năm 2009.

EU tăng sức ép với Syria

Cuộc biểu tình lớn tại Syria diễn ra trong bối cảnh tháng chay Ramadan vừa kết thúc. Dòng người giương cao biểu ngữ “Thà chết chứ không khuất phục”. Có lẽ hưng phấn từ chiến dịch không kích Libya, Pháp tuyên bố sẽ có thêm nhiều hành động cô lập Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong đó có việc đẩy mạnh các cuộc tiếp xúc với lực lượng đối lập. Tây Ban Nha cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ lực lượng đối lập.

Cách đây 2 tuần, trong một cuộc điện đàm, Tổng thống Syria al-Assad đã hứa với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon rằng mọi vụ bắn giết sẽ chấm dứt. Giờ đây, theo Washington Post, ông Ban Ki-moon cho rằng Tổng thống Syria “đã không giữ lời hứa”. Nhiều người biểu tình kêu gọi người Syria tự trang bị vũ khí và mời nước ngoài can thiệp bằng quân sự để lật đổ chính phủ như tại Libya.

Để tăng thêm sức ép lên chính phủ Syria, Liên minh châu Âu (EU) đã ngừng nhập khẩu dầu từ Syria, gây thiệt hại hàng triệu USD mỗi ngày đối với Syria. 28% doanh thu từ ngành công nghiệp dầu của Syria là do bán dầu cho Pháp, Đức, Ý và Hà Lan. Phần lớn trong 150.000 thùng dầu xuất khẩu hàng ngày của Syria có điểm đến là EU. Nếu bị thiếu hụt nguồn thu, Syria sẽ phải sử dụng đến 17 tỷ USD dự trữ ngoại tệ. Lệnh cấm vận mới nhất của EU vào thời điểm này cũng dễ hiểu bởi phương Tây vừa “chiếm được” Libya và các mỏ dầu nước này vừa được phe nổi dậy khẳng định mở cửa cho phương Tây. Vì vậy EU không sợ giá dầu tăng khi họ cấm vận Syria.

Chỉ còn người đồng minh duy nhất

Nhiều nhà phân tích cho rằng hiện Damascus đang được Tehran tài trợ. Do đó, theo Công ty Maplecroft, chính sách cấm vận tài chính khó có thể đủ mạnh để ngừng các vụ bạo động ở Syria.

Từ nhiều năm qua, Syria trở thành nước mang lại lợi ích quan trọng cho Iran trong khu vực, đặc biệt Syria ủng hộ quân Hezbollah, một nhóm quân sự chính trị ở Lebanon và ủng hộ cả nhóm Hamas tại dải Gaza. Theo ông Marina Ottaway, chuyên gia về Trung Đông thuộc Nhóm cố vấn hòa bình quốc tế Carnegie (Mỹ), Syria trở thành hành lang để Iran có thể tiếp tế vũ khí cho Hezbollah và Hamas.

Còn theo ông David Schenker, Giám đốc Chương trình chính trị Arab thuộc Viện Washington về chính sách Cận Đông, đối với Syria, Iran là đối tác kinh tế quan trọng. Iran có nhiều nhà máy sản xuất xe hơi, nhà máy xi măng và cả các cơ sở lọc dầu ở Syria, tất cả các cơ sở này phụ thuộc vào sự tồn tại của chính phủ ông al-Assad. Lãnh đạo của 2 nước này cũng chia sẻ nhiều quan hệ về tư tưởng như cùng là Hồi giáo dòng Shiite và cùng bị phương Tây gây sức ép.

Theo ông Schenker, cả hai nước đều muốn loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông. Vì vậy, chính phủ của Tổng thống Syria al-Assad tồn tại sẽ là yếu tố cốt lõi cho Iran khẳng định vai trò ở Trung Đông và Địa Trung Hải. Điều đó lý giải vì sao Iran không ủng hộ lực lượng đối lập tại Syria, nhưng lại ủng hộ các lực lượng đối lập ở Ai Cập hay Tunisia, những nước không có quan hệ hữu hảo với Iran.

Mặc dù vậy, gần đây, Iran cũng đã có thay đổi. Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi tuần trước cho rằng: “Nhân dân các nước như Syria, Yemen và nhiều nước khác có những yêu cầu hợp pháp và các chính phủ này nên đáp ứng những yêu cầu của họ càng sớm càng tốt”. Theo ông Ottaway, Iran lo ngại nếu ông al-Assad không uyển chuyển, chính phủ của ông sẽ bị lật đổ. Theo ông Schenker, chưa tính tới Libya, một khi chính phủ Syria sụp đổ sẽ là thắng lợi đầu tiên của phương Tây trước Iran kể từ khi cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab” bắt đầu. Phương Tây đã mất các đồng minh như Hosni Mubarak ở Ai Cập và Zine al-Abidine Ben Ali ở Tunisia.

Thụy Vũ

Tin cùng chuyên mục