Phương Tây tìm giải pháp chính trị ở Lybia

Phương Tây tìm giải pháp chính trị ở Lybia

Cuộc không kích của NATO vào Libya để lập vùng cấm bay ngày càng bế tắc. Có lẽ đến lúc các nước Anh, Pháp và Mỹ nghĩ tới một lối thoát trong danh dự phòng trường hợp không lật đổ được nhà lãnh đạo Libya Gaddafi.

  • Nga sẽ làm trung gian để ông Gaddafi ra đi?

Theo Novosti, ngày 27-5, người phát ngôn Tổng thống Nga Natalia Timakova cho biết trong cuộc gặp riêng giữa Tổng thống Nga Dmitry Medvedev với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị G8 tại Pháp, các nước này muốn Nga làm trung gian trong việc tìm kiếm một lối ra cho vấn đề Libya.

Theo Reuters, lãnh đạo Nga tin rằng với vai trò trung gian, Nga có thể giúp nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi ra đi. Novosti dẫn lời Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói tại Deauville, Pháp rằng chính phủ của ông Gaddafi đã mất tính hợp pháp. Nhà lãnh đạo Libya phải ra đi.

Tổng thống Nga phát biểu với báo chí: “Điều đó đã được ghi trong tuyên bố chung của hội nghị G8 được tất cả nhất trí thông qua”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy vẫn chưa thực sự có lời giải cho cuộc chiến tại Libya.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy vẫn chưa thực sự có lời giải cho cuộc chiến tại Libya.

Theo AFP, Tổng thống Nga Medvedev sẽ cử đặc phái viên về châu Phi, ông Mikahil Margelov, tới Bengazhi, cứ điểm của quân nổi dậy Libya vì trong trường hợp nào Nga cũng cần tiếp xúc với hai phía. Theo ông Margelov, hiện cuộc đàm phán giữa Nga với cả hai bên ở Libya đang tới giai đoạn rất nhạy cảm nhưng ông cho rằng sẽ có hy vọng về giải pháp chính trị cho Libya. Theo ông Margelov, phương Tây đang tính đến nhiều phương án, trong đó có việc đưa ông Gaddafi ra tòa, để ông sống yên ổn Libya hoặc cũng có thể cho ông ấy tới tị nạn tại một nước thứ ba.

Thế nhưng, theo Tổng Thư ký Liên đoàn Arab, ông Amr Moussa, chuyện ông Gaddafi từ chức vẫn còn xa vời. Thủ tướng Libya Baghdadi al-Mahmoudi cũng cho rằng Libya sẵn sàng ngừng bắn nhưng việc từ chức của ông Gaddafi sẽ không đưa ra thảo luận. Ông nói: “Nhà lãnh đạo Gaddafi là lãnh đạo của nhân dân Libya. Ông ấy quyết định những gì người dân mong muốn. Ông ấy ở trong tim của người dân Libya”.

  • Quốc hội Mỹ ngăn bộ binh tới Libya

Sau khi ngừng tham gia chiến dịch không kích tại Libya, Quốc hội Mỹ muốn đi xa hơn để tránh lặp lại tình thế sa lầy như tại Iraq hay Afghanistan. Ngày 26-5, với 416 phiếu thuận, 5 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua ngân sách quốc phòng 690 tỷ USD, trong đó hạn chế quyền lực của chính phủ Tổng thống Obama trong việc đối phó với các nghi can khủng bố cũng như giảm kho vũ khí hạt nhân theo tinh thần hiệp ước START với Nga.

Đặc biệt, ngân sách này cấm chính phủ của Tổng thống Obama triển khai, thành lập hay duy trì lực lượng bộ binh Mỹ tại Libya, ngoại trừ việc giải cứu binh sĩ Mỹ đang bị nguy hiểm tại đó. Hạ viện Mỹ cũng đã phê phán quyết định của Tổng thống Obama tham gia bắn tên lửa vào Libya trong giai đoạn đầu của cuộc chiến là vi phạm luật năm 1973, theo đó các chiến dịch quân sự của Mỹ phải được Quốc hội chấp thuận. Nhà Trắng cho rằng họ chỉ hỗ trợ lực lượng của NATO chứ không trực tiếp tham chiến.

Hạ viện Mỹ dường như đã đi trước một bước sau khi NATO cho rằng trước sau gì họ cũng phải đưa bộ binh tới Libya. Nếu không có bộ binh của Mỹ, xem ra các nước khác trong NATO khó mà đảm bảo thành công ở Libya. Mặc dù chỉ tham gia một thời gian rất ngắn nhưng cuộc chiến tại Libya đã ngốn hết 550 triệu USD ngân sách Mỹ.

Theo ABCNews, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa John Conyers, người chủ trương nghị quyết cấm đưa quân Mỹ tới Libya, đang vận động cho Thượng viện Mỹ có nghị quyết tương tự. Ông Conyers khẳng định: “Cuộc chiến tại Libya hiện nay sẽ không tới mức đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Tôi kêu gọi Thượng viện Mỹ cùng tham gia nỗ lực với chúng tôi để đảm bảo rằng cuộc xung đột ở Libya hiện nay không trở thành một Iraq hay Afghanistan khác. Người dân Mỹ đã quá ngán ngẫm với các cuộc phiêu lưu quân sự không hồi kết”.

Theo Reuters, trong cuộc gặp tại Hội nghị G8, Tổng thống Pháp Sarkozy và Tổng thống Mỹ Obama cam kết rằng chiến dịch của NATO tại Libya sẽ kéo dài đến khi nào cuộc khủng hoảng ở đó được giải quyết. Thế nhưng sự tham gia của Mỹ như thế nào sẽ là câu trả lời khó đối với Tổng thống Obama.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục