Hậu trường thể thao thế giới

“Đại hội võ lung tung !”

Tại Nhật đang có môn thể thao thu hút rất nhiều người xem: võ của đủ loại hình võ thuật so tài. Các trận đấu thu hút người xem vì võ sĩ có nghề cỡ nào cũng dễ thua vì “ăn đòn lạ”.

“Đại hội võ lung tung !” ảnh 1

Một trận đấu của “đại hội võ lung tung”.

Trò giải trí này có tên là Tự hào (PRIDE) để phân biệt hạng “chuyên nghiệp” với “hạng phong trào” Võ đài (RINGS). Nghe “đấu đủ thứ võ trong chuồng”, người ta cứ ngỡ PRIDE là một môn thể thao giải trí bạo lực. Thực tế, PRIDE có nhiều quy định khắt khe: cấm các “đòn” cắn, húc đầu, thọc tay vào mắt, thúc cùi chỏ vào đầu, giựt tóc, đấm vào gáy hoặc háng đối thủ, nhưng cho phép đẩy, đá, vật, bấu và đè ngạt đối thủ.

Điều không tránh khỏi có lúc VĐV vi phạm các quy định - có võ sĩ thừa nhận đó là “chơi bẩn”- nhất là sau khi nghỉ giải lao giữa mỗi hiệp, nhằm kích thích sự hăng hái cổ vũ của các fan. Mỗi trận gồm 3 hiệp, hiệp đầu dài 10 phút và hai hiệp sau đều 15 phút, các võ sĩ tìm cách thắng nốc-ao kỹ thuật, theo quyết định của trọng tài hoặc do đối thủ chịu thua.

Hạng “phong trào” RINGS cho phép các võ sĩ trẻ và những người không có chút kinh nghiệm nào thử nghiệm độ lì đòn, trong chỉ 12 giây đấu. RINGS chỉ cấm đấm vào mặt đối thủ, còn mọi đòn phép đều “vô tư”, kể cả ngón đấm liên hoàn 3 phát một lúc. Ở hai hạng RINGS và PRIDE, võ sĩ đều không được mang găng đấm, nhưng được đeo các miếng lót ở tay để cú ra đòn có lực hơn, và gãy ngón tay cũng là chuyện thường, chảy máu mũi càng là chuyện nhỏ.

Nhà vô địch PRIDE trong ba mùa gần đây là nhà vô địch Judo Nga Fyodor Yemelyanenko, 29 tuổi cao 1m83 nặng 106 kg. Anh được phong biệt danh “Hoàng đế cuối cùng”, do anh luôn là người chiến thắng. Fyodor nói thử thách lớn nhất khi thi đấu là sự tự tin, vì khi gặp một thứ “võ” khác, chuyên môn nghiệp vụ của mình chỉ là con số không. Fyodor kể anh từng phải học đấu quyền Anh, Muay Thai và cả quyền cước để “thêm nghề chơi” . Một judoka suốt đời lo quật đối phương xuống sới, nay phải “học thêm” khả năng tung nắm đấm.

Chuyện Fyodor qua Nhật thi đấu PRIDE và nổi tiếng cũng rất dễ hiểu: kiếm tiền nuôi vợ Oksana và con gái Maria, chứ không phải muốn thoát khỏi sự vô danh. Fyodor từng là thành viên đội tuyển Judo Nga, tập Judo và võ tự vệ từ bé, không kể vô số giờ nâng tạ, chạy băng đồng. Anh cũng nhiều lần dự hội thao quốc phòng toàn Nga khi thực hiện nghĩa vụ quân sự hai năm. Sau khi xuất ngũ, Fyodor là một VĐV ưu tú, cấp Đại kiện tướng và từng vô địch giải Sambo châu Âu 1997, đoạt HCB và HCĐ ở 3 giải Judo quốc tế năm 1999. Sambo là một môn võ thuật Nga, tương tự Judo. 

“Hoàng đế cuối cùng” được một “chuyên viên phát hiện tài năng” Nhật tuyển năm 2000, khi anh thắng một giải Judo tại Nga. Anh  vô địch RINGS hai lần, sau đó chuyển qua “hạng chuyên” PRIDE.

Khi mời được “Hoàng đế cuối cùng” thi đấu, ban tổ chức có thể xoa tay khoan khoái, bảo đảm sẽ có 50.000 khán giả ngồi kín Nhà thi đấu Vòm Tokyo, dù giá vé “bèo” nhất là 65 USD và hạng ghế VIP có giá 900 USD. Người Nhật thích bỏ nhiều tiền để xem thi đấu, hò hét để giải tỏa stress ngay sát “chuồng đấu”. Họ thích xem môn thể thao này, nhưng lại không có một võ sĩ Nhật nào.

Trung Trực

Tin cùng chuyên mục