NBA chào đón làn sóng tài năng toàn cầu

Trong khi bóng rổ Mỹ đang chật vật chống lại sự đột kích của những nhân tố ngoại quốc vào các trận đấu đỉnh cao của nền bóng rổ nước nhà, thì NBA - Hiệp hội bóng rổ nhà nghề Mỹ - lại đang cố làm điều ngược lại: khuyến khích sự hiện diện và đóng góp của các tài năng toàn cầu.

Ngay ở thời điểm trước khi mùa giải NBA 2006-2007 khai cuộc, người ta thống kê được có cả thảy 80 cầu thủ bóng rổ đại diện cho gần 40 quốc gia sẽ tham gia thi đấu cho các câu lạc bộ của NBA. Một trong số đó là những người đã thành danh như trung phong người Australia Andrew Bogut (cầu thủ số 1 của Milwauke trong năm 2005) - từng mài giũa “kinh sử” trong hệ thống bóng rổ học đường Mỹ hay cầu thủ số 1 của Toronto trong năm 2006 - Andrea Bargnani của Ý (người đến với NBA sau khi… đoạt hết các danh hiệu ở bên bờ Địa Trung Hải).

NBA chào đón làn sóng tài năng toàn cầu ảnh 1
Dirk Nowitzki (Đức, phải) - một minh chứng tiêu biểu cho làn sóng ngoại tràn ngập NBA.

Những cái tên cũng rất ấn tượng khác - đã gắn kết với NBA trong mấy mùa gần đây - bao gồm: thế lực của Houston Rockets, “người khổng lồ” Yao Ming (Trung Quốc); Steve Nash (Canada), người từng hai lần được bầu là cầu thủ giá trị nhất của NBA; và người “xuất khẩu bóng rổ” nổi tiếng nhất nước Đức Dirk Nowitzki. Cả Nash lẫn Nowitzki đều là nhân tố chìa khóa cho cuộc hành trình đến tận trận chung kết mùa giải năm ngoái của Dallas.

Sự hiện diện của nhiều cầu thủ nước ngoài tại NBA là một hiện tượng của tự nhiên - mang lại nhiều lợi nhuận cho NBA. Thế nhưng điều đó lại khiến không ít quan chức bóng rổ Mỹ tỏ ra xót xa cho sự phát triển của bóng rổ trong nước. Rõ ràng, bóng rổ Mỹ đang có chiều hướng đi xuống sau những lần thất bại ở các giải thế giới.

Toronto Raptors - đội bóng nổi danh của NBA - là một đại biểu đến từ… Canada. Họ là một sự pha trộn hài hòa của một tập thể (cả cầu thủ lẫn Ban huấn luyện)… ngoài Mỹ. Tất nhiên, để tránh sự… dòm ngó của dư luận Mỹ, ông Sam Mitchell - huấn luyện viên trưởng Toronto Raptors - lý giải đây chỉ là sự ngẫu nhiên: “Cho dù có đến từ Canada, chúng tôi vẫn là một đội bóng của NBA. Tất cả cầu thủ của chúng tôi đều đã được thử thách và rõ ràng, bất kỳ cầu thủ nào đến chơi tại NBA cũng đều đã được thử thách. Dù đến từ đâu, các cầu thủ bóng rổ vẫn chỉ là… các cầu thủ bóng rổ. Là một thành viên ban huấn luyện, tôi không thể bước ra ngoài và nói chúng tôi có 2 gã từ Tây Ban Nha, 1 gã từ Ý và Rasho Nesterovic của Slovenia. Đó chẳng là một cái gì quá lớn”.

Làn sóng các cầu thủ nước ngoài - đặc biệt là ở châu Âu sẽ còn tràn ngập NBA trong tương lai sắp tới. Với một số người Mỹ, điều này sẽ ngăn chặn các cầu thủ trẻ Mỹ bước ra sân, nhưng với một số người khác, điều này sẽ kích thích sự cạnh tranh công bằng và thế hệ bóng rổ Mỹ tương lai sẽ tiến bộ vì điều đó. Thế nào cũng được, chuyện nước Mỹ có giành được… HCV bóng rổ tại Thế vận hội 2008 ở Bắc Kinh hay không cũng chẳng có gì liên quan đến… cơ hội quảng bá và kiếm tiền của NBA

TIỂU MÃ

Tin cùng chuyên mục