Chơi theo luật !

Cách đây hơn 10 năm, ông Trưởng đoàn bóng đá CATP.HCM Đặng Quang Dương đã xóa đi “lệ làng” truyền hình là vua khi đặt vấn đề đòi tiền bản quyền truyền hình trong trận đấu cúp C1 châu Á dù chỉ 1 đồng.

Bây giờ, Ban tổ chức BV Cup ra điều kiện “nghĩa vụ” bản quyền với VTV về các trận đấu của đội tuyển Việt Nam và sẵn sàng đá chay không truyền trực tiếp nếu hai bên không thỏa thuận được.

Từ phát pháo đầu tiên...

Để vô hiệu hóa chuyện nhà đài vác máy vào trực tiếp với lý do “phục vụ người xem” và hoạt động ở địa phương thì đài địa phương được phát sóng, khi ấy ông Đặng Quang Dương đã liên hệ chuyển trận đấu ở sân Thống Nhất xuống tận Đồng Nai và áp dụng lệnh “cấm” các đài truyền trực tiếp nếu không thương thảo mua bản quyền trận đấu.

Chơi theo luật ! ảnh 1
Không như ở nước ngoài, trong nước, việc truyền hình trực tiếp các trận bóng đá nhằm mục đích phục vụ là chính.

Giải ấy, đội CATP.HCM của ông Dương lỗ nặng (bán chưa đến 5.000 vé) và tiền thu bản quyền là 0 nhưng đấy là phát pháo đầu tiên cho việc bán bản quyền bóng đá. Thời điểm ấy, ông Dương nói rất cứng bằng luật: “Đài truyền hình cứ nói phục vụ nhân dân, không thu tiền nhưng còn khoản quảng cáo mà các đài thu được nhờ chương trình ấy thì vô cùng lớn.

Tôi chấp nhận lỗ, chấp nhận mất lòng với các đài vì bóng đá Việt Nam. Lâu nay, chúng ta vẫn có thói quen mất tiền cho các đài để được trực tiếp trong khi với bóng đá quốc tế thì bản quyền truyền hình là nguồn thu vô cùng lớn mà bóng đá được hưởng do bán chính sản phẩm của mình”.

Điểm những năm 90 mà sự kiện Cúp C1 châu Á, đội CATP.HCM kéo xuống Đồng Nai đá và không có “miếng” sóng trực tiếp nào cùng với sự đấu lý và đấu trí giữa lãnh đạo đội CATP.HCM và Đài truyền hình đã trở nên sự kiện lớn mà sau này LĐBĐ TP.HCM đã phải thực hiện cả một chương lớn về bản quyền truyền hình trong Hội thảo phát triển bóng đá.

Ông Dương hồi đấy được xem là người đi tiên phong trong việc bán sản phẩm của chính mình, mở ra hướng mới cho những nhà làm bóng đá.

Nó khác hẳn với suy nghĩ “cọc đi tìm trâu” được xem là bắt buộc do đặc thù của bóng đá Việt Nam không thoát ra được những thứ lệ làng trong truyền hình với hai chữ “phục vụ” nhiều lúc được dùng làm vỏ bọc.

...Đến BV Cup cũng chơi theo luật

Sau phát pháo đầu tiên cùng với hàng loạt công ước quốc tế ra đời, các đài bắt đầu thận trọng hơn với việc mua bản quyền.

Cái lệ làng dần được tháo gỡ bởi những quy định và bởi miếng bánh và phần bánh được đặt lên bàn và bàn bạc, thương thảo một cách cụ thể hơn.

Nghịch lý giữa truyền hình và các giải bóng đá tại Việt Nam là nhà đài luôn ở “kèo trên” vì chẳng nhà tài trợ nào muốn giải đấu của mình không lên sóng (cũng là hình thức quảng bá lớn nhất) nên đôi lúc phải “giành giật” để có sóng và cũng là để sống. Ngược lại thì các giải nhiều lúc lại chưa đủ tầm để các đài bỏ tiền ra mua. Điền hình như V-League hàng năm vẫn thu được tiền bản quyền truyền hình nhưng phần thu thực chất rất rất nhỏ so với cái phần chi để làm hài lòng nhà tài trợ luôn lấy truyền hình để cân đo, đong đếm giá trị đồng tiền mình bỏ ra…

Tất nhiên, trong sự “giành giật” để có sóng và để hài lòng nhà tài trợ nó có rất nhiều đường binh kèm theo cả “lại quả”. Và khó khăn của những nhà tổ chức giải là phải tính đến chuyện làm sao để nó được truyền hình (thậm chí là đài nào, kênh nào) dù khi nói chuyện với nhau vẫn là mua bản quyền và thương quyền để được khai thác.

Hôm qua, thông tin về BV Cup 2006 (tiền thân là Cúp TP.HCM) sắp diễn ra đang gặp khó khăn trong công tác truyền hình được đăng tải với cùng một nội dung trên nhiều tờ báo. Thực chất thì đấy không phải là khó khăn mà là một cuộc thương thảo theo đúng luật mà phía đối tác là Công ty Truyền thông Bách Việt (nhà tài trợ và cũng là nhà tổ chức) “dám” sử dụng đúng cái quyền của mình và “dám” đứng ở thế kèo trên để đàm phán với VTV.

Nói là Bách Việt “chê” đài lớn nên đã đi đường thẳng mà không đi đường vòng và không chịu ở thế “kèo dưới” như Cúp Thủ đô hay Agribank Cup là không hoàn toàn đúng. Nguyên do Bách Việt đã đảm bảo phần cứng là Đài truyền hình TP.HCM đã truyền trực tiếp dù sóng của HTV thì có hạn.

Tất nhiên ở đây đã cho thấy việc bán một sản phẩm từ bóng đá đã được thực hiện sòng phẳng theo kiểu thuận mua vừa bán và nó thực sự là mua bán.

Khán giả có thể sẽ thiệt thòi nếu VTV không chấp thuận với đề nghị của Bách Việt đưa ra, nhưng đây là một cuộc mua bán sản phẩm mà phía Bách Việt cho rằng mình bỏ tiền ra để có chất lượng “hàng hiệu” như chính họ đảm bảo thì họ hoàn toàn có quyền được thu lợi (hoặc chia sẻ kinh phí) từ sản phẩm của mình.

Từ đây đến ngày khai mạc chắc chắn sẽ còn những dịp để hai phía ngồi lại và thương thảo, nhưng chuyện lần đầu tiên một đơn vị tổ chức trong nước mà dám đứng ở thế “kèo trên” để làm việc thì chắc hẳn sẽ còn nhiều diễn biến mới không theo cái lề “lệ làng”.

Ai bảo bóng đá nội không bán được giá cao và ai bảo đội tuyển không hút hàng? 

NGUYỄN NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục