Nếu trọng tài dừng cuộc chơi?

Sự cố trọng tài Châu Đức Thành bị ném đá vỡ đầu ở vòng đấu 21 tại sân Long An đặt ra nhiều vấn đề cho những nhà chuyên môn dù trọng tài Thành đã cứu cho ban tổ chức một bàn thua. Chiều hôm ấy, chỉ cần trong tài Thành lắc đầu nói “Không thể tiếp tục” hoặc bác sĩ kết luận “máu ra nhiều, vết thương quá nặng, không thể tỉnh táo làm nhiệm vụ” thì đương nhiên trận đấu sẽ phải hủy bỏ. May mà trọng tài đã không dừng cuộc chơi...

Nếu trọng tài dừng cuộc chơi? ảnh 1

Trợ lý trọng tài Châu Đức Thành (bìa trái) bị ném đá vỡ đầu, nhưng sau khi được bác sĩ chăm sóc đã dũng cảm trở lại sân làm nhiệm vụ. Ảnh: Hoàng Vy

Có thể trọng tài sai, nhưng đưa cái sai của trọng tài ra để lý luận rằng nếu không có cái sai của trọng tài thì không có mưa chai và không có viên đá vào đầu trọng tài Châu Đức Thành là bao biện.

Cũng hệt như nói khán giả miền Tây và đặc biệt là khán giả Long An rất hiền để yên tâm với việc xả cửa các khán đài B, C, D và không có biện pháp bảo vệ tốt là hoàn toàn sai. Đó là chưa kể đến việc bình thản phản ứng của khán giả (những trận trước đây khiến đã có lần sân Long An bị phạt tiền vì để khán giả ném vật lạ xuống sân) mà chỉ phản ứng bằng tiếng loa yêu cầu khán giả.

Chiều 23-7, chính trọng tài Châu Đức Thành đã cứu cho ban tổ chức (sân lẫn giải) bằng một hành động dũng cảm khi trọng tài này cắn răng chịu đau (dù máu đã đổ và vết thương khá nặng) để khâu vết thương rồi băng bó và nhanh nhảu trở lại sân làm nhiệm vụ.

Về luật thì trước tình hình như sự cố sân Long An chiều 23-7, trọng tài chính có quyền cho dừng và hủy trận đấu nếu thấy không an toàn cho trọng tài khi làm nhiệm vụ hoặc các cộng sự của mình đổ máu, bị giao động và khó có thể trở lại sân làm nhiệm vụ.

Thế nhưng trọng tài Hoàng Ngọc Tuấn (trẻ và mới) không đủ cơ làm điều ấy mà luôn hỏi và nhờ giám sát can thiệp như quyền quyết định thuộc về giám sát chứ không phải trọng tài chính. Kế đến chính sự dũng cảm và dứt khoát của trợ lý Châu Đức Thành khi cắn răng chịu đau và muốn trở lại sân sớm nhất khiến trọng tài Tuấn yên tâm mà không xét đến những yếu tố khác cũng quan trọng không kém.

Trận đấu vẫn tiếp diễn sau gần 10 phút gián đoạn để săn sóc vết thương và để… bắt kẻ thủ ác nhưng lúc đấy thì tinh thần của hai đội và của hai đội bóng đã giảm đi rất nhiều sự hưng phấn cần thiết.

Từ việc trọng tài tiếp tục cuộc chơi để ban tổ chức sân bớt tội và ban tổ chức giải đỡ rối đã nảy sinh nhiều vấn đề kèm theo mà có thể những nhà tổ chức không nghĩ đến hoặc cố tình không tính đến. Đó là việc bảo vệ tính mạng cho các trọng tài và cả phần chăm sóc cho các trọng tài.
Hôm qua, khi các đồng nghiệp chúng tôi gọi điện cho trọng tài Châu Đức Thành thì trọng tài này vẫn còn bàng hoàng với những gì đã xảy ra nhưng anh từ chối bình luận về những gì đã diễn ra đồng thời “khéo léo” nói: “Hãy cứ để ban tổ chức giải quyết, phần tôi, tôi nghĩ đến nhiệm vụ và chỉ sợ trận đấu dừng lại thì tội nghiệp những cổ động viên chân chính và cầu thủ hai đội…”.

Thật đáng khen ngợi cho trọng tài trẻ trưởng thành từ phòng trào của Sở TDTT Cần Thơ này khi anh đã hy sinh quá nhiều cho thành công của một trận đấu và không muốn gián đoạn trận cầu vì cái chung. Thế nhưng có ai ngờ đàng sau đấy là con số 0 mà anh và các đồng nghiệp mình bị đối xử nhưng vẫn không hé môi than thở. Đó là phần hậu mà các trọng tài luôn thiệt thòi khi làm nhiệm vụ nguy hiểm mà không có gì đảm bảo ngoại trừ những thông báo, những quy chế, điều lệ rất chung chung: Ban tổ chức sân có nhiệm vụ phải bảo đảm an toàn cho các trọng tài…

Cái cần lớn hơn là sự đảm bảo nghề nghiệp như một chế độ bảo hiểm hay những điều kiện ràng buộc chứng tỏ sự chăm sóc, quan tâm cho các trọng tài đã không được để mắt đến.

Hôm qua, khi chúng tôi trao đổi với hàng loạt cựu trọng tài và trọng tài đương nhiệm thì tất cả đều lắc đầu than thở về sự bạc bẽo mà các trọng tài phải gánh chịu như buộc phải chấp nhận nghề bạc. Nói về sự cố trọng tài Châu Đức Thành, một ý kiến của các trọng tài làm nhiệm vụ đưa ra rất thật và rất đáng tham khảo: “Giả định tình huống ấy viên đá lớn hơn hoặc rơi vào chỗ hiểm khiến trọng tài Thành bị ảnh hưởng trực tiếp đến não hoặc tệ hơn là đột tử thì anh em trọng tài chúng tôi cũng chỉ biết góp tiền giúp đỡ hoặc phúng điếu rồi hết. Sẽ chẳng có gì cho sự cống hiến trong khi người ta luôn đòi hỏi trọng tài phải thế này thế nọ…”.

Một nghịch lý khi mà những nhà làm luật và những người tổ chức chỉ chăm chú tìm những câu chữ để chế tài và để trừng phạt những trọng tài làm sai thì chẳng ai lại chịu lo phần đảm bảo nghề của trọng tài bằng những chế độ bảo hiểm hay quyền lợi… Điều mà hầu như trong những đại hội trọng tài không bao giờ những người cầm còi và cầm cờ không nhắc đến.

Đừng để nhiệt huyết và sự hy sinh lớn lao của các trọng tài (như trợ lý Châu Đức Thành chiều 23-7 đã làm cả nước xúc động) trở nên vô nghĩa trước sự vô cảm của những người luôn huênh hoang lo cho đời sống, cho chuyên môn và cho nghề nghiệp của trọng tài mà đến phần bảo hiểm chính đáng cho họ cũng không có.

NGUYỄN NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục