Giải bóng đá học sinh châu Á lần thứ 34 năm 2006

Không chỉ mang ý nghĩa thể thao

Ngay trong những quy định, rất dễ nhận thấy, giải bóng đá học sinh châu Á U-18 lần thứ 34 sắp khai diễn tại Đà Nẵng (từ ngày 10 đến 18-8) không chỉ mang ý nghĩa thuần túy về thể thao. Đó là quy định: “Các cầu thủ không được nhuộm tóc và để những kiểu tóc không thích hợp”, “Cúp bóng đá học sinh châu Á sẽ được trao tượng trưng cho đội vô địch” hay “Tất cả các đội tham gia sẽ được trao bằng khen có chữ ký của Chủ tịch và Tổng thư ký LĐBĐ học sinh châu Á ASFF” …

Không chỉ mang ý nghĩa thể thao ảnh 1

Ban tổ chức giải bóng đá học sinh châu Á lần thứ 34 họp báo giới thiệu về giải. Ảnh: Hg.Ng

Trong chương trình hoạt động của giải, không chỉ gói gọn trong các buổi thi đấu, giải còn được xem như một cơ hội để các cầu thủ - học sinh được tìm hiểu thêm một phần về văn hóa của địa phương đăng cai cũng như mở ra cơ hội giao lưu giữa thành viên các đoàn với học sinh của thành phố Đà Nẵng.

Từ đó, để thấy mục tiêu giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức và ứng xử văn hóa của các cầu thủ - học sinh vẫn được đặt lên hàng đầu. Cho nên, không ngẫu nhiên khi những giải trước đây -ngoài những khó khăn khách quan - chưa bao giờ Việt Nam cử một đội tuyển đúng nghĩa tham gia thi đấu.

Nếu các cầu thủ - học sinh THPT thành phố Hồ Chí Minh đại diện học sinh Việt Nam dự tranh giải vào các năm 1995, 1998 hay 2005 thì đội bóng đá học sinh THPT Đà Nẵng từng nhận vinh dự này vào các năm 2001, 2002 và đội THCS Đà Nẵng tham gia giải Bóng đá Học sinh châu Á U-15 vào năm 2005.

Từng là thành viên của Đoàn bóng đá học sinh Đà Nẵng tại các lần giải trước, ông Nguyễn Văn Anh -chuyên viên Sở GD -ĐT Đà Nẵng- thừa nhận: “Điều quan trọng mà chúng ta học tập được, dĩ nhiên, ngoài yếu tố chuyên môn còn là hành vi ứng xử và thái độ văn hóa không chỉ trên sân cỏ”.

Hình ảnh các cầu thủ trẻ Đà Nẵng đến chào Ban huấn luyện đội bạn trước khi được thay ra hoặc sau mỗi trận đấu đã tạo nên những ấn tượng rất đẹp, cả trên sân cỏ Việt Nam lẫn sân cỏ học đường quốc tế. Cũng thông qua các giải thi đấu ấy, không ít cầu thủ - học sinh đã trưởng thành để hiện tại, là những gương mặt trụ cột của CLB bóng đá Chuyên nghiệp Đà Nẵng như Lê Quang Cường, Phan Thanh Phúc, Nguyễn Hữu Hùng, Trương Quang Tuấn…

Ở giải lần thứ 34, được phép của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã cùng UBND thành phố Đà Nẵng và VFF phối hợp tổ chức giải. Qua thư mời, đã có 11 trong số 14 thành viên của ASFF đồng ý tham gia giải gồm các đoàn Brunei, Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc, Macau, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Từ kết quả bốc thăm, đã xác định 3 bảng thi đấu gồm Thái Lan, Brunei, Việt Nam (bảng A), Indonesia, Singapore, Trung Quốc, Sri Lanka (bảng B) và Malaysia, Hàn Quốc, Macau, Hong Kong (bảng C). Theo quy định của Điều lệ, các đội sẽ thi đấu vòng tròn một lượt ở mỗi bảng, chọn 2 đội xếp nhất -nhì mỗi bảng và 2 đội xếp hạng 3 có thành tích tốt nhất vào thi đấu tứ kết theo thể thức loại trực tiếp.

Từng tổ chức thành công giải bóng đá U-16 châu Á năm 2000 và mới nhất là việc tổ chức các trận đấu vòng loại AFC Champions League, Ban tổ chức địa phương hoàn toàn đủ sức để góp phần tổ chức thành công giải lần này. Cho dù mật độ của giải khá dày với 5 trận mỗi ngày, song việc các trận đấu được tổ chức đồng thời trên 2 sân Chi Lăng và Tuyên Sơn (quận Hải Châu) bảo đảm tiến độ của giải sẽ không bị ảnh hưởng.

Cũng theo kế hoạch tổ chức, vào lúc 14 giờ 30 ngày 10-8, giải sẽ chính thức khai mạc trên sân Chi Lăng với cặp đấu Việt Nam - Thái Lan và sẽ được VTV3 truyền hình trực tiếp. Có thể, những chờ đợi về chất lượng chuyên môn sẽ không nhiều nhưng hy vọng người hâm mộ có thể được thỏa mãn về những ứng xử văn hóa mà các cầu thủ - học sinh thể hiện ở từng trận đấu.

VŨ BẢO NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục