Sự vô trách nhiệm của "người lớn"

Sẽ phải xử lý ra sao?

TUẤN THÀNH
Sẽ phải xử lý ra sao? ảnh 1

Nếu những người có trách nhiệm quan tâm đúng mức, có lẽ bóng đá Việt Nam sẽ không mất nhiều tài năng như thế này. Ảnh : Dũng Phương

Bản án sơ thẩm dành cho các cựu tuyển thủ đội tuyển U23 Việt Nam trong vụ án dàn xếp tỉ số tại SEA Games 23 đã được tuyên. Những bị cáo đã phải nhận cái án tù ứng với những sai lầm của họ. Tuy nhiên, hôm qua đã có rất nhiều cú điện thoại của bạn đọc và người hâm mộ bóng đá gọi đến Tòa soạn SGGP Thể Thao bày tỏ bức xúc của họ khi đọc bài trả lời phỏng vấn trên một tờ báo của ông Chủ tịch LĐBĐVN (VFF) và đang đương nhiệm chức Phó Chủ nhiệm UBTDTT Nguyễn Trọng Hỷ khi vụ án vừa kết thúc.

Trong bài viết, ông Hỷ nói rằng: “Ở thời điểm đó (tức SEA Games 23-NV), VFF đã rất có trách nhiệm khi xây dựng hẳn một đề án bảo vệ đội tuyển (kiểm soát toàn bộ điện thoại của các tuyển thủ) cùng hai trung tá an ninh đi cùng. Thế mà họ vẫn tổ chức đánh bạc mới to gan. Chúng tôi không thể cấm 7 tuyển thủ ấy ra sân trong thời điểm đó, nếu không có chứng cứ cụ thể. Vì như vậy, họ sẽ gây sức ép và rất mệt với dư luận”.

Điều đáng ngạc nhiên là đội trưởng Tài Em đã báo cáo với BHL nhưng không thấy bất cứ động thái gì ngăn chặn. Nghiêm trọng hơn, trước khi các cầu thủ ra sân, hầu hết những vị có trách nhiệm đều biết có chuyện bán độ, nhưng  lại làm ngơ với lý do muôn thuở của bóng đá Việt Nam mỗi khi đụng đến tiêu cực là “bằng chứng đâu”.

Làm ngơ cũng là cách trốn chạy trách nhiệm vì sợ đối đầu với dư luận, và cộng thêm đó là “bệnh” chạy theo thành tích. Bởi lâu nay, bóng đá Việt Nam có rất nhiều nghi án, nhưng những người có trách nhiệm đều phớt lờ. Câu hỏi được đặt ra, liệu kỳ SEA Games 23, nếu đội U23 Việt Nam đoạt HCV thì vụ án này có được lôi ra ánh sáng hay sẽ tiếp tục là một nghi án trong những cái kỳ án thuộc dạng “thâm cung bí sử” của VFF?

Ngoài ra, có lẽ cũng vì sợ “mệt với dư luận” mà chiều 26-1, khi tòa vừa tuyên án, chúng tôi đã lập tức liên lạc với vị lãnh đạo cao nhất của VFF để hỏi ý kiến của ông về bản án, nhưng lại nhận được câu trả lời “Đang bận họp” rồi cúp máy, và sau đó là tắt luôn điện thoại.

Còn nhớ, những ngày đội tuyển U23 Việt Nam ra trận tại Bacolod (Philippines), rất nhiều quan chức của ngành thể thao và VFF ngồi thưởng lãm trên khán đài bằng tiền Nhà nước. Nhưng những ngày qua, chẳng thấy vị nào có mặt ở tòa án, dù trả lời trên báo chí ai cũng nói như…hát: “Tôi theo dõi rất sát, tôi rất đau lòng”. Không biết họ “đau” như thế nào? Liệu có bằng những người cha, người mẹ của các cầu thủ đang đứng trước vành móng ngựa phải cay đắng, ngậm ngùi bởi cái giá mà bóng đá đang mang lại cho con họ. Cầu thủ bị vắt kiệt như một quả chanh, nhưng lại không hề được trang bị bất cứ một hành trang nào để có thể “chạy” trên con đường luôn quá nhiều cạm bẫy của bóng đá Việt Nam.
 
Câu phát biểu: “Bóng đá Việt Nam sẽ sạch sẽ hơn” của người đứng cao nhất VFF sẽ phải được hiểu như thế nào? Liệu có sạch nổi không khi những cầu thủ trẻ vừa được mang ra xử án theo cách mà người ta có thể thấy là “dằn mặt” hơn là mang tính giáo dục. Có sạch được không khi cái cây đã bị mục từ cái gốc, nhưng chỉ được chữa trị theo kiểu cắt nhánh, tỉa cành. Cũng như có sạch được không khi “căn bệnh thành tích” của cái cơ chế thể thao nước nhà vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị.

Trở lại dư âm của tòa án, nhiều luật sư đã nêu câu hỏi, biết trước mà không ngăn chặn để gây hậu quả nghiêm trọng, vậy trách nhiệm của các quan chức và UBTDTT sẽ được xử lý ra sao?
Có lẽ chỉ rút kinh nghiệm là cùng!


TUẤN THÀNH

Tin cùng chuyên mục