Năng khiếu chính trị của Platini

Kỳ 1: "Tôi không thích dự đám tang"

Đề nghị cải tổ Champions League của chủ tịch UEFA Michel Platini vấp phải sự phản đối của hầu hết các tên tuổi lớn trong làng bóng đá đỉnh cao. Vậy mà giờ đây, trước quyết định cuối cùng của Ban chấp hành UEFA, giới thạo tin lại khẳng định là Platini gần như nắm chắc phần thắng. Đây không phải là lần đầu tiên cựu danh thủ huyền thoại của bóng đá Pháp tỏ rõ tài năng trong lĩnh vực chính trị. Mức độ thành công của Platini trong lĩnh vực này xem ra còn lớn hơn cả thành công của ông lúc còn chơi bóng.

Kỳ 1: "Tôi không thích dự đám tang" ảnh 1

Năm 1979, Michel Platini (vừa hết hợp đồng với CLB Nancy) gặp Chủ tịch Roger Rocher của St Etienne để bàn về hợp đồng khoác áo CLB này. “Tôi muốn 1 triệu franc” - Platini quả quyết.

Ở tuổi 24, Platini khi ấy đã là ngôi sao sáng giá trong làng bóng Pháp, dù tiếng vang của Platini và những chú gà trống Gaulois khác ở World Cup 1982 vẫn chưa cất lên. Vào thời của Platini, tiền lương 1 triệu franc/năm là con số khổng lồ, ít ai dám nghĩ đến.

Danh từ scandal sẽ xuất hiện nếu như con số ấy được công bố chính thức. Nhưng Rocher không còn cách nào khác hơn là chấp nhận mức lương mà Platini đề nghị - cao hơn khoảng 25 lần so với các ngôi sao đương thời. Nghiệt ở chỗ: Platini yêu cầu St Etienne trả lương 1 triệu franc/năm, nhưng lại không muốn đóng thuế thu nhập. Thế là Rocher và Platini thỏa thuận ngầm: đôi bên sẽ công bố mức lương “đồng hạng” trên mặt báo. Còn thu nhập thực tế của Platini ở St Etienne sẽ được trả bằng các phong bì dày cộm, đưa dưới gầm bàn.

Ngày ấy, St Etienne là CLB số 1 trong làng bóng Pháp và Chủ tịch Rocher luôn có tham vọng chinh phục Cúp C1 châu Âu nên ông giữ kín như bưng chuyện trả tiền “ngoài pháp luật” cho Platini. Ngôi sao nổi tiếng nhất nước Pháp khoác áo St Etienne trong 3 mùa (1979-1982), rồi chuyển sang Juventus của Ý và trở thành cầu thủ duy nhất trong lịch sử 3 lần liên tiếp đoạt “Quả bóng Vàng châu Âu”.

Khi chuyện gian lận tài chính giữa Platini và Rocher rò rỉ thông tin thì đấy lại là lúc giới hâm mộ Pháp đang quá đau buồn về thất bại tức tưởi ở World Cup 1982 (thua Đức bằng loạt sút luân lưu 11m ở vòng bán kết). Trên chính trường, cả phe Gaullist lẫn đảng Xã hội đều không muốn, hoặc không dám động đến biểu tượng của bóng đá Pháp, không muốn làm cho dân Pháp tan vỡ giấc mộng bóng đá.

Nghi án trốn thuế của Platini vì vậy luôn ở hoàn cảnh sẵn sàng... chìm xuồng. Nhưng một quan tòa ít tên tuổi, Patrick Desmures, lại quyết làm cho ra lẽ mọi chuyện. Ông theo đuổi phiên tòa trong suốt 8 năm để rồi cũng có một ngày, câu chuyện xấu hổ của Platini được công bố, với các chi tiết đang được đề cập ở bài này.

Ngày 29-6-1990, Chủ tịch Roger Rocher cùng HLV Robert Herbin và hàng loạt cầu thủ Pháp xếp hàng nghe tòa tuyên án. Tất cả đều bị kết tội trốn thuế hoặc rửa tiền. Platini có trong số này. Các tuyển thủ quốc gia như: Larios, Janvion, Battiston, Lopez, Lacombe, Ferison, Zimako cũng đều “có phần”.

Lạ ở chỗ: dân Pháp vốn ghét và rất xem thường những ai phạm vào 2 tội danh trên, nhưng chuyện Platini trốn thuế lại ít khi được đả động (trong khi đó, báo chí lại làm rùm beng chuyện trốn thuế của bố con ngôi sao quần vợt Steffi Graf). Gần như toàn bộ tội lỗi được báo chí trút lên đầu Chủ tịch Rocher. St Etienne phá sản sau phiên tòa ấy, rớt xuống hạng Nhì trước khi trở lại Ligue 1 cách đây vài năm.

Cựu Chủ tịch Rocher, nhân vật mà Platini thường gọi là “bạn già của tôi” trong những năm khoác áo St Etienne đã qua đời vào tháng 3-1997. Platini chẳng hề xuất hiện tại tang lễ của ông bạn già từng bị tòa kết tội gian lận tài chính. Trong tư cách đồng Trưởng ban tổ chức World Cup 1998, Platini đâu dễ gợi lại trong ký ức người hâm mộ điều mà ông đã làm khi còn là ngôi sao bóng đá? Một nhà báo cố tình hỏi Platini về sự vắng mặt tại tang lễ Rocher, ông nói nhát gừng: “Tôi bận họp. Vả lại, đám tang không phải là nơi tôi thích đến”.

Đấy là chuyện về Platini khi còn chơi bóng. Hiếm thấy ngôi sao nào can đảm giải nghệ ngay khi còn ở đỉnh cao phong độ như Platini. Ông chia tay bóng đá năm 1987, tức chỉ 1 năm sau khi cùng đội tuyển Pháp lần thứ 2 lọt vào bán kết World Cup (1982, 1986). Ba lần liên tiếp đoạt “Quả bóng Vàng châu Âu” của Platini cũng chỉ vừa diễn ra trước đó không lâu (1983-1985).

Khi ấy, Platini giải thích nguyên nhân giải nghệ: “Để không mất tiếng. Sẽ không bao giờ có hình ảnh Platini già nua, sa sút phong độ trong lòng giới hâm mộ Pháp”. Quyết định treo giày của Platini vô cùng hợp lý. Sau đó không lâu, người ta đã thấy Platini, chỉ ở tuổi “băm”, đĩnh đạc dẫn dắt đội Pháp vào VCK Euro 1992 với thành tích toàn thắng ở vòng loại.

Rồi Platini cũng lập tức chia tay nghề huấn luyện “để không mất tiếng”. Chỉ một năm sau, ở tuổi 38, Platini trở thành đồng Trưởng ban tổ chức World Cup 1998. Bắt đầu từ đây, sự nghiệp của Platini gồm toàn những bước tiến dài ở cả FIFA, UEFA lẫn FFF (LĐBĐ Pháp).
(còn tiếp)

TRI KỶ

Tin cùng chuyên mục