Chút tản mạn sau chương trình “Mùa xuân biên giới” lần 5-2007

Gần 40 phóng viên và bác sĩ đã lên đường đến Tây Nguyên vào những ngày giáp Tết trong chương trình “Mùa xuân biên giới” do báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng HTV, báo Công An, Viện tim, trường Đại học Luật TPHCM, nhằm mang chút tình xuân ấm áp của những người hậu phương đến với các chiến sĩ biên cương Tây Nguyên, cũng như cho cả những đồng bào nghèo ở vùng đất này như lời ước hẹn từ năm ngoái. Xuân biên giới đã rộn ràng… 

  •  NƠI NHỮNG CON ĐƯỜNG LÁ ĐỎ 
Chút tản mạn sau chương trình “Mùa xuân biên giới” lần 5-2007 ảnh 1
Trận giao hữu bóng chuyền “đặc biệt” giữa các phóng viên TPHCM với các chiến sĩ đồn 723.

Năm nay, chương trình “Mùa xuân biên giới” do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức đã bước vào tuổi thứ 5. Vì thế những ngày giáp tết, chúng tôi luôn nao nức mong được gặp lại những chiến sĩ biên phòng nơi vùng biên cương xa xôi của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum… mà từ mấy năm qua đã thân thiết như người nhà.
 
5 năm, đã quá quen thuộc với những con đường rừng đầy bụi đỏ – nơi dẫn đến những đồn biên phòng xa xôi - cũng như đã hình dung trước mùa khô Tây Nguyên là như thế nào. Vậy mà vẫn không thể nghĩ được mỗi năm, những con đường vốn đã quen nhưng càng lúc càng xuống cấp đến kinh khủng. Những con đường mà các xe trong đoàn phải cách nhau khoảng từ vài chục thước trở lên nếu muốn thấy được đường chạy, và cánh rừng hai bên chỉ thấy duy nhất một màu lá đỏ của đất bazan. Còn các thành viên trong chuyến đi này đều là những người “dày dạn đường trường”, nhưng sau một quãng đường bị lắc như hột xí ngầu trong những chiếc xe bít bùng thì ai nấy đều phờ phạc như tàu lá úa.

Đặc biệt, ở Kon Tum khi ghé thăm 2 đồn biên phòng 707 và 709 đã không dưới 3 lần lên đồi, xuống suối và cuối cùng là những chiếc xe 16 chỗ của đoàn phải nằm lại để mọi người “chuyển” sang những chiếc xe U-oát đặc chủng nhằm có thể vượt con đường rừng nhỏ hẹp (khoảng 3 km) vào đồn 709, nhưng có đến 5 chiếc cầu cây mà mỗi năm phải thay một lần vì bị nước lũ cuốn. Tuy nhiên, khi bước vào đồn gặp các chiến sĩ biên phòng thì ai nấy cứ như được tiếp doping, cứ cười, cứ nói và hát hò giao lưu tưng bừng như chưa có gì xảy ra. Bởi với chút vất vả của mình thì đã là gì đâu so với các chiến sĩ phải quanh năm làm nhiệm vụ ở nơi heo hút này và năm nay lại thêm một cái Tết họ xa nhà.

  •  XUÂN BIÊN GIỚI, RẤT GẦN MÀ CŨNG RẤT XA 
Chút tản mạn sau chương trình “Mùa xuân biên giới” lần 5-2007 ảnh 2
Giao lưu văn nghệ giữa các đoàn viên thanh niên các báo, đài với các chiến sĩ biên phòng. TUẤN THÀNH

Chỉ trong vòng 3 ngày mà các thành viên trong chương trình “Mùa xuân biên giới” đã đến thăm được 10 đồn biên phòng, trong đó có 8 đồn ở tỉnh Gia Lai và 2 đồn của tỉnh Kon Tum. Đường xa và khó, nên thời gian thăm viếng giao lưu không nhiều. Tuy nhiên, đường xá xuống cấp trầm trọng như thế, nhưng chúng tôi lại rất vui khi thấy các đồn biên phòng mỗi năm mỗi khang trang hơn và điều kiện sống cũng đã được cải thiện hơn rất nhiều so với lần đầu đặt chân đến đây.
 
Là dân viết thể thao nên việc tập luyện thể lực của các chiến sĩ ở vùng biên cương là điều mà người viết quan tâm hàng đầu. Ngoài ấn tượng về những sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… được bao quanh bởi những giao thông hào, lần này, chúng tôi không khỏi vui mừng khi thấy một số đồn còn có cả nhà văn hóa thể thao với các bàn bóng bàn, billiarld để các chiến sĩ tập luyện và giải trí, dù đôi lúc những trái bi đã méo mó vì cũ kỹ và những cây cơ chẳng còn viên phấn lơ nào để thoa khiến đường bi luôn chệch choạch.

 Đặc biệt, chiều 5-2, một trận giao hữu bóng chuyền giữa các thành viên đoàn TPHCM và các chiến sĩ đồn biên phòng 723 đã diễn ra thật sôi nổi và… bất chấp luật lệ, khi mỗi bên thi đấu với hơn 12 cầu thủ bao gồm cả nam lẫn nữ. Trong cảnh chiều biên giới, tiếng cười giòn tan của những con người trẻ như xua đi cái lạnh giá của sương núi đang dần phủ mờ vùng đất này…

  •  NHƯ MỘT LỜI CHIA TAY 

5 năm - một chương trình, một chặng đường đã qua. Đêm cuối cùng (10-2) giao lưu với các chiến sĩ công an Phòng PC22 và PA43 của tỉnh Gia Lai, nhà báo Phạm Thục (SGGP) – Trưởng đoàn và được các phóng viên trẻ yêu mến đặt cho cho “nick name” Mama đã cho biết, chương trình “Mùa xuân biên giới” có lẽ sẽ dừng lại ở tuổi lên năm. Dù đã biết trước việc này, nhưng ai nấy đều mang một cảm giác tiếc nuối. Đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh – Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Nội chính trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cũng có mặt tham dự đãø bồi hồi phát biểu: “Dù nhà báo Phạm Thục nói thế, nhưng tôi luôn mong chương trình Mùa xuân biên giới sẽ tiếp tục sống mãi, và các bạn phóng viên sẽ tiếp tục thắp những ngọn lửa của tình người đến với chiến sĩ và đồng bào dân tộc ở vùng đất Tây Nguyên nghèo khó này. Mùa xuân biên giới có thể sẽ không tiếp tục vào năm sau, nhưng biết đâu nó sẽ mở ra nhiều mùa xuân khác…”.

 Còn chúng tôi khi ra về cứ đọng mãi hình ảnh những nụ cười rạng rỡ của các chiến sĩ biên cương, của những trẻ em người dân tộc thiểu số nghèo khó lúc chúng tôi đến thăm, để rồi khi ra về lại không khỏi ray rức với những ánh mắt lưu luyến thiết tha, nhưng cái ôm, những cái bắt tay thật chặt như không muốn rời của các chiến sĩ trẻ. Lời thổ lộ của anh chiến sĩ trẻ Quang Huy (Phòng PC22): “Đây là năm thứ hai em không về quê ăn Tết, nhưng có các anh chị đến cũng thấy vơi đi nỗi nhớ. Năm sau, các anh chị nhớ quay lại với chúng em nhé”. Không chỉ có Huy, nhiều sĩ quan chiến sĩ biên phòng nơi chúng tôi đặt chân đến đều cùng mong mỏi như thế khiến chúng tôi không thể nói lời giã từ. Mùa xuân ở vùng biên cương này đã rất gần mà vẫn còn như xa lắm….
 
Có lẽ, đây chỉ như là một lời chia tay để rồi đến tháng 7, tháng 8 tới có lẽ chúng ta lại bắt đầu rộn rịp chuẩn bị cho một Mùa xuân biên giới tiếp theo các bạn đồng nghiệp nhỉ?! 

ĐỖ TUẤN

Tin cùng chuyên mục