Muôn mặt thể thao

Phần 1: Đến sân không chỉ để đánh quần vợt

Phần 1: Đến sân không chỉ để đánh quần vợt ảnh 1

TPHCM có rất nhiều sân quần vợt và hầu như lúc nào cũng kín người tập luyện...Ảnh: Dũng Phương

Phía sau những đường banh là những chai bia, là những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng, là “cúp” giờ công sở, là những vụ độ vài “chai” và những câu chuyện tình vội vã cười ra nước mắt... Đôi khi, người ta cứ lầm tưởng môn thể thao này luôn đẹp như cái tên mỹ miều của nó: “thể thao quý tộc”. Tuy nhiên, phía hậu trường còn tồn tại nhiều mảng xám buồn. Cuộc sống xô bồ cứ thế trôi đi, còn quần vợt tiếp diễn theo cách riêng của nó, cách của một xã hội thu nhỏ...

Đến sân để chơi quần vợt theo đúng nghĩa có lẽ chỉ dành cho những người mới tập chơi, hoặc những người lấy tiêu chí “sức khỏe làm trọng” như các ông hưu trí, các bà trung niên, chưa kể còn có những cô cậu thanh niên thích chạy theo mốt.

Có lẽ đã xa rồi cái thời sân quần vợt bằng nền bê tông xi măng cứng ngắt. Sân quần vợt bây giờ đa số được phủ nhựa tổng hợp với một màu xanh đặc trưng đẹp mắt. Tại TPHCM, có lẽ Cung văn hóa Lao động là nơi đầu tiên trên cả nước xây dựng 2 sân quần vợt phủ nhựa tổng hợp và năm 1995, nay đã lên đến 10 sân (mỗi sân gắn 6 đèn cao áp) mở cửa từ 6 giờ sáng tới 22 giờ đêm. Người đến chơi chủ yếu là giới viên chức Nhà nước, các cơ quan ban ngành như: Công an, tài chính, kế hoạch đầu tư, giáo dục... và chơi đúng tinh thần là rèn luyện sức khỏe.

Tay vợt Trần Thị Kim Lợi ngoài những buổi tập cùng đội tuyển quốc gia, còn đến sân quần vợt kiếm thêm thu nhập bằng cách đi dợt banh tính tiền giờ cho những người có nhu cầu. Cô khá đắt “sô” với 1 giờ dợt banh vào khoảng 100 - 150 ngàn đồng. Nhưng đó chỉ là bề nổi quanh sân quần vợt, bởi không phải ai đến đây cũng vì mê đánh banh.

  • VẬY ĐẾN SÂN QUẦN VỢT LÀM GÌ ? 
Phần 1: Đến sân không chỉ để đánh quần vợt ảnh 2

... nhưng còn là nơi tụ họp làm ăn, nhậu nhẹt như chuyện... thường ngày ở huyện. Ảnh: D.P

 “Đến sân để đánh banh, chuyện đó chỉ dành cho những tay mới chập chững vào nghề. Bây giờ, mốt thời thượng là đi xe hơi, chơi quần vợt, bàn chuyện chứng khoán”, anh Nguyễn Đ.H (xin giấu tên) - một tay cự phách trong làng quần vợt phong trào tuyên bố. H kể, chơi quần vợt cũng có dăm bảy loại chơi. “Nghèo” thì sắm cây vợt re rẻ chừng 1-2 triệu đồng, rồi thả chí tang bồng với nhóm bạn cùng chơi hoặc chơi ké với các sếp cùng cơ quan.

Nguyễn Đ.H đang là Giám đốc bán hàng của một hãng máy tính danh tiếng, nên “tôi không được phép chơi bình dân”. Thấy người viết tròn mắt, H tiếp luôn: “Tức là phải đánh hầu các sếp (những đối tác làm ăn của H). Đánh xong hầu rượu, hầu trà, đôi khi là kiêm luôn chuyện kêu các em tới cho các sếp... nhỏ to tâm sự nữa ấy chứ. Đến sân đâu chỉ vung vợt đánh vài tiếng rồi về với vợ, với con? Còn lâu mấy ông ấy mới chịu”...

Có một nguyên tắc mà khi đi đặt sân cho các sếp, H luôn phải thuộc nằm lòng: không được đặt thuê sân quá 3 tháng ở một chỗ mà phải đổi sân liên tục để các sếp yên tâm không bị... vợ theo dõi, hoặc những kẻ hiếu kỳ cùng nhiệm sở nhòm ngó rồi sinh ra rách việc. Bởi thế mà “ê kíp” banh bóng của Đ.H, lúc thì chơi ở CLB Không quân (phường 4, Tân Bình), khi thì tới CLB Lan Anh, rồi chuyển sang sân Nam Sài Gòn (Q7), CLB hồ Kỳ Hòa (Q10)... Lâu lâu “đổi gió” với chuyến đi ra Vũng Tàu, Nha Trang, về Bình Dương hay Đồng Nai để tụ họp “quần hùng”.

  • MÔN CHƠI CỦA... TRƯỞNG PHÒNG!

Anh Lê Tuấn Hưng (phường 15, Tân Bình) cho biết: “Tôi có thể chọn môn cầu lông hay bóng bàn ít tốn kém hơn. Quần vợt thì thích thật, nhưng với mức thu nhập như của tôi hiện nay (1,8 triệu đồng/tháng), nếu chơi quần vợt thì lấy đâu tiền để trang trải cuộc sống cho 2 vợ chồng (vợ anh cũng thu nhập khoảng 1,5 triệu/tháng)”. Cả hai vợ chồng anh đang là công nhân của một xí nghiệp may quốc phòng. Rõ ràng, chơi quần vợt đối với anh và nhiều người có thu nhập thấp khác, vẫn đang là một ước mơ.

Cứ tính sơ sơ, một người từ khi bắt đầu cầm vợt đến lúc đánh thạo (khoảng 6 tháng, tập 2 buổi/tuần) phải bỏ ra khoảng 20 triệu đồng: tiền thuê thầy (bình quân 80.000đ/giờ), tiền thuê sân (40.000đ/giờ ban ngày), tiền thuê nhặt banh (10.000đ/giờ), tiền mua vợt, quần áo, giày (khoảng 5 triệu), tiền nước uống... Với mức thu nhập của một công chức bình thường (hoặc một công nhân) khoảng gần 2 triệu đồng/tháng liệu họ có dám chơi? Câu trả lời là không. Nên, môn chơi khá tốn kém này chỉ dành cho những người kiếm được nhiều tiền.

Ngay cả những người có thu nhập khá (6-7 triệu đồng/tháng) có khi cũng lưỡng lự trước khoản kinh phí phải bỏ ra để đầu tư cho môn thể thao mình yêu thích. Anh Phạm Anh Việt (CLB quần vợt CVHLĐ) nói vui: “Môn này có lẽ chỉ dành cho cấp trưởng phòng trở lên mới dám chơi thôi. Bởi vì nó quá tốn kém”.

Quả thật, những người đến sân quần vợt nếu không phải là các trưởng, phó phòng các ban ngành, thì cũng là Giám đốc, Phó Giám đốc các doanh nghiệp, hoặc những nhân viên của các công ty nước ngoài có thu nhập chí ít cũng từ 500 USD trở lên... Đến sân, mỗi người không chỉ mang 1, mà là 2 hoặc thậm chí đến 3 cây vợt đắt tiền (giá khoảng 3-5 triệu đồng/cây) để thường xuyên thay đổi... cho oai.

  • LÊN SÀN NÀO! 

Sân chưa xây xong đã kín chỗ! Hiện ở TPHCM, rất nhiều sân quần vợt chuẩn bị xây hoặc đang xây dang dở nhưng đã được người chơi đến “đặt giờ” kín chỗ. Tại các khu vực quận 2, Bình Thạnh, Tân Bình, Q.10... nhiều chủ sân cho biết khách kéo đến thuê khá đông, nên sử dụng hẳn một cuốn sổ ghi ngày, giờ thuê “chết” sân dài hạn.

Lên sàn ở đây tức là “sân sau” của giới kinh doanh. Tức là bàn chuyện hợp tác kinh doanh, ký hợp đồng mua bán hàng, làm quen giới quan chức hay tranh thủ lobby cho công ty..., tất cả đều có thể diễn ra bên lề sân quần vợt.

“Tôi còn trăm thứ việc phải lo cho công ty. Sếp giao là đi lobby mấy bác bên Sở Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng, Thuế... mà đến cứ cắm đầu vào chơi thì chết! Châm banh hoặc bao sân sau thật tốt cái đã, rồi tới giờ nghỉ mới tính đến chuyện “nói ngọt” với mấy bác. Rồi nhậu, rồi quà cáp... nhức hết cả đầu ấy chứ. Đi đánh banh còn mệt óc hơn cả đi làm”, Nguyễn Đ.H tâm sự. 

Trường hợp của anh Lê Khải - PGĐ công ty New Vision thì khác, một đối tác cứ khăng khăng mời cho được anh tới sân Bình Quới 2 để bàn chuyện làm ăn, chứ nhất quyết không chịu đến trụ sở công ty. Ở đó, phía đối tác đã chuẩn bị sẵn mấy cô “chân dài” phụ trách mục... lượm banh, lau mặt và rót bia cho người chơi trên sân.

Bây giờ, khi chứng khoán đang rộ lên, những thông tin bên lề sân quần vợt ban đêm khiến người ta có cảm tưởng sức nóng của các phiên giao dịch trong ngày vẫn còn lan tỏa mạnh. Ở đó, các “đại gia cổ phiếu” có thể tha hồ bàn bạc về tỉ giá lên xuống của các công ty, chuyền tai nhau nơi nào cổ phiếu có giá để nhảy vào, và 1.001 chuyện xung quanh cái sàn cổ phiếu đã được đưa ra sân banh để tranh luận.

THANH LÂM

Phần 1: Đến sân không chỉ để đánh quần vợt ảnh 3

Phần 2: Chơi thể thao chẳng hao năng lượng

Tin cùng chuyên mục