Khi Bayern đổi mới tư duy

Kỳ 1: ULI Hoeness - cha đẻ của “truyền thống” tằn tiện

Trong suốt lịch sử, chưa bao giờ CLB nổi tiếng nhất nước Đức Bayern Munich lại bước vào mùa bóng mới với chiến dịch mua sắm cầu thủ rầm rộ như mùa này. Lịch sử Bayern đã sang trang mới. Chính giới lãnh đạo Bayern tự tay chôn cất một truyền thống vừa kỳ lạ, vừa hào hùng, đã tồn tại suốt 1/4 thế kỷ qua ở đội bóng này. Đó là truyền thống không quan tâm đến các ngôi sao đắt giá, nhưng vẫn luôn thành công. Nhân đây, chúng ta cũng nên xem lại truyền thống đặc biệt này, khi nó có thể sẽ bị Bayern vĩnh viễn từ bỏ.

Kỳ 1: ULI Hoeness - cha đẻ của “truyền thống” tằn tiện ảnh 1

Bên cạnh HLV Hitzfeld là 2 gương mặt mới của Bayern trong mùa giải 2007-2008: Tiền đạo Luca Toni (trái) và tiền vệ Ribery.

Nói đến Bayern là phải nói đến nhân vật… khó ưa này. Uli Hoeness hiện là Tổng Giám đốc, là nhân vật chính trong chiến dịch chiêu binh mãi mã tốn kém hơn 70 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng hè này. Trước đây, Hoeness từng là cầu thủ, sau đó trở lại Bayern với chức danh Giám đốc kinh doanh. Thế còn trước nữa? Chúng ta hãy tìm hiểu thêm về con người Hoeness, để hiểu thấu đáo vì sao ông không bao giờ chi những khoản tiền lớn để mua sắm ngôi sao cho Bayern, và vì sao Bayern vẫn luôn thành công bất chấp sự hà tiện ấy?

Sự nghiệp cầu thủ của Hoeness coi như chấm dứt vì chấn thương vào năm 1979. Lúc đó, Hoeness mới 27 tuổi. Nước Đức không hề thương tiếc khi phải chia tay một ngôi sao lớn vì thật ra, Hoeness chưa bao giờ là “sao” trong lòng giới bóng đá Đức, dù ông có tên trong đội hình vô địch Euro 1972 và World Cup 1974. Cả giới hâm mộ lẫn báo chí Đức đều… ghét Hoeness.

Ngay trong thời kỳ đỉnh cao, Hoeness đã bị xem là kẻ cơ hội hoặc một con người thủ đoạn. Loạt bài về Hoeness đăng trên tạp chí Kicker năm 1975 có đoạn: “Có những cầu thủ chơi bóng cho và vì khán giả. Họ làm đám đông phấn khích khi lên chân, hoặc bị đám đông làm cho nản lòng khi rớt phong độ. Cũng có những cầu thủ chỉ chơi bóng cho và vì mình. Trên sân, họ chỉ làm những gì mình muốn, mặc kệ khán giả có thích hay không. Hoeness thuộc một dạng khác. Cầu thủ này chơi bóng cho và vì… băng ghế chỉ đạo, bởi đấy là nơi có mặt HLV trưởng”. Tóm lại, tạp chí Kicker đã khắc họa thật rõ nét đặc điểm nổi bật nhất của Hoeness: ông làm bất cứ điều gì, kể cả khi chơi bóng, cũng đều có mục đích rõ ràng. Dĩ nhiên, đấy phải là mục đích có lợi cho mình.

Có lần, các tuyển thủ Đức ngồi tán gẫu trước thềm World Cup 1974. Cuộc sống sẽ ra sao nếu Đức vô địch World Cup? Có người cho rằng họ sẽ trở thành những tượng đài của bóng đá thế giới, có người hy vọng tên tuổi của họ sẽ trở nên bất tử. Phần mình, Hoeness tuyên bố: “Tôi sẽ kiếm được nhiều tiền, có thể đủ sống tới già”.

Hoeness là vậy. Ngay cả cựu danh thủ đầy cá tính Paul Breitner cũng phải thừa nhận ý thức kiếm tiền và tài kiếm tiền của Hoeness. Breitner nói: “Nếu không có Hoeness chỉ vẽ, tôi sẽ không bao giờ kiếm được 1 xu ngoài đồng lương bóng đá của mình”. Chi tiết đáng lưu ý: Hoeness là con trai một ông hàng thịt ở Ulm, nhưng nếu chỉ dùng “máu kinh doanh” để nói về con người Hoeness thì chưa đủ. Thói quen làm việc có động cơ, mục đích rõ ràng của Hoeness càng nổi bật. Khi còn đi học, Hoeness phụ trách tờ báo tường cho nhà trường, và chuyện ông đỗ đạt được bạn học coi là “chuyện đương nhiên”.

Thuở ấy, Hoeness đã khoác áo đội trẻ Đức với tài năng ở mức trung bình so với tầm vóc của một đội trẻ quốc gia. Ông có trận hay, trận dở, nhưng nếu là trận hay thì dứt khoát sau đó báo chí địa phương sẽ nhắc đến Hoeness. Cũng vậy, khi gia nhập Bayern Munich đầu năm 1970, Hoeness lập tức gọi điện đến tòa soạn và hôm sau, tờ báo lớn nhất ở Ulm đã có tin, bài. Chuyện Hoeness đổi xe mới, mua nhà mới sau khi đứng vào hàng ngũ Bayern đều có chủ ý, và tất nhiên đấy là chủ ý có lợi.

Trong thời buổi “bóng đá kinh doanh” ngày nay, chúng ta đều biết các ngôi sao bóng đá như David Beckham, John Terry đều hốt bạc bằng những sự kiện cá nhân gây chú ý, như đám cưới hoặc mừng tân gia. Nhưng ở thời điểm 30 năm trước? Có lẽ Hoeness là cầu thủ đầu tiên nghĩ ra cách kiếm tiền bằng cách bán hình ảnh độc quyền cho báo chí. Ông kiếm được 23.000 mark khi bán ảnh độc quyền cho báo chí trong đám cưới của mình. Lúc bấy giờ, Hoeness chưa tròn 23 tuổi!

Ở Bayern, Hoeness dám ngang nhiên đối đầu với cả Franz Beckenbauer, nhân vật sau này là huyền thoại. Bố Beckenbauer từng cho rằng cầu thủ bóng đá chỉ là những kẻ ngốc không đủ trí khôn để dành dụm tiền bạc. Hoeness cười vào ý kiến ấy và bị Beckenbauer nhắc nhở về tính lì lợm. Tóm lại, ngay cả đồng đội cũng không ưa Hoeness. Trong ĐTQG, Gunter Netzer từng gọi Hoeness là “kẻ cướp”, vì Hoeness bị cho là cố ý hạ uy tín Netzer để ông mất chỗ trong danh sách dự World Cup 1974. Cho nên, người Đức thật sự bất ngờ khi Chủ tịch Wilhelm Neudecker bổ nhiệm Hoeness vào chức Giám đốc kinh doanh của Bayern Munich đầu năm 1979.
(còn tiếp)

Tri Kỷ

Tin cùng chuyên mục