Tổng kết V-League 2007

Bài 1: Không về đích an toàn?

Vòng liên hoàn... tai tiếng

10 ngày sau trận play-off xác định chủ nhân tấm vé vớt dự V-League 2008, BTC V-League 2007 sẽ tiến hành tổng kết mùa giải 2007. Một bản báo cáo do BTC V-League 2007 lập trình sẽ được công bố. Nhưng câu hỏi đặt ra đối với chính BTC V-League 2007 ở thời điểm bản báo cáo còn trong vòng bí mật: liệu BTC V-League 2007 có khẳng định đã giải về đích an toàn?

Vòng liên hoàn... tai tiếng

Bài 1: Không về đích an toàn? ảnh 1

Cặp đấu giữa Đà Nẵng - TCDK.SLNA (lượt đi 2-2, lượt về 1-1) để lại nhiều nghi vấn cho giới chuyên môn. Ảnh: Quang Thắng

Có sự khác biệt nổi bật giữa V-League 2007 và V-League 2006: thay vì thiếu tiền như mùa giải trước (V-League 2006 chỉ có tài trợ sau giai đoạn lượt đi), lần này VFF đã kiếm rủng rỉnh 12 tỷ đồng cho BTC V-League 2007 tổ chức giải. Có tiền và hệ thống giải đã ổn định nhờ không có đội bóng nào dính “thẻ đỏ”, bị truất quyền thi đấu ngay khi chưa nhập cuộc giống như trường hợp Ngân hàng Đông Á. Đó là những điều kiện cần và đủ để BTC V-League 2007 có thể thực thi một mùa giải trọn vẹn, tạo ra hình ảnh mới cho bóng đá Việt Nam.

Ấy thế nhưng, giống như bị... ma ám, hình ảnh V-League 2007 vẫn vậy. Thước đo cho hình ảnh V-League 2007 trước tiên cứ thể hiện ở số lượng khán giả đến sân: 1.180.077 khán giả (trung bình 6.483 khán giả/trận). Khán giả đến sân giảm một cách thảm hại so với con số suýt soát 2 triệu người/mùa, dù đây là mùa bóng đầu tiên V-League có tới 182 trận đấu nhờ số lượng đã tăng lên 14 đội.

Con số khán giả giảm là do sức hút của V-League 2007 kém, và phần nào là hệ lụy của cái án kỷ luật đá trên sân không khán giả mà H.Thanh Hóa phải hứng chịu. Sức hút của V-League 2007, dĩ nhiên, ngoài chất lượng chuyên môn do các đội bóng tạo ra, còn phụ thuộc vào khả năng đánh bóng hình ảnh của các nhà tổ chức. Trách nhiệm của BTC V-League là tạo ra sân chơi bình đẳng, trung thực và cảm giác được chơi, được cuồng nhiệt với cuộc chơi khi khán giả lôi nhau đến sân.

Không thiếu tiền, không còn bị khủng hoảng vì hệ lụy của cơn bão tiêu cực, nhưng khâu tổ chức của V-League 2007 lại xảy ra những điều kỳ cục, sự kiện hy hữu có một không hai. Chẳng hạn như 3 vụ gây loạn kinh hoàng mà các CĐV xứ Thanh gây ra thì chưa có mùa bóng nào lại có “kỳ tích” như vậy. Đó là một ví dụ của cái vòng liên hoàn tai tiếng mà tính trung bình, cứ khoảng 3 vòng đấu, V-League 2007 lại xảy ra một sự cố.

Ba vụ gây loạn của CĐV Thanh Hóa nêu ra nhiều cái yếu của BTC V-League: khả năng dự báo, ngăn chặn và việc thực thi luật lệ ở V-League. Có thể ông Trưởng giải Dương Nghiệp Khôi và BTC V-League 2007 sau mỗi sự cố do CĐV xứ Thanh gây ra đều không bị Ban kỷ luật… “sờ” tới, nhưng rõ ràng việc xí xóa, chấp nhận cho một cái sân không đảm bảo an toàn, kém chất lượng được tổ chức các trận đấu “chuyên nghiệp” rồi lặp đi, lặp lại sự cố thiếu an toàn thì không thể phủi trách nhiệm. Vả lại, những cái án mà các nhà tổ chức phạt CĐV xứ Thanh không đúng và chặt, vì vậy mới gây ra hệ quả là các CĐV này quậy tưng bừng đến… 3 lần. Chính Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng phải bức xúc, vì xử không nghiêm nên CĐV xứ Thanh mới nhờn thuốc và… tái quậy. Nói tóm lại, sự cố có một không hai do CĐV Thanh Hóa gây ra cho thấy cả khâu lập pháp và hành pháp của BTC V-League 2008 đều có vấn đề.

Sạch, không sạch và... bó tay

Vòng quay trái bóng V-League 2007 đã khép lại. B.Bình Dương đăng quang ngôi vô địch, Đồng Tháp và H.Huế về lại chốn cũ là giải hạng Nhất. Nhưng V-League 2007 không chỉ có những danh hiệu, những cuộc chia tay buồn bã vì lực bất tòng tâm. Như sự huyền bí, biến thiên của trái bóng, V-League 2007 còn chứa đựng đủ các góc cạnh, màu sắc của một nền bóng đá mang danh xưng “chuyên nghiệp”. Để có một cái nhìn đa chiều, sâu sắc về V-League 2007, từ số báo này, SGGP Thể Thao sẽ khởi đăng loạt bài như để khái quát tổng thể những góc cạnh ở sân chơi số một của bóng đá Việt Nam trong mùa bóng thứ 7 mặc tấm áo chuyên nghiệp.

Trước khi V-League 2007 hạ màn, V-League 2007 đã sớm định đoạt được nhà vô địch và 2 đội rớt hạng. Vòng quay ấy chỉ thiếu có mỗi đội dự trận play-off với An Giang.

Thế nhưng, V-League 2007 lại có một câu hỏi mà đến tận khi tấm màn nhung khép lại, các nhà tổ chức đều không (hoặc không dám trả lời): V-League có sạch? Mà trớ trêu ở chỗ, câu hỏi ấy không phải do công luận, khán giả đặt ra mà chính “người nhà”- Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nêu ra. Ông Hỷ nhận định rằng, nạn xin- cho ở V-League 2007 còn tồn tại, trong khi phía BTC V-League 2007 thì… chưa trả lời.

Nhìn vào thực tế V-League 2007, đến tận vòng đấu 26, trong khi kết cục của giải đấu đã ngã ngũ thì câu hỏi ấy vẫn chưa có lời đáp. Những lời đồn thổi về việc HAGL “cứu” Hòa Phát HN khỏi trận play-off buộc người ta nín thở chờ đội bóng phố núi trả lời. Trận thắng vùi dập của HAGL trước Hòa Phát HN đã cứu cho BTC V-League 2007 một bàn thua trông thấy, nhưng về toàn cục, BTC V-League 2007 không thể lấy một trận đấu để phủ lấp cho những nghi ngờ đã nảy sinh từ 182 trận đấu của mùa giải 2007. Bản thân BTC V-League 2007 cũng… nhấm nhẳng và đành nhận định chung chung rằng lỗi của CLB đã không giải quyết được vấn đề nội bộ, khiến cầu thủ thi đấu thất thường, yếu kém chuyên môn như 2 trận Đà Nẵng - TCDK.SLNA, TCDK.SLNA- Hòa Phát HN.

Tóm lại, dù phải đợi đến ngày 7-10 tới, BTC V-League 2007 mới chính thức công bố câu trả lời về chuyện “sạch hay không sạch?”, nhưng hình ảnh của V-League 2007 không thể tốt và hào nhoáng khi bị đồn đại này nọ. Tất nhiên BTC V-League 2007 cũng không thể phủi tay trách nhiệm ở việc để hình ảnh của giải vô địch số 1 Đông Nam Á bị bóp méo.

Với một giải đấu mà tai tiếng nhiều hơn nổi tiếng, nghi ngờ nhiều hơn sự khẳng định, BTC V-League 2007 có dám khẳng định giải “về đích an toàn” trong bản báo cáo tổng kết? Bởi “về đích an toàn” phải là một cái nhìn thực chất, chứ không giống như kiểu đến hẹn là V-League khởi tranh và... đến hẹn thì V-League phải hạ màn!

Yến Nhi

Bài 1: Không về đích an toàn? ảnh 2

Ông Dương Nghiệp Khôi. Ảnh: Hoàng Hùng

Tin cùng chuyên mục